Cà phê: Giá ngoại rung rinh, giá nội không vênh
Nguyễn Quang Bình
(TBKTSG Online) - Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, đặc biệt tại châu Âu, đã giúp giá trị đồng đô la Mỹ tăng. Hệ lụy là các sàn hàng hóa bán tháo. Tuần này giá cà phê robusta không còn hưởng biệt lệ. Giá sàn rớt đậm nhưng giá nội địa vẫn giữ vững.
Kinh tế bấp bênh làm vênh giá cả
Biểu đồ 1: Chỉ số đồng đô la Mỹ trong tuần tăng (ft.com) |
Khủng hoảng nợ châu Âu xem ra khó nguôi. Lãnh đạo các nước sử dụng đồng euro (eurozone) đã thở phào sau cuộc bầu cử lại của Hy Lạp: phe ủng hộ chính sách thắt lưng buộc bụng để vay tiền tránh vỡ nợ thắng lợi. Tuy nhiên, khủng hoảng nợ nay không chỉ đóng khung với Hy Lạp. Nó đã lan nhanh và rộng đến cả các nước như Tây Ban Nha, Italia và nhiều nước khác trong khu vực.
Tại Pháp, tân tổng thống đảng Xã hội Francois Hollande nhiều lần tỏ rõ thái độ rằng ông không chấp nhận thái độ tiêu cực bằng cách bắt dân chúng thắt lưng buộc bụng, mà phải tìm đường ra cho khôi phục và phát triển kinh tế. Điều này đã làm thế giới nghi ngờ tính bất nhất trong đường lối của eurozone.
Trong khi đó, áp lực vay tiền tránh khủng hoảng của các nước Tây Ban Nha và Italia đang ngày càng gấp rút và không cưỡng lại được.
Bên kia bờ Đại Tây dương, nước Mỹ cũng đang lùm xùm trong các chỉ báo tăng trưởng. Sản xuất tiếp tục thu hẹp, các số liệu khá thất vọng từ thị trường nhà đất và việc làm đã buộc chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ kéo dài thêm chương trình mua lại trái phiếu dài hạn giá cao bằng cách bán ra trái phiếu ngắn hạn giá thấp để tìm cơ may cứu nền kinh tế.
Tình hình bấp bênh của nền kinh tế thế giới đã giúp đồng đô la tăng lại. Nếu như giao dịch vào đầu tuần quanh mức 80-81 điểm thì nay trên mức 82-82,50 điểm (xin xem biều đồ phía trên).
Đồng đô la Mỹ tăng đã khiến đầu cơ bán tháo trên nhiều thị trường hàng hóa, cà phê robusta tuần này không được hưởng biệt lệ như thời gian trước đây.
Giá ngoại rung rinh
Biểu đồ 2: Giá đóng cửa kỳ hạn (giao dịch tháng 9) robusta Liffe NYSE tuần qua (tác giả tổng hợp) |
Đứng trước cơn bán tháo trên các thị trường hàng hóa và tài chính thế giới, giá sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE đã có một tuần đi xuống đều và khá mạnh. Giá tháng giao dịch chính nay đã chuyển sang tháng 9-2012. Giá đóng cửa phiên cuối tuần trước ở mức 2.108 đô la/tấn thì nay chỉ còn 2.032 đô la/tấn, giảm 76 đô la so với mức chốt tuần trước. Tương tự, giá cơ sở tháng 7-2012 cũng giảm 79 đô la nay chốt chỉ còn 2.016 so với 2.095 đô la/tấn tuần trước.
Hiện tượng “vắt giá” của tháng 7 và tháng 9 trên tháng 11 nay dịu dần. Đến hết khuya hôm qua, giá tháng giao hàng gần (tháng 7 và 9) đã xuống thấp hơn tháng 11 để chấm dứt hiện tượng này. Có lẽ lượng hàng được đưa từ các nước xuất khẩu sang các nước nhập khẩu và các kho thuộc sàn Liffe NYSE đã khá nhiều.
Tổng cục Hải quan ước trong tháng 5-2012, nước ta xuất bán trên 200.000 tấn. “Vắt giá” đã khuyến khích người có cà phê robusta “cõng” hàng đi nhanh để tranh thủ bán giá cao. Chính vì thế, lượng hàng xuất xuống tàu trong 2 tháng 5 và 6-2012 có thể không dưới 150.000 tấn/tháng. Chính các con số này đã và sẽ góp phần làm cấu trúc giá trên sàn kỳ hạn hết “vắt” và giảm nhanh trong tuần qua cũng như trong những ngày tới.
Giá nội gồng mình
Nếu như giá niêm yết rớt liên tục, giá robusta nhân xô trên thị trường nội địa vẫn được giữ vững, thậm chí còn đứng yên trước phong ba bão táp. Ngoài yếu tố cuối vụ, hàng ít, hầu hết, cà phê còn nay chỉ là hàng chờ giá cao nên giá rớt trên sàn không làm hoảng người còn giữ hàng.
Giá nội địa đến ngày hôm qua thứ Sáu vẫn quanh mức 42.300 – 43.000 đồng. Khuya hôm qua, giá kỳ hạn rớt mạnh, giảm 47 đô la. Sáng nay, thứ Bảy 23-6, giá nội địa vẫn quanh mức 42.000 đồng, tương đương với mức cuối tuần trước. Như vậy, sau một tuần, giá niêm yết rớt trên 75 đô la/tấn (chừng 1.500 đồng/kg) nhưng giá nội địa vẫn kiên trinh không rớt bao nhiêu.
Nhìn vào cấu trúc giá kỳ hạn, giá các tháng xa như tháng 1 và tháng 3-2012 đang ở mức thấp hơn các tháng 9 và 11-2012 đến 15 đô la, ở mức 2.018. Cấu trúc giá kiểu này sẽ ngăn các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu không mua bán xa được. Đáng lẽ ra, giá tháng sau phải cao hơn giá tháng trước chừng 20-25 đô la/tấn thì người giữ hàng cho các chuyến giao xa mới đủ “sở hụi”.
Thị trường đang bày ra trò cân não: hàng ai nấy giữ. Song, sẽ rất may và có lợi khi có tin từ Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng niên vụ tới sản lượng sẽ giảm. Mong sao cho dự báo ấy đúng. Còn nếu được mùa và hàng tồn từ niên vụ này mang sang càng lớn, thì hiện tượng này lại gây bất lợi, vừa cho giá vừa cho lượng bán ra. Nếu không, cà phê robusta phải nhượng lại thị phần cho Brazil ít nhất là trong một giai đoạn tạm thời.
Tương lai chênh vênh
Đồng lúc đó, các vị lãnh đạo eurozone hôm qua cũng đã nhất trí đánh thuế trên các giao dịch tài chính, trong đó có các hợp đồng kỳ hạn cà phê. Điều này sẽ gây ức chế cho đầu cơ trên sàn, giá thành giao dịch sẽ cao hơn, lượng hợp đồng mua bán giảm và thanh khoản thị trường có thể sẽ bị hãm lại một thời gian.
Khi viết gần xong bài này, tin vừa mới nhận được từ báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ “Cà phê: Thị trường và Thương mại thế giới” cho rằng tổng sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2012-13 ước đạt 148 triệu bao (bao 60 kg), cao hơn vụ trước 10 triệu bao.
Góp phần tăng gồm gần một nửa là cà phê arabica Brazil do cà phê nước này đang vào năm “được” vì năm ngoái đã “thất”. Phần khác nhờ sản lượng robusta của Brazil và Việt nam đều tăng. Do đó, xuất khẩu cà phê thế giới ước tăng 7 triệu bao, đạt mức 115 triệu bao, cũng nhờ lượng xuất khẩu từ hai nước đàn anh này.
Tiêu thụ cà phê thế giới ước tăng 3 triệu bao, đạt 142 triệu bao. Tồn kho cuối kỳ của thế giới tăng 3 triệu bao, ước đạt 27 triệu bao.