Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các công ty đa quốc gia Nhật Bản kiếm lợi nhuận tốt hơn nhờ đồng yen mất giá

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Với đà trượt giá mạnh của đồng yen, nhiều công ty đa quốc gia của Nhật Bản tăng dự báo lợi nhuận trong năm tài chính hiện tại dù tình trạng thiếu linh kiện khiến họ không thể xuất khẩu nhiều sản phẩm, từ xe hơi đến máy chơi game, như mong muốn.

Hai hãng xe Honda và Nissan của Nhật Bản đã nâng dự báo lợi nhuận cho năm tài chính 2022 kết thúc vào tháng tháng 3-2023, phần lớn nhờ tác động của tỷ giá hối đoái. Ảnh: Nikkei Asia/Reuters

Việc đồng yen giảm giá xuống mức thấp nhất trong ba thập niên so với đồng đô la Mỹ trong năm nay đã bù đắp các khó khăn đối với các nhà xuất khẩu của Nhật Bản trong việc đáp ứng nhu cầu. Điều này là nhờ những khoản lợi nhuận đô la Mỹ mà họ kiếm được từ các thị trường nước ngoài trở nên phình to sau khi quy đổi sang đồng nội tệ.

Hôm 9-11, hai hãng xe Honda và Nissan đã nâng dự báo lợi nhuận cho năm tài chính 2022 kết thúc vào tháng tháng 3-2023, phần lớn nhờ tác động của tỷ giá hối đoái. Họ đưa ra triển vọng thu nhập sáng sủa hơn dù dự báo họ bán được ít xe hơn do tình trạng thiếu chip kéo dài dai dẳng.

Honda kỳ vọng lợi nhuận ròng là 725 tỉ yen (4,97 tỉ đô la Mỹ) trong năm tài chính hiện tại, tăng 2,5% so với năm trước và cao hơn 15 tỉ yen so với dự báo hồi tháng 8. Nissan dự kiến lợi nhuận hoạt động và doanh thu trong năm 2022 lần lượt 360 tỉ yên và 10,9 nghìn tỉ yen, tăng tương ứng 110 tỉ và 900 tỉ yen so với dự báo trước đó.

Giám đốc điều hành Honda Eiji Fujimura cho biết mục tiêu doanh thu bán hàng của công ty cho năm tài chính hiện tại sẽ là mức cao kỷ lục nếu đạt được. Tuy nhiên, phần lớn điều đó là nhờ tác động của tỷ giá hơn là nhờ doanh số bán xe tăng thêm, nên “chúng tôi không tự hào nói rằng đây là mức cao kỷ lục”, ông Fujimura nói.

Đồng yen suy yếu khiến chi phí nhập khẩu một số hàng hóa và linh kiện trở nên đắt đỏ hơn, đồng thời gây sức ép cho các công ty Nhật Bản chỉ hoạt động phần lớn ở trong nước. Nhưng sự mất giá mạnh của đồng yen thường mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất đa quốc gia lớn của Nhật Bản. Ngoài việc giúp tăng lợi nhuận, đồng yen yếu cũng giúp các sản phẩm sản xuất tại Nhật Bản có tính cạnh tranh cao hơn khi bán ra nước ngoài.

Hôm 9-11, đồng yen được giao dịch ở mức khoảng 145 yen ăn 1 đô la Mỹ so với khoảng 115 yen ăn 1 đô la Mỹ vào đầu năm nay. Gần đây, đồng yen chạm mức thấp nhất trong 32 năm, khiến chính phủ Nhật Bản phải bán ra hơn 40 tỉ đô la Mỹ vào tháng trước trong một nỗ lực vực dậy đồng nội tệ.

Tính đến hôm 8-11, có 223 công ty trong chỉ số chứng khoán Topix của Nhật Bản đã nâng triển vọng lợi nhuận ròng của họ trong năm tài chính 2022, theo dữ liệu từ SMBC Nikko Securities. Con số đó cao hơn so với 109 công ty trong chỉ số Topix đã cắt giảm dự báo lợi nhuận của họ.

Đầu tuần này, Công ty game Nintendo nâng dự báo lợi nhuận ròng trong năm nay lên mức tương đương khoảng 2,7 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 20% so với dự báo trước đó nhờ tác động của ngoại hối.  Nintendo vẫn lạc quan về triển vọng lợi nhuận dù hạ dự báo doanh số hàng năm đối với máy chơi game Switch xuống còn hai triệu chiếc do tình trạng thiếu chip và các linh kiện khác.

Đồng yen yếu cũng giúp lợi nhuận của Sony tăng lên. Sony cho biết các mảng kinh doanh như mảng cảm biến hình ảnh của tập đoàn đã hưởng lợi lớn nhờ tác động của tỷ giá, đóng góp hơn một nửa lợi nhuận hoạt động của Sony trong quí kết thúc vào tháng 9.

Hôm 8-11, hãng xe Toyota cho biết vẫn giữ nguyên dự báo lợi nhuận trước đó cho năm tài chính hiện tại dù đã cắt giảm sản lượng xe lên đến 500.000 chiếc. Toyota dự kiến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trong năm nay sẽ đạt 7,4 tỉ đô la Mỹ nhờ tác động của tiền tệ.

Tuy nhiên, một số công ty hàng đầu của Nhật Bản cũng cảnh báo đồng yen yếu có thể không đủ để bù đắp những thách thức kinh tế đang gia tăng.

Tuần trước, Sony cho biết công ty đã nhận thấy rủi ro đang tăng lên do nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Sony đang thực hiện các bước đi để chuẩn bị ứng phó với tình trạng xấu hơn của môi trường kinh doanh, điều có thể ảnh hưởng đến từng mảng kinh doanh của tập đoàn này.

Trong khi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản bày tỏ lạc quan rằng nhu cầu dồn nén trong những năm đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục bung ra, Giám đốc tài chính của Toyota Kenta Kon lưu ý công ty ông đã tính toán một loạt các biến số rủi ro cho các dự báo kinh doanh trong tương lai. Ngoài biến động giá của đồng yen, các biến số này bao gồm giá nguyên liệu thô tăng, thiếu hụt chip, lãi suất và lạm phát tiếp tục tăng.

Ông nói: “Rất khó để dự đoán ngành công nghiệp ô tô trong sáu tháng tới”.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới