Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bông Bạch Tuyết “tiến thoái lưỡng nan”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bông Bạch Tuyết “tiến thoái lưỡng nan”

Chủ tịch đoàn Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết – Ảnh: THỦY TRIỀU

(TBKTSG Online) –  Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) Công ty Bông Bạch Tuyết (BBT) diễn ra ngày 14-7 đã tưởng như phải hủy bỏ giữa chừng khi tổng giám đốc tuyên bố rút khỏi đại hội và tranh luận với cổ đông.  

Bà Phan Vũ Trầm Hương, Phó phòng niêm yết của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, đã phải thốt lên: “Tôi đã từng dự nhiều cuộc họp đại hội cổ đông nhưng chưa bao giờ gặp một đại hội xảy ra nhiều vấn đề như của Công ty Bông Bạch Tuyết”.  

Hai năm thua lỗ

Tuần trước, Công ty BBT đã bị hủy niêm yết tạm thời do làm ăn thua lỗ trong hai năm liên tiếp. Hiện nay, BBT nợ ngân hàng 34 tỉ đồng và trong hai tháng 8 và 9-2008, công ty phải trả khoản tiền vay ngắn hạn 15 tỉ đồng.

Cho đến thời điểm này, ban giám đốc công ty vẫn chưa tìm ra biện pháp nào để trả khoản tiền vay ngắn hạn đó nếu không phát hành thêm cổ phiếu. Và nếu không trả được, theo như ông Tạ Xuân Thọ, Tổng giám đốc BBT, thì ngân hàng sẽ phát mãi công ty trong tháng 9 hay tháng 10 năm nay.  

Việc không có vốn lưu động khiến công ty không có đủ nguyên liệu, vật tư để sản xuất, khiến cho phân xưởng bông, một ngành hàng chính duy trì sự tồn tại của BBT, không thể hoạt động.

Bà Trần Thị Đem, quản đốc phân xưởng bông, cho biết: “Toàn bộ công nhân của phân xưởng này hiện đang nghỉ chờ việc. Nếu không có nguồn vốn thì chỉ một thời gian ngắn nữa, dù không bị ngân hàng phát mãi thì công ty cũng không thể duy trì hoạt động sản xuất”.  

Năm 2006 và 2007, BBT đã thua lỗ 15,1 tỉ đồng và trong quí 1 và quí 2 năm 2008, công ty tiếp tục thua  lỗ. Nếu đến hết năm 2008, công ty vẫn không cải thiện được tình hình, Sở Giao dịch chứng khoán sẽ phải hủy quyền giao dịch của cổ phiếu BBT trên thị trường chứng khoán. Như vậy, chỉ còn 5 tháng cuối năm để BBT vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.  

Việc phát hành cổ phiếu hiện là chiếc “phao cứu sinh” của BBT trong thời điểm này. Theo ông Lê Văn Minh, thành viên HĐQT công ty, đã có đến 3 cổ đông chiến lược đăng ký mua cổ phiếu của công ty với mức giá cao hơn giá niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, cụ thể là 9.000 đồng/cổ phiếu. Ông cũng cho biết đến nay, tổng số cổ phiếu các cổ đông chiến lược muốn mua đã lên đến 80 tỉ đồng.  

Theo ông Lê Tiến Phước, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Nam, một cổ đông chiến lược dự tính mua 2,5 triệu cổ phiếu của BBT, cho biết sẽ chuyển hướng đầu tư sang công ty khác nếu trong vòng 1 tháng, công ty này không có quyết định phát hành cổ phiếu.

Cổ đông lớn không đồng thuận

Ông Lê Đông Triều đang giải thích lý do cổ đông đại diện 30% vốn nhà nước là Dệt may Gia Định chưa thông qua phương án phát hành cổ phiếu – Ảnh: THỦY TRIỀU

Ngoài chuyện hoạt động kinh doanh của BBT bất ổn, tất cả các cổ đông tham dự đều nhận thấy có sự xung đột giữa nội bộ các thành viên HĐQT.

Công ty Dệt may Gia Định là đại diện 30% vốn nhà nước trong BBT đã kịch liệt phản đối việc phát hành 8,16 triệu cổ phần riêng lẻ cho cổ đông chiến lược mặc dù các tổ chức này cam kết sẽ mua cổ phiếu BBT với giá cao hơn thị giá hiện tại của BBT. Giá trị sổ sách của BBT vào ngày 31-12-2007 là 8.697 đồng.  

Tại đại hội, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Gia Định, ông Lê Đông Triều, cho biết công ty sẽ chỉ thông qua phương án phát hành cổ phiếu sau khi đã cơ cấu lại bộ máy điều hành của BBT và theo ông, việc phát hành thêm có thể gây loãng giá cổ phiếu và bất lợi cho cổ đông.

Ông Phan Thanh Quan, người đại diện phần vốn nhà nước trong HĐQT của BBT được bổ nhiệm vào tháng 5-2008, cũng cho rằng nên dời việc phát hành vào thời điểm khác sau khi có phương án phát hành cụ thể và thay đổi thành viên ban kiểm soát cũng như HĐQT.

Sau khi nghe những lời phát biểu của ông Triều, ông Tạ Xuân Thọ, Tổng giám đốc BBT, đã tỏ ra hết sức phẫn nộ: “Tôi, đại diện cho 721.000 cổ phiếu, chiếm hơn 17% cổ phần của BBT, tuyên bố rời khỏi đại hội nếu đại diện phần vốn nhà nước là Công ty dệt may Gia Định không thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu”. Nói xong ông liền đứng dậy rời khỏi bàn chủ tịch đoàn, các cổ đông khác phải ngăn ông lại để đại hội được tiếp tục.

Ông Tạ Xuân Thọ (phải), Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết đang tranh luận với cổ đông – Ảnh: THỦY TRIỀU

Ông Thọ cũng lớn tiếng khẳng định với các cổ đông rằng, những cổ đông nhà nước không tán thành phương án phát hành riêng lẻ vì lo ngại tỷ lệ sở hữu cổ phần của Dệt may Gia Định trong BBT giảm xuống. Ông nhấn mạnh việc phát hành cổ phiếu là lối ra duy nhất cho công ty lúc này.

Trong năm 2007, sau khi được bổ nhiệm làm tổng giám đốc mới thay ông Trần Cao Trượng, ông Thọ đã sắp xếp lại nhiều nhân sự như giám đốc sản xuất, trưởng phòng nghiên cứu phát triển, giám đốc tiếp thị, kế toán trưởng, trưởng ban kiểm soát nội bộ và cho kiểm toán lại hoạt động công ty trong hai năm trước đó.

Nhiều cổ đông trong đại hội phát biểu rằng họ muốn có sự thống nhất trong HĐQT vì với tình trạng xung đột kéo dài, HĐQT không thể điều hành tốt công ty trong thời gian tới.

Đại hội cổ đông của BBT kết thúc với nhiều câu hỏi còn bỏ trống vì phương án phát hành, sự sống còn của công ty đều chưa được thông qua.

Ông Lê Văn Minh, một thành viên trong HĐQT của BBT, cho biết HĐQT sẽ làm việc lại với phía cổ đông là Dệt may Gia Định để đại diện này chấp thuận phát hành và sau đó sẽ gửi thư thông báo đến các cổ đông khác.

THỦY TRIỀU – THANH THƯƠNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới