Thứ tư, 20/11/2024
25.6 C
Ho Chi Minh City

“Cá mập” đáng yêu!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

"Cá mập" đáng yêu!

Trần Ngọc Châu

(TBKTSG Online) - Tôi thích xem "Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ" mỗi tuần vì những câu chuyện về những nhà khởi nghiệp trẻ tuổi giàu ý tưởng và đầy cảm hứng, cùng tính cách vui nhộn hài hước của người dẫn chương trình và kể cả nhà đầu tư.

Khi Shark Tank thành "xác tan"

Hãy trả các Shark về hình ảnh vốn có của nó!

Nguồn ảnh: Fanpage SharkTankVietNam

Đối với nhiều bạn trẻ khởi nghiệp xuất hiện trong chương trình là một bước ngoặt quan trọng. Không giống như nhiều chương trình truyền hình thực tế trong đó nội dung được dàn dựng, Shark Tank không dừng lại ở bắt tay giữa nhà sáng lập với Shark, mà sau đó, họ còn làm việc cùng nhau để chuyển tiền (vốn), như đã hứa và giúp doanh nghiệp có vốn phát triển. Chính vì vậy, người ta cũng gọi những thương vụ này là “thương vụ bắt tay” (shakehand deal).

Tất nhiên, theo tôi, sự thành công của các công ty startup mới là điểm cốt lõi của Shark Tank. Tôi không quan tâm lắm việc kinh doanh riêng của các nhà đầu tư - các Sharks.

Thật ra đó là một hình thức đầu tư và gọi đầu tư sáng tạo dành cho các nhà khởi nghiệp. Có lẽ Việt Nam, một quốc gia khởi nghiệp, khát vốn (tư bản) nên cái gì dính đến vốn đều hấp dẫn.

Còn lời theo nghĩa lợi nhuận thì thường các nhà đầu tư –Sharks, có lẽ không kỳ vọng ngày-một-ngày-hai ở các startup.

Tuy vậy, vốn vẫn là vốn.

Tầm quan trọng của vốn trong thế kỷ 21 không khác mấy so với thế kỷ 18. Chỉ có hình thức vốn thay đổi: ở thế kỷ 18 vốn chủ yếu là đất đai, còn thế kỷ 21 thì vốn là kỹ nghệ, công nghệ, bất động sản và tài chính.

Hiện nay, tiền ảo là một xu hướng của tài chính. Nó sẽ là vốn của tương lai.

Ở những nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam thì vốn chủ yếu vẫn là đất và tài sản trên (và trong) đất như nhà cửa, khoáng sản. Nếu tính sự phát triển dựa trên vốn tài chính thì trình độ của nền kinh tế Việt Nam tương đương với các nền kinh tế châu Âu thế kỷ 18.

Các Sharks (trong chương trình truyền hình thực tế Shark Tank mua lại kịch bản của đài ABC-Hoa Kỳ) được xem như các nhà đầu tư nhỏ, lẻ, mạo hiểm với dòng tài chính của họ. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn thấp thì sự mạo hiểm với vốn (tư bản) của họ là đáng trân trọng, hơn là nhạo báng, nếu họ gặp thất bại hay rủi ro nào đó trong việc làm ăn.

Theo quan sát của tôi, công chúng rộng rãi không nhạo báng. Nhạo báng các Sharks chỉ là trên truyền thông dòng chính và mạng xã hội.

Nhiều người trẻ nhờ tài năng mà có vốn đã trở thành các Sharks, mặc dù kỳ vọng của họ không phải là tỉ lệ hoàn vốn (R: return ). Ví dụ: như ngôi sao quần vợt Maria Sharapova hay Novak Djokovic. Shark có tư bản thừa kế như cô Hilton của gia tộc Hilton, cũng tham gia “game” này và cũng không kỳ vọng lợi nhuận từ những startup mà cô bỏ vốn đầu tư.

Một điểm nữa là các Sharks cũng muốn được chia sẻ ý tưởng kinh doanh của riêng mình, không những với các startup mà còn với công chúng. Các ý tưởng kinh doanh khi đem thực hiện có thể thành công, có thể thất bại.
Lịch sử kinh doanh cho thấy tỉ lệ thành công của các ý tưởng, thậm chí kế hoạch kinh doanh, thường thấp hơn nhiều so với thất bại.

Tôi có một bạn học cũ, khá thành công ở Little Saigon, Hoa Kỳ, ông cũng chia nhỏ vốn đầu tư vào nhiều startup. Ông nói:” Lập startup là để thất bại”. Cho nên có thể phân tích sự thất bại, mà không nhạo báng nó. Thất bại là mẹ thành công, cha ông ta đã từng nói. Không phải để an ủi, mà là một trong các “luật của cuộc sống”.

Dù sao cũng nên luu ý rằng đất nước chúng ta đang kêu gọi kinh tế tư nhân, trong đó quan trong nhất là vốn (tư bản) tư nhân. Trong khi đó, truyền thông hoàn toàn thuộc về Nhà nước. Một chữ, một lời, một bản tin trên truyền thông dòng chính đều mặc định là “tiếng nói của Nhà nước” trước tiên, vì vậy những người có vốn (dù lớn, nhỏ) cũng rất sợ những lời “phán xử” của truyền thông Nhà nước.

Nếu truyền thông có trách nhiệm thì tốt nhất không nên dùng từ ngữ gây ngộ nhận, gây tổn thương (dù thật ra chỉ để câu view). Ví dụ: gần đây, báo chí gọi nhà đầu tư vào các startup công nghệ là “đốt tiền” khi chưa biết “điểm hòa vốn” là gì.

Lời nói gió bay, nhưng lời nói hay tin xấu có thể giết người.

Thật ra Shark trong tiếng Việt là “cá mập”, một loài không mấy được cảm tình trong nghĩa bóng ở Việt Nam. “Tư bản cá mập” chẳng hạn. Công chúng Việt Nam nói chung hiện nay rất dễ quyết định theo xúc cảm, nhất là thời đại mạng xã hội lên ngôi. Phải chăng vì vậy mà các nhà đài không dịch Shark Tank ra tiếng Việt chăng?

Chúng ta dành sự trân trọng cho tất cả nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư mạo hiểm, những Sharks đang tham gia bơi trong một đại dương còn “xanh đỏ” chưa rõ ràng.

Cá mập (Shark) đáng yêu. “Tư bản ca mập” càng đáng yêu!

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới