BPO: hướng gia công mới
Trung tâm dịch vụ khách hàng - một trong những dịch vụ BPO sẽ được FPT-IS cung cấp cho khách hàng. Ảnh: Hiếu Minh. |
(TBVTSG) - BPO (Business Process Outsourcing) được xem là một trong sáu xu hướng công nghệ sẽ bùng nổ vào năm 2010. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu cung ứng dịch vụ BPO trong những năm gần đây nhưng còn ở quy mô nhỏ. Xem ra, thị trường dịch vụ BPO ở Việt Nam đang bỏ ngỏ...
Ông Trần Mạnh Huy, Giám đốc Trung tâm BPO của Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT-IS), cho rằng với tình trạng lạm phát diễn ra trên toàn cầu, các doanh nghiệp đang đứng trước sức ép lớn về doanh thu cũng như phát triển kinh doanh. Điều này dẫn tới việc phải sắp xếp lại lực lượng lao động để cắt giảm chi phí.
Trên thực tế, việc phát triển kinh doanh ở các doanh nghiệp lớn vẫn đòi hỏi thêm việc làm, thêm người làm. Và BPO được xem là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề tiết kiệm mà vẫn bảo đảm phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Nói một cách khác, các dịch vụ thuê gia công bên ngoài, đặc biệt là các dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT), gọi chung là BPO đang và sẽ trở thành xu thế tất yếu đối với các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Cũng có chung một cách nhìn nhận như ông Huy, ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ DTT, còn cho rằng phát triển dịch vụ BPO là một trong những hướng đi mới để phát triển ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.
BPO làm toàn bộ những công việc liên quan đến ứng dụng CNTT, từ những công việc đơn giản nhất như xử lý ảnh, nhập dữ liệu, số hóa văn bản... cho đến những công việc phức tạp hơn như dịch vụ kế toán-tài chính, chăm sóc khách hàng...
Dịch vụ BPO thường có giá rẻ nhất so với các dịch vụ gia công khác, nhưng bù lại BPO tạo ra khối lượng công việc lớn và đơn giản. Việc cung ứng nhân lực cho các công ty làm dịch vụ BPO cũng thuận lợi hơn vì thời gian đào tạo ngắn.
BPO sẽ bùng nổ vào năm 2010 BPO là dịch vụ thuê bên ngoài nghiệp vụ doanh nghiệp. Dịch vụ BPO đã được phổ biến cả chục năm nay trên thế giới nhưng mới được biết đến ở Việt Nam từ năm 2005 và do các doanh nghiệp đa quốc gia sử dụng, cung cấp. BPO được xem là một phương pháp tiết kiệm chi phí tổ chức thực hiện công việc hoặc sản xuất sản phẩm. Theo thống kê của Công ty nghiên cứu Gartner (Mỹ), BPO là một trong sáu xu hướng công nghệ sẽ bùng nổ vào năm 2010. |
Một lập trình viên có thể viết hoặc phát triển phần mềm phải mất 4-5 năm học tại trường đại học. Trong khi đó, đào tạo một người có thể gõ văn bản, nhập dữ liệu hoặc chỉnh sửa ảnh... chỉ mất khoảng thời gian trung bình sáu tháng.
BPO: cơ hội cho nhiều nhà cung cấp
Hiện nay trên thế giới, phần lớn các doanh nghiệp cung cấp BPO ở các thành phố có truyền thống về gia công phần mềm như Bangalore của Ấn Độ, Thượng Hải của Trung Quốc… Nhưng các thành phố này đang phải đối mặt với chi phí nhân công tăng cao. Do đó, các trung tâm BPO đang có xu hướng dịch chuyển về các quốc gia, thành phố có nguồn lực dồi dào và có mức chi phí hợp lý hơn.
Điều được cho là may mắn đối với các doanh nghiệp muốn làm BPO là Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào và trẻ tuổi với trình độ chuyên môn không cao. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để tham gia thị trường BPO toàn cầu.
Ông Huy cho biết, bản chất của dịch vụ BPO là dùng công nghệ cao kết hợp với nhân lực trình độ thấp để cung cấp những nghiệp vụ đơn giản. Trước khi FPT-IS tham gia thị trường cung cấp BPO ở Việt Nam, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các dịch vụ BPO nhưng tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bảo vệ, kế toán-tài chính, luật và dự án CNTT, xử lý số liệu… Chính các doanh nghiệp này cũng chưa nghĩ họ đang “chạm tay” vào BPO, nên việc cung cấp dịch vụ thường có quy mô nhỏ lẻ.
Còn BPO thực sự mà các doanh nghiệp đa quốc gia tại Việt Nam đang sử dụng lại do các công ty nước ngoài như DIGI-TEXX, GHP Far East… cung cấp. Ông Huy nói : “Với việc tham gia cung cấp BPO, FPT-IS muốn hình thành một cái ‘chợ’ để cung cấp dịch vụ này.”
Điều kiện để cung cấp dịch vụ BPO
Theo McKinsey, thị trường BPO toàn cầu sẽ tiếp tục phát triển và đạt doanh số khoảng 122-154 tỉ đô-la Mỹ và được phân bổ theo thứ tự từ cao đến thấp như sau: lĩnh vực ngân hàng (35-40 tỉ đô-la Mỹ); bảo hiểm (25-35 tỉ đô-la Mỹ); tài chính, kế toán và nhân sự (20-25 tỉ đô la Mỹ); du lịch, khách sạn (10-12 tỉ đô-la Mỹ); tiếp đến là các lĩnh vực tự động, viễn thông, dược phẩm, y tế… Trung bình, một công ty cung cấp dịch vụ BPO tại Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines thường có 10-30 nhân sự. Philippines bắt đầu cung cấp BPO từ năm 2000, đến nay đã đạt doanh thu 1,7 tỉ đô-la Mỹ mỗi năm. Năm 2004, các công ty BPO của Ấn Độ đã thu về đến 2,2 tỉ đô-la Mỹ, chiếm 2/3 tổng thu nhập của ngành gia công phần mềm thế giới. |
Theo báo cáo năm 2007 của IDC, Việt Nam chỉ có 17% các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ BPO. Có dưới 10% doanh nghiệp Việt Nam cho biết sẽ sử dụng BPO trong ba năm tới. Một trong những lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam còn dè dặt là lo bị mất tầm kiểm soát khi sử dụng BPO, hoặc sợ không bảo đảm tính bảo mật, chất lượng kém… Thực tế này đã làm cho các nhà cung cấp dịch vụ khó thực hiện được dự án BPO cũng như tìm cách thu hút khách hàng trong nước.
Để có thể cung cấp dịch vụ BPO, ông Huy cho rằng các doanh nghiệp phải có khả năng sáng tạo và hướng tới việc cung cấp dịch vụ với quy mô lớn. Doanh nghiệp có thể chia sẻ rủi ro với khách hàng và có khả năng cung cấp dịch vụ trọn gói. Có lẽ vì các tiêu chí này hơi cao, nên có rất ít doanh nghiệp Việt Nam dám “dấn thân” vào lĩnh vực này.
Trung tâm BPO của FPT-IS có lẽ là một trong số rất ít công ty hiện đang làm dịch vụ BPO với quy mô lớn. Trung tâm đang phát triển một kế hoạch năm năm nhằm xây dựng lực lượng 50.000 nhân viên (gấp năm lần tổng số nhân viên của tập đoàn FPT hiện nay) và đặt ra mức doanh số 500 triệu đô-la Mỹ. Theo kế hoạch này, FPT-IS sẽ mở năm trung tâm BPO. Hiện tại, ba trung tâm đang được hình thành tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và hai trung tâm khác sẽ đặt tại Cần Thơ và Khánh Hòa. FPT-IS cho biết, Trung tâm BPO đã làm việc với 10 trường đại học trong cả nước để “đặt hàng” đào tạo.
Thành lập tháng 7-2008, Trung tâm BPO của FPT-IS có chức năng tư vấn, cung cấp và triển khai BPO cho thị trường Việt Nam và thế giới với các gói dịch vụ như dịch vụ khách hàng, xử lý dữ liệu, dịch vụ về nhân sự, dịch vụ về tài chính và kế toán, dịch vụ về tri thức và kiểm định phần mềm… |
Mặt khác, công ty này cũng hướng đến việc tuyển dụng học sinh trung học phổ thông, người khuyết tật vào đội ngũ nhân sự BPO, đặc biệt cho những công việc cần tính cần cù và siêng năng như nhập liệu, dịch thuật…
Ông Huy cho biết, FPT-IS sẽ chọn và cung cấp tập trung vào những dịch vụ BPO mũi nhọn là các điểm mạnh của FPT. Trước hết, công ty sẽ hoàn tất việc xây dựng quy trình thực hiện, kiến thức nền tảng của dịch vụ trước khi nhận gia công. BPO của FPT chỉ nhận những phần không phải cốt lõi và không có tính chiến lược để gia công. FPT-IS sẽ đầu tư vào việc nghiên cứu quy trình và các nghiệp vụ hoạt động của khách hàng để giúp họ sắp xếp lại các quy trình nghiệp vụ ấy, sau đó mới nhận gia công.
Về tiềm năng của BPO tại Việt Nam, ông Huy cho rằng, nếu được định hướng phát triển tốt, doanh thu từ ngành BPO có thể tăng đột biến. Trước mắt, các doanh nghiệp BPO của Việt Nam sẽ tập trung khai thác thị trường nước ngoài. Đây là ngành mới, hứa hẹn đem lại hiệu quả hơn cả lĩnh vực gia công phần mềm.
OANH NGUYỄN