Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bùng nổ bancassurance: 40% phí bảo hiểm mới đến từ ngân hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bùng nổ bancassurance: 40% phí bảo hiểm mới đến từ ngân hàng

Dũng Nguyễn

(KTSG Online) - Gần 40% doanh số khai thác phí bảo hiểm mới đến từ các ngân hàng, tăng gần gấp đôi sau ba năm qua. Bên cạnh những yếu tố tích cực, mặt trái của việc bancassurance phát triển nhanh trong vài năm gần đây là tạo ra áp lực lớn lên các ngân hàng về doanh số.

Ngân hàng kiếm ngàn tỉ từ hợp đồng bảo hiểm

Bùng nổ bancassurance: 40% phí bảo hiểm mới đến từ ngân hàng
Hội thảo về bảo hiểm do trường DHKT TPHCM tổ chức. Ảnh: UEH.

Theo số liệu thống kê tại hội thảo khoa học về thị trường bảo hiểm "CVII 2021: Tác động Covid-19, Insurtech, thị trường và chính sách" do Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức ngày 13-4, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ trong năm 2020 đạt 130.557 tỉ đồng, tăng trưởng đến 22% so với năm trước đó.

Đáng chú ý là tỷ trọng phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) đã chiếm tới xấp xỉ gần 40% doanh thu bán bảo hiểm mới. Như vậy, chỉ trong ba năm qua, tỷ trọng phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng đã tăng lên hơn gấp đôi.

Cụ thể, theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nếu như khoảng 6-7 năm trước, tỷ trọng này chỉ khoảng 6-7% nhưng đến năm 2018 đạt khoảng 17-18%. “Phát triển kênh Bancassurance là xu thế chung”, ông Dũng đánh giá.

Trong khi đó, theo thống kê của ông Chung Bá Phương, Chủ tịch Công ty TCA (hoạt động trong lĩnh vực tư vấn bảo hiểm), kênh đại lý vẫn chiếm chủ đạo với khoảng 60% thị phần, tiếp theo là ngân hàng (37%) và kênh siêu thị bảo hiểm (khoảng 3%).

Tăng trưởng mạnh ở kênh phân phối bancassurance trong thời gian qua đến chủ yếu cũng nhờ các thương vụ bắt tay độc quyền giữa bảo hiểm và ngân hàng ngày càng nhiều hơn.

Gần đây nhất là MSB chính thức mở rộng mối quan hệ hợp tác từ năm 2013 với Prudential Việt Nam thành độc quyền trong 15 năm. Trước đó nữa là thương vụ ACB cũng bắt tay với Sunlife, Manulife với Vietinbank, hay FWD và Vietcombank.

Hàng loạt các thương vụ độc quyền này đã và sẽ mang lại nguồn lãi tích lũy đều đặn cho nhà băng trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, mặt trái của việc bancassurance phát triển nhanh trong vài năm gần đây là tạo ra áp lực lớn lên các ngân hàng về việc đẩy nhanh doanh số bảo hiểm.

Trên thực tế, cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt nhấn mạnh nội dung không được "ép" người đi vay mua bảo hiểm.

Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Ngô Trung Dũng khẳng định các doanh nghiệp bảo hiểm và cả Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam không khuyến khích việc nhân viên ngân hàng mời chào, thậm chí "ép" khách hàng vay vốn phải mua kèm bảo hiểm nhân thọ trong thời gian qua.

"Chúng tôi rất khó xử trong câu chuyện này vì đây không phải chủ trương của ngành bảo hiểm. Dù vậy, khi công ty bảo hiểm và ngân hàng ký hợp đồng độc quyền khai thác bảo hiểm sẽ có những ràng buộc về chỉ tiêu. Các ngân hàng giao lại chỉ tiêu cho nhân viên và có thể xảy ra chuyện "ép" hoặc mời khách hàng mua. Thực ra đây là “con dao hai lưỡi” bởi có thể ảnh hưởng uy tín thương hiệu của cả ngân hàng và công ty bảo hiểm", ông Dũng bình luận.

Dù vậy, theo các chuyên gia tại hội thảo, cùng với kênh đại lý tổ chức, bảo hiểm qua kênh ngân hàng sẽ là kênh chủ đạo trong tương lai. Tuy nhiên, sau giai đoạn mở rộng về số lượng, các ngân hàng và công ty bảo hiểm cần phải tập trung nhiều hơn để làm hài lòng khách hàng.

Bên cạnh đó, một xu hướng khác là ảnh hưởng tới kênh phân phối bảo hiểm chính là yếu tố công nghệ.
Ths. Hồ Thu Hoài, Khoa tài chính, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, đánh giá rằng các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đa phần đang tập trung sử dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm (insurtech) để gia tăng hiệu quả phân phối sản phẩm có sẵn đến khách hàng. Còn các doanh nghiệp nước ngoài thường tập trung ứng dụng phát triển sản phẩm và kết nối khách hàng.

Theo nghiên cứu của Sheehan (2020), trong đại dịch, mức độ tin tưởng của người tiêu dùng vào các công ty công nghệ lớn đã tăng lên. Nếu như năm 2016 chỉ có 17% người được khảo sát chủ hợp đồng sẵn sàng ký hợp đồng bảo hiểm với các công ty công nghệ lớn (BigTechs) thì đến quí 4-2020 con số này đã tăng lên 44%.

Còn theo ông Dũng, sự phát triển của công nghệ trong thời gian tới thị trường có khả năng dẫn tới câu chuyện phát triển kênh phân phối mới, các sản phẩm bảo hiểm được cải tiến và thiết kế thân thiện hơn, gần gũi và dễ bán hơn, đặc biệt là trên kênh trực tuyến.

Đến hết năm 2020, cả nước có khoảng 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, tức cứ 100 người dân Việt Nam đã có khoảng 11 người có bảo hiểm nhân thọ. Thị trường bảo hiểm nhân thọ tiếp tục mở rộng khi tới năm 2025, dự kiến có khoảng 15% dân số tham gia bảo hiểm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới