(KTSG Online) - Năm 2023, Việt Nam đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được đánh giá theo tiêu chuẩn LEED, chứng nhận công trình xanh của Hội đồng Công trình xanh Mỹ.
- Số lượng công trình xanh tại Việt Nam còn ít
- IFC ký hợp tác với ĐH Kiến trúc Hà Nội và TPHCM triển khai khóa học về công trình xanh
Bộ Xây dựng cho biết theo số liệu thống kê, hiện cả nước có trên 400 công trình xanh với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10 triệu m2. Số lượng công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện nay đã vượt chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định số 280/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, TTXVN đưa tin.
Theo Quyết định 280, mục tiêu đến năm 2025, cả nước sẽ đạt 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đến năm 2030 đạt 150 công trình. Hiện số lượng công trình xanh ở Việt Nam đang ở mức trung bình khá trong khu vực các nước ASEAN.
Công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành của các công trình ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, các công trình xanh xuất hiện đầu tiên vào khoảng giai đoạn những năm 2005-2010.
Năm 2023, Việt Nam đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được đánh giá theo Tiêu chuẩn LEED về đánh giá, chứng nhận công trình xanh của Hội đồng Công trình xanh Mỹ.
Tiêu chí về công trình xanh là công trình đã được hệ thống chứng nhận công trình xanh cấp giấy chứng nhận. Các bộ công cụ phổ biến sử dụng để đánh giá, chứng nhận công trình xanh tại Việt Nam hiện nay gồm Lotus của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, LEED của Hội đồng Công trình xanh Mỹ, EDGE của Tổ chức tài chính Ngân hàng thế giới (IFC-World Bank), Green Mark của Hội đồng công trình xanh Singapore.
Để thúc đẩy phát triển công trình xanh, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế các tác động đến môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu đề xuất chính sách, cơ chế ưu đãi về đầu tư, về tài chính, tín dụng xanh cho các dự án công trình xanh, đô thị xanh trong thời gian tới.
Xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng không làm tăng chi phí nếu các chủ đầu tư được tư vấn sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp, ứng dụng số hoá, dự báo vận hành công trình đúng cách.