Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

BOJ tăng lãi suất tác động thế nào đến các doanh nghiệp Nhật Bản?

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định chấm dứt chính sách lãi suất âm sẽ dẫn đến những thay đổi lớn với nền kinh tế Nhật Bản, buộc các doanh nghiệp của nước này phải chuẩn bị các phương án thích ứng.

Chi phí đi vay gia tăng tại Nhật Bản

Hôm 19-3-2024, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã tiến hành một cuộc cải tổ chính sách sâu rộng nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong đó đáng chú ý hơn cả là quyết định hủy bỏ chính sách lãi suất âm và lần đầu tiên tăng lãi suất cho vay kể từ năm 2007.

Cụ thể, BOJ đã quyết định nâng lãi suất cho vay qua đêm từ phạm vi -0,1-0%, lên phạm vi 0-0,1%. Với động thái này, BOJ đã chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng được áp dụng từ năm 2016 nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ngay sau thông báo của BOJ, các ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, bao gồm Mitsubishi Bank và Sumitomo Mitsui đều đã tuyên bố nâng lãi suất tiền gửi thông thường bằng đồng yen từ 0,001% lên 0,02%/năm, mức cao nhất kể từ năm 2016.

Mặc dù các ngân hàng hiện vẫn chưa tăng lãi suất cho vay thế chấp, mọi thứ có thể thay đổi nếu BOJ tiếp tục nâng lãi suất trong thời gian tới.

Theo dữ liệu của CEIC Data, lãi suất cho vay của các ngân hàng Nhật Bản đang ở mức trung bình 1,474%/năm. Trong khi đó, tính đến tháng 5-2023, lãi suất cho vay thế chấp cố định kỳ hạn 10 năm ở Nhật Bản chỉ là 3,16%. Khoảng 75% số khoản vay thế chấp nhà ở tại Nhật Bản có lãi suất thả nổi được neo với lãi suất ngắn hạn của BOJ.

Các ngân hàng được kỳ vọng sẽ là nhóm đối tượng hưởng lợi lớn từ việc BOJ thắt chặt chính sách tiền tệ. Trước đó, trong nhiều năm, các ngân hàng đã liên tục phàn nàn rằng, mức lãi suất cực thấp của BOJ ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.

Với việc phần lớn các khoản vay dựa trên lãi suất thả nổi, những thay đổi về lãi suất chính sách của BOJ có thể sẽ có tác động ngay lập tức. Theo tính toán của Bloomberg, các ngân hàng hàng đầu của Nhật Bản có thể ghi nhận mức thu nhập lãi ròng hàng năm tăng khoảng 100 tỉ yên, một sự gia tăng đáng kể.

Cú hích tích cực cho kinh tế Nhật Bản

Theo Bloomberg, chi phí đi vay cao hơn, cùng với giá cả và tiền lương tăng trở lại, đồng nghĩa với việc 3,7 triệu doanh nghiệp Nhật Bản sẽ quay trở lại với chu kỳ kinh doanh bình thường hơn. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, yêu cầu tăng lương của người lao động được chấp nhận, trong khi các doanh nghiệp bắt đầu học lại cách chuyển chi phí cao hơn về phía khách hàng.

Theo các chuyên gia, trong dài hạn, việc tăng lãi suất sẽ giúp tăng thu nhập tiết kiệm quốc gia và hạn chế dòng tiền chảy ra nước ngoài do đồng yen mất giá quá mức, đồng thời nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về hiệu quả, cạnh tranh và đổi mới để cho phép nguồn nhân lực tập trung hơn.

Takeshi Niinami, Chủ tịch tổ chức vận động hành lang kinh doanh Keizai Doyukai, đồng thời là người đứng đầu nhà sản xuất bia Suntory Holdings, cho biết: “Mỗi doanh nghiệp và cá nhân đều cần chuẩn bị cho một điều kiện kinh tế có lãi suất. Các công ty cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt là cải thiện năng suất kinh doanh”.

Những dấu hiệu cho thấy giảm phát đã kết thúc cũng đang thúc đẩy các nhà đầu tư đặt cược nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, dù cho việc chi phí đi vay tăng cao thường được coi là yếu tố gây tổn hại đến giá cổ phiếu.

Theo một cuộc khảo sát của các nhà quản lý quỹ Bank of America, Nhật Bản là quốc gia được các nhà đầu tư yêu thích ở châu Á - Thái Bình Dương, với 67% người được hỏi kỳ vọng nền kinh tế nước này sẽ mạnh lên trong 12 tháng tới.

Morgan Stanley cũng duy trì quan điểm lạc quan về cổ phiếu Nhật Bản so với châu Á và các thị trường mới nổi sau động thái tăng lãi suất của BOJ. Các nhà phân tích của ngân hàng này cho rằng các nhà đầu tư nên tập trung vào các lĩnh vực có liên quan nhiều đến việc chấm dứt giảm phát như thực phẩm và bất động sản.

Các doanh nghiệp đối mặt với áp lực tài chính

Tuy nhiên, việc chi phí đi vay gia tăng được dự báo sẽ gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp trong ngắn hạn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ.

Ông Satoaki Kanoh, Chủ tịch hãng sản xuất sản phẩm nhựa Shinshi đã không giấu nổi sự lo lắng khi cho biết việc lãi suất tăng lần đầu tiên sau 17 năm sẽ khiến kế hoạch thay thế hàng chục thiết bị máy móc cũ tại các nhà máy sản xuất tấm nhựa acrylic của ông ở Tokyo gặp nhiều trở ngại hơn.

Doanh nghiệp của ông Kanoh hiện chỉ là một trong số hàng triệu doanh nghiệp nhỏ đang phải tính toán cách thích ứng với chi phí vay cao hơn sau những năm giảm phát kéo dài khiến giá cả, tiền lương và chi phí vay vốn ít thay đổi. Cách ứng phó của các doanh nghiệp này sẽ có tác động lớn đối với một nền kinh tế, nơi các công ty nhỏ và vừa chiếm tới 90% số doanh nghiệp và sử dụng khoảng 70% lực lượng lao động.

Một cuộc khảo sát được Reuters công bố hôm thứ Năm tuần trước (21-3) cho thấy phần lớn các công ty Nhật Bản cho rằng BOJ sẽ tăng lãi suất lên mức 0,25% vào cuối năm nay.

Làn sóng phá sản có thể gia tăng

Lãi suất cao hơn sẽ giáng những đòn nặng nề vào các doanh nghiệp “xác sống”, tức là lợi nhuận làm ra chỉ đủ để trả nợ. Tokyo Shoko Research ước tính có khoảng 565.000 công ty thuộc dạng này ở Nhật Bản, những doanh nghiệp có mức nợ cao nhưng vẫn có thể duy trì hoạt động nhờ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong suốt nhiều thập niên.

Tuy nhiên tình hình sẽ sớm thay đổi, bởi theo Tokyo Shoko Research, việc lãi suất tăng thêm 0,1 điểm phần trăm sẽ khiến số công ty “xác sống” tăng thêm 12%, lên 632.000 doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều vụ phá sản có thể xảy ra trong những tháng tới khi các công ty phải gánh chịu áp lực tài chính ngày càng lớn hơn.

Các số liệu thống kê cho thấy, số doanh nghiệp vỡ nợ ở Nhật Bản trong tháng 2 đã tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái và đánh dấu tháng tăng thứ 23 liên tiếp. Trước đó trong năm 2023, số doanh nghiệp phá sản tại Nhật Bản đã tăng 35,2% lên 8.690 - đánh dấu mức tăng theo năm lớn nhất kể từ năm 1992.

Dẫu vậy, các nhà phân tích cho rằng, sự phá sản gia tăng - có thể dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng, chưa hẳn đã là điều bất lợi với kinh tế Nhật Bản.

Ông Koichi Fujishiro, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life nhận định tình huống này có thể làm mới động lực của nền kinh tế khi các doanh nghiệp thua lỗ phá sản có thể thúc đẩy người lao động rời đi, tìm kiếm cơ hội tốt hơn trong các ngành nghề đang phát triển khác.

Chuyên gia Osamu Naito, người đứng đầu cuộc khảo sát về các công ty xác sống, kỳ vọng tình trạng thiếu hụt lao động hiện tại ở Nhật Bản có thể giúp hạn chế một số tác động tiêu cực của nguy cơ phá sản doanh nghiệp. Ông nói: “Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều trường hợp các công ty thuê lại nhân viên của các công ty đối thủ đã phá sản để đảm bảo nhân sự cho các hoạt động của mình”.

Nguồn: Reuters, Business Times, Bloomberg, Business Insider, Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới