Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bức tranh doanh nghiệp Việt Nam

Bùi Trinh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 của Bộ kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp đang hoạt động đến ngày 31-12-2020 trên cả nước là 811.538 doanh nghiệp, nhưng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh cùng thời điểm chỉ là 684.260 doanh nghiệp, tức chỉ khoảng 84% doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, còn 16% doanh nghiệp đang hoạt động không có kết quả sản xuất kinh doanh.

Trong đó, ở nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh chỉ là 56,6% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; ở nhóm ngành công nghiệp, xây dựng thì con số này là 82% và dịch vụ là 86%.

Doanh nghiệp dịch vụ chiếm 67% trong tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh (trong đó doanh nghiệp bán buôn bán lẻ chiếm gần 40%), doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp, dịch vụ chiếm 31,5% còn doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nông, lâm nghiệp thủy sản chỉ chiếm 1,5%. Cấu trúc doanh nghiệp này phần nào cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam cơ bản là dịch vụ và mua đi bán lại không thực sự tạo ra của cải cho xã hội.

NS BlueScope Việt Nam là một trong các doanh nghiệp điển hình về thực hành an toàn lao động trong ngành xây dựng.

Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 cho thấy chỉ số nợ chung của toàn bộ doanh nghiệp năm 2020 là 2 lần, nói cách khác, tổng số nợ bình quân của doanh nghiệp năm 2020 gấp 2 lần vốn tự có bình quân của doanh nghiệp.

Trong đó, khu vực dịch vụ có chỉ số nợ cao nhất với 2,7 lần; khu vực công nghiệp và xây dựng 1,3 lần; thấp nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 0,6 lần. Chỉ số nợ năm 2020 của khu vực dịch vụ không thay đổi so với năm 2019; trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng bằng 0,87 lần; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bằng 0,79 lần.

Trong nhiều năm qua, doanh nghiệp đóng góp trên 60% vào kết quả tăng trưởng kinh tế của cả nước. Câu hỏi đặt ra: còn 40% là từ đâu?

Về thành phần kinh tế, doanh nghiệp nhà nước có chỉ số nợ là 3,5 lần; doanh nghiệp ngoài nhà nước 1,9 lần và doanh nghiệp FDI 1,5 lần.

Về cơ cấu nợ, doanh nghiệp nhà nước chiếm 14,3% trong tổng số nợ của doanh nghiệp; doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 62,7% và doanh nghiệp FDI chiếm 23%.

Như vậy, có thể thấy nợ của doanh nghiệp trong nước (bao gồm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước) năm 2019 là 322% GDP và năm 2020 là khoảng 336,7% GDP. Trong đó, nợ của doanh nghiệp nhà nước năm 2019 là 97,5% GDP và năm 2020 là 101% GDP còn nợ của doanh nghiệp ngoài nhà nước năm 2019 là 224% GDP và năm 2020 là 235,7% GDP.

Với việc nợ của doanh nghiệp trong nước như vậy mà hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) của toàn bộ doanh nghiệp năm 2020 đạt 2,1%, bằng 0,95 lần so với năm 2019. Theo khu vực kinh tế: Năm 2020, khu vực công nghiệp và xây dựng có ROA đạt cao nhất với 3,6%, tiếp đến là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 2,3% và thấp nhất là khu vực dịch vụ với 1,3%.

Theo loại hình doanh nghiệp: Năm 2020, doanh nghiệp nhà nước có ROA đạt 1,9%; doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 1,1% và doanh nghiệp FDI đạt cao nhất với 5,2%.Về quy mô doanh nghiệp: Năm 2020, doanh nghiệp quy mô lớn có ROA đạt 3,1%; doanh nghiệp quy mô vừa đạt 1%; doanh nghiệp có quy mô nhỏ âm 0,1% và doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ âm 0,7%.

Việc đóng góp vào tăng trưởng GDP về cơ bản phải do doanh nghiệp đóng góp, nhưng Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam qua từng giai đoạn cho thấy trong nhiều năm qua, doanh nghiệp đóng góp trên 60% vào kết quả tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Câu hỏi đặt ra: còn 40% là từ đâu? Từ hoạt động của các ngành không tạo ra lợi nhuận như quản lý nhà nước, các tổ chức không vị lợi, nhà ở tự có tự ở và khu vực hộ cá thể...

Vì theo nguyên tắc của Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) thì giá trị tăng thêm của các hoạt động này cũng được tính vào GDP, giá trị tăng thêm của các hoạt động này cơ bản là lương của người lao động và khấu hao tài sản cố định. Một nền kinh tế như thế có thể được coi như rất lệch lạc?

Đến năm 2023 các doanh nghiệp sản xuất trong nước đang vô cùng khó khăn, điều này là một rủi ro rất lớn cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/11/sach-trang-doanh-nghiep-viet-nam-2022/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới