Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Bùng nổ’ nhu cầu sầu riêng: cần tránh mất kiểm soát cung – cầu

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Minh bạch vùng trồng là một trong những cơ sở để ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chinh phục thị trường. Tuy nhiên, trước bối cảnh  nhiều thị trường quốc tế đang gia tăng nhập nông sản từ Việt Nam nói chung và sầu riêng nói riêng, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu là kiểm soát tốt cung – cầu.

Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của Việt Nam đang bùng nổ. Ảnh: Trung Chánh

Nội dung trên được đưa ra tại hội thảo “Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế” diễn ra vào chiều nay, 24-11, ở thành phố Cần Thơ. Sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2022 với chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để cùng phát triển”.

Can đảm từ chối bớt đơn hàng

Nhu cầu nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam nói chung và sâu riêng nói riêng đang có sự gia tăng rất mạnh, nhất là khi Trung Quốc đã cho phép sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này kể từ tháng 9 vừa qua.

Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, thời gian qua, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam, đặc biệt với trái sầu riêng đang là điểm nóng. “Số liệu tôi nắm được, hiện tại chúng ta (kể cả Thái Lan và Malaysia) chỉ phục vụ được 30% nhu cầu của thị trường Trung Quốc”, bà dẫn chứng.

Riêng đối với Công ty cổ phần xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu chỉ đáp ứng được 10-20% nhu cầu mà khách hàng của đơn vị này mong muốn. Điều này cho thấy, tiềm năng đối với sầu riêng ở thị trường Trung Quốc còn rất lớn.

Điều đặc biệt, dù sầu riêng của Việt Nam chỉ mới xuất khẩu vào Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua, nhưng đã có những “thành tựu” nhất định khi đã định hình được vài thương hiệu, có giá bán ngang bằng với thương hiệu nổi tiếng nhiều năm của Thái Lan. “Đây là tín hiệu tốt khi chúng ta làm ăn bài bản, tạo được uy tín bằng chất lượng sản phẩm”, bà nói

Trong khi đó, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực, thực phẩm TPHCM cho biết, đơn đặt hàng đối với ngành chế biến lương thực, thực phẩm đến với các doanh nghiệp TPHCM là rất lớn, thậm chí doanh nghiệp đã phải từ chối bớt đơn hàng.

Theo bà Chi, các thị trường châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia khác có lượng giao dịch với Việt Nam lớn vì giá cả hàng hoá của hợp lý, trong khi chất lượng cũng đã nâng lên. “Hiện nay, ngành chế biến lương, thực thục phẩm tại TPHCM đang phải tuyển thêm công nhân để lo cho các đơn hàng tăng cao”, bà Chi nhấn mạnh.

Minh bạch về dữ liệu, vùng trồng

Sau khi Trung Quốc “siết” các tiêu chuẩn nhập khẩu, nhất là với cây ăn trái, thì có một tín hiệu đáng mừng, đó là các sở, ngành cũng như người nông dân đã bắt đầu nghĩ đến việc phải vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để gắn kết với doanh nghiệp xuất khẩu nhằm có đầu ra ổn định.

Trước bối cảnh kênh xuất khẩu đã thay đổi, bà Vy của Chánh Thu đề xuất, kênh tiêu thụ thị trường trong nước cũng nên thay đổi theo để tạo sự đồng bộ cho sản phẩm nhằm giúp nông dân không phải “lăn tăn” suy nghĩ có nên tham gia mã số vùng trồng, xây dựng tiêu chuẩn hay không. “Tôi mong qua hội thảo này, các bộ ngành sẽ đưa ra tiêu chuẩn của Việt Nam để thích ứng với tất cả các thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ”, bà Vy nhấn mạnh.

Đối với truy xuất nguồn gốc, theo bà Vy, dữ liệu phải mang tầm quốc gia mới có hiệu quả, bởi người sản xuất, tức nông dân khi sử dụng phân thuốc gì, áp dụng theo mô hình nào, tham gia chuỗi liên kết ở đâu…, thì họ phải là người nhập số liệu và dữ liệu đó phải là dữ liệu của quốc gia quản lý. “Tôi mong sớm có “Big Data” để doanh nghiệp có thể tích hợp vào và các địa phương có thể sử dụng nó trong việc quản lý về truy suất nguồn gốc nhằm có được những vùng nguyên liệu minh bạch, đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là niềm tin đối với người tiêu dùng”, bà nhấn mạnh.

Để làm được vấn đề đặt ra, việc liên kết là rất quan trọng, bởi vùng nguyên liệu doanh nghiệp không thể tự đầu tư hoàn toàn, mà phải bằng hình thức liên kết với nông dân và địa phương. “Việc liên kết tạo nên những vùng nguyên liệu lớn là một trong những yếu tố mà doanh nghiệp cực kỳ quan tâm”, bà nói.

Tuy nhiên, để liên kết doanh nghiệp- nông dân thành công, thì rất cần có mức giá sàn để trên cơ sở đó doanh nghiệp sẽ đưa ra mức giá cố định bao tiêu sản phẩm cho nông dân. ‘Đối với sầu riêng, chúng tôi đã có sự nghiên cứu, chính vì vậy chuỗi liên kết chúng tôi đang xây dựng theo hình thức giá cố định trong vòng 5 năm. Đây là một trong những yếu tố vừa ổn định vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp, vừa mang lại nguồn thu ổn đinh cho bà con nông dân”, bà Vy nhấn mạnh.

Toàn cảnh các đại biểu tham dự hội thảo chiều nay, 24-11, tại Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Muốn bền vững, cung- cầu phải “gặp nhau”

Trước bối cảnh nhu cầu thị trường, đặc biệt đối với trái sâu riêng đang tăng cao, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinamit- đơn vị có gần 40 năm làm trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm cho rằng, đây là thời điểm “chín muồi” để đưa ra các hành động kết nối nhằm chinh phục thị trường tốt hơn để cùng nhau chia sẻ, đóng góp thành công cho ngành nông nghiệp.

Việc tạo ra vùng nguyên liệu dễ hơn rất nhiều so với khi đã mất kiểm soát vùng trồng, tức khi sản phẩm đã dư thừa, thì rất khó để kiểm soát được thị trường. Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay là phải kiểm soát để giữ được cân bằng cung- cầu.

Để tránh chuyện nông dân “chạy đua” mở rộng sầu riêng khi thị trường cần, giá bán cao, thì các cơ quan quản lý Nhà nước phải có hướng dẫn, khuyến cáo. “Ở các nước, người ta khuyến cáo ai muốn trồng sầu riêng, thì phải là thành viên của Hiệp hội sầu riêng mới bán được, còn không phải là thành viên mà trồng, thì chỉ để ăn thôi”, ông Viên chia sẻ.

Chính vì vậy, vai trò của chính quyền trong định hướng hoạt động khuyến nông, quản trị cũng như vai trò của hiệp hội trong cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng. Bởi, từ nơi tiêu thụ sẽ có hoạch định cho các thành viên trồng trọt đi đúng hướng và các nhà chế biến đi song hành theo để cùng tương tác, thì việc kết nối mới thành công.

Mekong Connect là diễn đàn thường niên dành cho doanh nhân, doanh nông, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia và các đối tượng có mối quan tâm đặc biệt đến ĐBSCL.Mekong Connect ra đời vào 2015, từ sáng kiến của Mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp) và sau đó có thêm TPHCM. Mekong Connect được phối hợp tổ chức bởi Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cùng với sự hỗ trợ của Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC). Diễn được bảo trợ và cố vấn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mekong Connect 2022 được điều phối bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Trung tâm Xúc tiến  đầu tư- Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ (CPA).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới