Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cà phê tăng giá: vận may cuối mùa?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cà phê tăng giá: vận may cuối mùa?

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) - Tuần qua là tuần của cà phê robusta. Vì, giá cà phê arabica khá lình xình trong khi robusta tăng cực mạnh. Ý định cầm hàng để quyết định giá về sau của đầu cơ lộ mồn một. Đối với các nước sản xuất, giá càng tăng, càng tốt, đặc biệt tại thời điểm cuối mùa khi hàng chẳng còn mấy ở nước ta.

Cà phê tăng giá: vận may cuối mùa?
Biểu đồ 1: Giá kỳ hạn sàn robusta London tuần qua (tác giả tổng hợp)

“Cổng trời” tự nhiên mở

Hai thị trường kỳ hạn cà phê robusta London và arabica New York tiếp tục rong ruổi đường tăng tại hầu hết các ngày giao dịch trong tuần.

Từ phía kinh tế vĩ mô, nghị viện Đức đã chấp thuận gói giải cứu cho các ngân hàng Tây Ban nha; trong khi đó, tại Mỹ, lượng thất nghiệp bất ngờ tăng, đã làm cho Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Bernanke (Fed) phải nói bóng gió sẽ tung chiêu gói kích cầu. Thế là, giới đầu cơ tài chính nháo nhào bung tiền ra mua. Tiền đổ ra vô vàn trên các thị trường tài chính, từ cổ phiếu đến kỳ hạn hàng hóa, sức mua mạnh, giúp giá nhiều thứ tăng.

Hạn hán tồi tệ nhất tính từ 25 năm nay đang hoành hành tại Mỹ. Nhiều người cho rằng sẽ vì thế nên giá nông sản nay mai có thể tăng. Nếu vậy, giá cà phê cũng có cơ hội lên theo, ít ra cân đối với mặt bằng giá mới.

Thực vậy, các thị trường cà phê được giới đầu cơ khá ưu ái vì với arabica, tin đồn Brazil trở lạnh đã giúp giá arabica vào ngày thứ Năm 19-7 tăng đến chừng 130 đô la/tấn. Brazil đang trong mùa đông. Nên, rất dễ có tin đồn rét đậm rét hại gây ảnh hưởng xấu đến cây và sản lượng cà phê cho vụ sau. Đây cũng chính là cớ cho đầu cơ mạnh dạn nhảy vào thị trường kỳ hạn robusta khi thị trường này đã từng có nhiều kinh nghiệm làm giá muốn vượt “cổng trời” lên thẳng.

Nói sòng phẳng, đây là một tuần giá robusta làm mưa làm gió khá mạnh so với arabica. Giá kỳ hạn robusta London cơ sở tháng 9-2012, nay là tháng giao dịch chính, đã từ 2.063 đô la/tấn khi đóng cửa cuối tuần trước thì đến sáng hôm nay đã chạm mức 2.187 đô la, tăng 124 đô la/tấn so với ngày 13-7-2012 (xin xem biểu đồ 1 phía trên). Trong khi đó, arabica New York chỉ tăng rất nhẹ từ 186,10 cts/lb tuần trước nay lên 186,95 cts/lb, cả tuần chỉ tăng 0,85 cts tức chừng 19 đô la/tấn.

Cuối mùa lượm được “bí quyết”

Những ước báo sản lượng cà phê nước ta trong niên vụ 2011/12 ngày qua ngày  được điều chỉnh và nâng lên dần cho phù hợp với con số thực xuất. Nếu chỉ cách đây một vài tháng, dự báo còn nói các con số 1,1 hay 1,25 triệu tấn đã bị cho là “nói quá”, thì 9 tháng đầu niên vụ bắt đầu từ ngày 1-10-2011, nước ta đã xuất khẩu trên 1,3 triệu tấn; cộng với tiêu thụ nội địa mỗi tháng chừng 10.000 tấn, ta đã có ngót ngét 1,4 triệu tấn.

Ước tính trong tháng 7-2012, xuất khẩu cũng sẽ đạt xấp xỉ 110.000 tấn. Theo giới kinh doanh, lượng cà phê được giữ trong dân nay không còn mấy, ước chỉ chừng 7 đến 8% hay ta nói tối đa chỉ còn chừng 150.000 tấn. Đến nay, chưa ai biết liệu con số này còn bị “nống”ra nữa không.

Dù sao, dựa vào những số liệu có được, ta có thể nói đợt tăng giá này khá muộn màng khi hàng không còn mấy. Song, mua bán trên thị trường nội địa tỏ ra ít căng thẳng vì đã vào cuối mùa, các nhà xuất khẩu không dám bán khống số lượng lớn khi tin đồn nói rằng lượng hàng còn lại không còn nhiều.

Giá cà phê nhân xô nội địa tăng thêm 1.500 đồng đến 2.000 đồng, có lúc đạt 44.500 đồng so với 42.500 đồng/kg so với cuối tuần trước. Đây cũng là mức cao kỷ lục của niên vụ này.

Lại “vắt giá” kỳ hạn để kéo hàng đi

So với sàn kỳ hạn arabica, phải nói rằng tuần qua chính là tuần của robusta. Trong khi giá arabica tuy có tăng nhưng khá lận đận vì những số liệu tồn kho, đặc biệt hàng arabica được sàn hàng hóa Ice New York tăng nhanh từng ngày. Đây cũng là điều minh chứng rằng Brazil đã bán mạnh trong thời gian qua.

Biểu đồ 2: Tồn kho cà phê tại Mỹ theo Hiệp hội Cà phê nhân (GCA) (tác giả tổng hợp)

Trong tuần, báo cáo tồn kho tại Mỹ của Hiệp hội Cà phê Nhân (Green Coffee Association) đã lên 4.787.310 bao, tăng thêm 216.523 bao (bao 60 kg) trong tháng 6-2012. Đây là số liệu gồm cả tồn kho được xác nhận chất lượng của Ice và không được xác nhận chất lượng (xin xem biều đồ 2 phía trên). Riêng về lượng tồn kho arabica được Ice xác nhận, từ 1,5 triệu bao cách đây 3 tháng thì nay lên gần 1,8 triệu bao, trong đó trên đất Mỹ chừng 600.000 bao, chiếm chừng 11% của tổng lượng tồn kho cà phê tại Mỹ.

Biểu đồ 3: Tồn kho robusta được Liffe NYSE xác nhận lại giảm (tác giả tổng hợp)

Ngược lại, tồn kho robusta được Liffe NYSE xác nhận lại giảm 5.070 tấn tính đến hết ngày 9-7-2012. Như vậy, con số tồn kho này (certs) nay chỉ còn 157.740 tấn, xuống từ đỉnh lập tại ngày 10-7-2011 là 417.420 tấn (xin xem biều đồ 3 phía trên).

Tồn kho robusta được xác nhận giảm nhanh, tin đồn cà phê trong dân tại nước ta không còn nhiều, cộng hưởng với các tin sương giá tại Brazil và hạn hán tại Mỹ, đầu cơ tài chính đã thực sự chịu “bước một chân” vào sàn kỳ hạn robusta từ ngày thứ Năm 19-7-2012.

Họ đã tranh thủ mua mạnh các hợp đồng của tháng gần, tạo vắt giá và giúp giá tăng mạnh, đặc biệt ngày 19-7-2012 với mức dương 81 đô la/tấn.

Biểu đồ 4: Giá đóng cửa robusta Liffe NYSE 20-7 theo cấu trúc “vắt” (tác giả tổng hợp)

Tháng

Giá đóng ca

Chênh lch

9/2012

2187

 

11/2012

2168

+19

1/2013

2124

+44

3/2013

2107

+17

5/2013

2116

-9

“Vắt giá” là hiện tượng giá hợp đồng của tháng giao hàng gần cao hơn giá các tháng giao xa khi thiếu hàng cục bộ. Tính đến đóng cửa phiên cuối tuần hôm qua 20-7, ta có bảng tổng sắp với giá tháng 9 và 11 năm 2012 cao hơn giá tháng 1 và 3 năm 2013 trong khi giá tháng 3 lại thấp hơn giá tháng 5-2013 (xin xem và theo dõi biểu đồ 4 phía trên).

Chính nhờ cấu trúc giá như thế, người có hàng đều tranh thủ kéo hàng đến các nơi tiêu thụ tranh thủ bán giá cao trước. Nên, sẽ không lạ khi số liệu xuất khầu của nước ta trong những ngày tới vẫn lớn như thường.

Nhìn từ bên ngoài, nhiều người cứ tưởng đầu cơ “đang cầm đèn chạy trước ô tô”. Đây là động tác nâng giá, làm giá cho một thị trường mai này vào thời điểm hiện nay xem ra được tính toán kỹ.

Nếu con số sản lượng niên vụ hiện nay không bị “nống” ra nữa, có thể có một thời gian khá dài từ tháng 10 trở đi, niên vụ mới sẽ lại được nông dân hái kỹ, hái trễ, nên thời gian “giáp hạt” sẽ dài. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu vẫn còn rất dè đặt với thị trường lắm rủi ro này nên không dám bán khống như năm xưa.

Trong khoảng “chân không” ấy, có thể là dịp cho họ “làm mây làm mưa” trên thị trường với hàng đã được kéo về sẵn nhờ các đợt “vắt giá” như mấy ngày này đây, đặc biệt giá xuất khẩu dựa trên chênh lệch (differentials).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới