Thứ Tư, 17/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bớt lúa, thêm bắp: đi tìm lời giải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bớt lúa, thêm bắp: đi tìm lời giải

Nguyễn Đình Bích

Bớt lúa, thêm bắp: đi tìm lời giải
Năng suất bắp của nước ta vẫn kém xa so với năng suất bình quân của thế giới, nên không thể có sức cạnh tranh vượt trội như cây lúa. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

(TBKTSG) – TBKTSG số 27-2014 vừa có hồ sơ Tái cơ cấu ngành lúa gạo, trong đó có bàn đến những bất lợi nếu Việt Nam từ bỏ lợi thế cạnh tranh của cây lúa, chuyển đổi một phần diện tích sang trồng bắp. Bài này, tác giả Nguyễn Đình Bích phân tích sâu hơn vấn đề này từ những diễn biến thời sự về giá bắp trên thị trường hiện nay.

Tai sao nhập khẩu tăng “sốc”?

Bắp ồ ạt “đổ bộ” vào thị trường nước ta nửa đầu năm nay, khiến câu chuyện thừa lúa, thiếu bắp và kế hoạch giảm bớt lúa để trồng thêm bắp càng trở nên nóng bỏng.

Trước hết, nhập khẩu bắp sáu tháng qua đã tăng “cực sốc”. Theo các số liệu thống kê, với ước tính hơn 2,3 triệu tấn, lượng bắp nhập khẩu đã tăng 2,41 lần, kim ngạch cũng tăng tới 87,2% với gần 600 triệu đô la Mỹ.

Bắp nhập khẩu là để sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng sản lượng mặt hàng này sáu tháng đầu năm lại chỉ tăng 3,8%. Do vậy, nếu như sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nay đến cuối năm tiếp tục tăng “sốc” hơn 30% như kịch bản năm 2013 thì tổng sản lượng cả năm cũng chỉ dao động quanh mức 14 triệu tấn và mức tăng cũng rất khó vượt qua ngưỡng 4%. Ngoài ra, theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy vụ đông xuân năm nay nước ta mất mùa bắp, nhưng do diện tích vẫn tăng, cho nên sản lượng giảm không đáng kể. Còn hiện tại, diện tích trồng bắp vẫn tiếp tục tăng nhẹ.

Nhu cầu bắp của nước ta chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, nhưng để bắp “made in Vietnam” giành được thị trường này, nó phải có sức cạnh tranh đủ mạnh.

Những thực tế đó cho phép khẳng định rằng, nhập khẩu bắp tăng mạnh như vậy không phải do cung trong nước giảm mạnh và nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, mà chỉ có thể là do giá bắp nhập khẩu “rơi tự do”.

Các số liệu thống kê cho thấy, nếu như giá bắp nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm ngoái, tuy diễn biến theo xu hướng giảm nhưng vẫn còn trên ngưỡng 300 đô la Mỹ/tấn, thì từ tháng 12 năm ngoái đến nay chỉ dao động quanh 260 đô la Mỹ/tấn.

Những điều nói trên cũng có nghĩa là, tồn kho bắp của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đang rất lớn, cho nên nhập khẩu gần như chắc chắn sẽ hạ nhiệt trong những tháng tới, cho dù giá bắp thế giới có nhiều khả năng sẽ tiếp tục đứng ở mức thấp như hiện nay.

Tính kỹ thì chuyển đổi mới thành công

Nếu như năm nay đã là năm thứ ba nông dân trồng lúa nước ta gặp khó và có thể năm 2015 cũng chưa hết khó, thì năm nay người trồng bắp mới bắt đầu nếm vị đắng này.

Thực tế và xu hướng đó cho thấy, giữa thị trường bắp, cũng như lúa gạo của nước ta với thị trường thế giới không khác gì những chiếc bình thông nhau.

Do vậy, nhận định cho rằng, giảm mạnh diện tích lúa để tăng mạnh diện tích bắp do tiền xuất khẩu gạo không đủ để nhập khẩu bắp và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, cho nên phải bớt lúa để tăng bắp, thậm chí giảm một phần ba diện tích lúa để ưu tiên trồng bắp thì cả nông dân trồng lúa và trồng bắp đều giàu… là không tưởng.

Rõ ràng, trong điều kiện như vậy thì loại cây nào có sức cạnh tranh tốt hơn sẽ đỡ khó khăn hơn, và ngược lại.

Xét trên phương diện này, tuy vẫn chưa ở “mức đỉnh” của thế giới, nhưng với năng suất đứng đầu khu vực Đông Nam Á, rõ ràng cây lúa nước ta có sức cạnh tranh vượt trội so với bắp, bởi năng suất bắp của nước ta vẫn còn thấp xa so với năng suất bình quân của thế giới.

Mặc dù vậy, với vùng ĐBSCL, tiềm năng phát triển cây bắp là không hề nhỏ, như năng suất bắp ở đây có thể cao gần gấp đôi so với năng suất bình quân của cả nước và ngang ngửa với năng suất bắp của Mỹ. Do đó, để giảm bớt áp lực tiêu thụ lúa gạo, cần chuyển bớt những vùng sản xuất lúa không hiệu quả sang sản xuất bắp.

Tuy nhiên, như thực tế cho thấy, điều kiện tiên quyết để chuyển đổi thành công là năng suất bắp phải đủ cao để nông dân không phải đối mặt với thua lỗ khi giá thế giới hạ như hiện nay.

Không những vậy, cho dù các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi vẫn có thể mua bắp trong nước với giá cao hơn giá nhập khẩu, bởi chất lượng bắp trong nước cao hơn, nhưng rõ ràng họ không thể mua gom bắp của những nông dân sản xuất nhỏ lẻ ở các khu vực khác nhau. Do vậy, tiền đề để chuyển đổi thành công là phải hình thành các khu vực chuyên canh bắp.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi “ngán” bắp trong nước là bắp mua của nông dân có độ ẩm rất cao, mà quá trình phơi sấy lại rất rườm rà, phức tạp. Đây cũng là điều kiện rất quan trọng để cây bắp có thể phát triển mạnh ở vùng ĐBSCL.

Nói tóm lại, nhu cầu bắp của nước ta chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, nhưng để bắp “made in Vietnam” giành được thị trường này, nó phải có sức cạnh tranh đủ mạnh. Trong đó, bên cạnh năng suất cao, vấn đề tổ chức sản xuất và hệ thống hậu cần cũng là những yếu tố rất quan trọng. Rõ ràng, chỉ khi hội tụ đầy đủ điều kiện như vậy thì bài toán bớt lúa, tăng bắp mới có lời giải.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới