Chủ Nhật, 29/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các hãng xe chuyển sang mua nguyên liệu pin xe điện trực tiếp từ các mỏ

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Vào thập niên 1920, Henry Ford, người sáng lập hãng xe Ford, đã thiết lập các đồn điền cao su ở Amazon (Brazil), một nhà máy thép ở bang Michigan và các mỏ than trên khắp nước Mỹ để cung cấp các nguyên liệu cần thiết cho đế chế ô tô đang phát triển của mình. Một thế kỷ sau, các hãng xe một lần nữa tìm cách kiểm soát tốt hơn chuỗi cung ứng nguyên liệu thô của họ trong cuộc đua xe điện trên toàn cầu bằng cách chuyển sang mua nguyên liệu thô của pin trực tiếp từ các ngành khai khoáng.

Các mẫu xe điện như mẫu VW ID.4 của Volkswagen (Đức) không thể hoàn thiện nếu như thiếu nguồn cung các kim loại pin thiết yếu gồm lithium, nickel và cobalt. Ảnh: Getty

Nhu cầu về xe điện đang tăng lên nhưng tình trạng tắc nghẽn nguyên liệu thô cho pin như lithium, nickel và cobalt đang đe dọa kìm hãm quá trình đáp ứng nhu cầu này. Vấn đề này có thể dẫn đến việc đóng cửa nhà máy và các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu khi họ phải nộp phạt hàng tỉ đô la Mỹ vì không đáp ứng đủ chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu pin xe điện tăng cao, khiến thế giới cần thêm nhiều mỏ khai khoáng mới, gồm 50 mỏ lithium, 60 mỏ nickel và 17 mỏ cobalt vào năm 2030. Đó là một thách thức lớn đối với một ngành thường mất 15 năm trở lên để phát triển một dự án mỏ khoáng sản.

Mối đe dọa đó khiến các hãng xe nhận ra rằng ngành công nghiệp ô tô không còn có thể dễ dàng tiếp cận nguồn cung ứng nguyên liệu pin xe điện dưới dạng mua bán sẵn.

Để bảo đảm kế hoạch tăng trưởng sản lượng xe điện trong tương lai, các hãng xe đang bỏ qua chuỗi cung ứng truyền thống để ký các giao dịch mua nguyên liệu pin trực tiếp từ các công ty khai khoáng.

Mercedes-Benz (Đức) là một trong số các hãng xe đã ký thỏa thuận bao tiêu với các nhà khai thác nguyên liệu pin, với cam kết mua sản lượng của họ trong tương lai để giúp họ huy động tài chính thuận lợi. Mercedes-Benz cũng bắt đầu xây dựng các nhà máy chế biến nguyên liệu pin của riêng mình.

“Nếu bạn hỏi tôi cách đây 5 năm, tôi sẽ nói rằng đây là công việc của thị trường hàng hóa”, Giám đốc điều hành Mercedes-Benz Ola Källenius, nói.

Ông cho rằng vấn đề không phải là không có đủ lithium trên hành tinh mà là quặng lithium cần phải được khai thác, tinh chế và trải qua nhiều quy trình khác.

Tanya Skilton, Giám đốc phụ trách mua các nguyên liệu quan trọng của xe điện tại hãng General Motors (GM) của Mỹ, dự đoán ngành công nghiệp ô tô sẽ phân chia thành người thắng và kẻ thua dựa trên việc các hãng xe có chủ động được nguồn cung nguyên liệu pin để thực hiện giấc mơ phổ cập xe điện hay không.

Cả ba kịch bản dự báo của Benchmark Mineral Intelligence đều cho thấy nguồn cung lithium, nguyên liệu thiết yếu của pin lithium-ion, sẽ thiếu hụt nghiêm trọng (hơn 1.000 tấn) vào năm 2034. Ảnh: Financial Times

Sự thay đổi này đánh dấu sự đảo ngược của một thông lệ trong hàng thập niên qua, trong đó, các nhà sản xuất ô tô quản lý các bên cung cấp trực tiếp của họ, và đến lượt những bên này phải việc với các nhà cung cấp khác trong chuỗi cung ứng.

Trong chuỗi cung ứng xe điện, các nhà sản xuất pin, nhà sản xuất nguyên liệu cực âm pin xe điện và nhà chế biến khoáng sản nằm giữa các hãng xe và các nhà khai thác nguyên liệu thô của pin.

Giờ đây, các hãng xe đang đi xuyên qua chuỗi cung ứng để trực tiếp giao dịch với các nhà khai khoáng, vừa để đảm bảo nguồn cung giá rẻ, vừa để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức và khí thải trong hoạt động khai thác. GM và Tập đoàn ô tô Stellantis (Hà Lan), chủ sở hữu của các thương hiệu Peugeot và Fiat, nằm trong số những nhà sản xuất ô tô đã đầu tư vào các công ty khai khoáng ngay từ giai đoạn đầu nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu pin.

Các công ty xe điện Trung Quốc cũng đang theo đuổi chiến lược này. BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, có trụ sở ở thành phố Tây An, Trung Quốc, đã cố gắng đảm bảo quyền tiếp cận các mỏ lithium ở châu Phi và Chile. Tháng trước, nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới CATL (Trung Quốc) đồng ý mua gần 25% cổ phần của CMOC, nhà sản xuất cobalt, với giá khoảng 3,7 tỉ đô la Mỹ.

Hãng xe điện Tesla của Mỹ cũng báo hiệu sẽ tham gia trực tiếp vào hoạt động khai thác và chế biến các nguyên liệu pin quan trọng vì lo ngại chuỗi cung ứng không thể đáp ứng kịp nhu cầu của hãng.

Tesla được cho là đã đàm phán với tập đoàn kinh doanh hàng hóa và khai khoáng Glencore (Thụy Sĩ) để mua cổ phần của tập đoàn này, nhưng Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk đã phủ nhận điều này.

Các nguồn tin khác cho biết Musk muốn Tesla phát triển năng lực khai thác nguyên liệu pin của riêng mình, chứ không muốn giao vốn cho công ty khác mà không có quyền kiểm soát hoạt động của họ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về tương lai của xe hơi do Financial Times tổ chức trong năm nay, Musk nói rằng công ty ông chỉ đầu tư vào các công ty khai khoáng nếu có thể thay đổi hướng phát triển của họ một cách đáng kể.

Theo một nguồn tin, Tesla đang thúc đẩy kế hoạch xây dựng một nhà máy chế biến quặng lithium ở bang Texas.

Các lãnh đạo ngành khai khoáng đang than phiền rằng quy trình cấp phép cho các dự án mới đã trở nên khó khăn hơn, đẩy khung thời gian phát triển một mỏ nguyên liệu pin từ 5-7 năm cách đây vài thập niên lên hơn 10 năm hiện nay.

Nguồn cung lithium, nguyên liệu chính của pin lithium-ion, đặc biệt có vấn đề. Giá lithium đã tăng gấp 9 lần trong vòng chưa đầy hai năm, lên 74.500 đô la Mỹ/tấn nguyên liệu tiêu chuẩn pin. Ngành công nghiệp khai thác lithium vẫn đang trong quá trình trưởng thành và thiếu kinh nghiệm trong việc mở rộng quy mô sản xuất một cách nhanh chóng.

Eric Norris, chủ tịch mảng lithium tại Albemarle (Mỹ), nhà sản xuất lithium có giá trị cao nhất thế giới và là nhà cung cấp chính của Tesla, cho biết việc đảm bảo đủ số lượng quặng để cung cấp cho nhà máy tinh chế sẽ là thách thức chính đối với công ty khi Tesla khi đặt mục tiêu bán 20 triệu xe điện mỗi năm vào năm 2030.

“Chúng tôi cần huy động rất nhiều tiền”, Keith Phillips, Giám đốc điều hành Piedmont Lithium (Mỹ), nói. Ông tiết lộ công ty ông cần 600 triệu đô la Mỹ để đầu tư một nhà máy tinh chế quặng lithium ở bang Tennessee và khoảng 1 tỉ đô la Mỹ cho một mỏ khai thác quặng lithium cùng với nhà máy tinh chế  ở bang Bắc Carolina. Theo ông, cách tốt nhất để làm được điều đó là các hãng xe và nhà sản xuất pin “cùng hợp tác đầu tư với chúng tôi”.

Ngược lại, Norris cho biết Albemarle đã tạo ra dòng tiền đáng kể để tài trợ cho sự phát triển trong tương lai và không cần vốn từ các nhà sản xuất ô tô. Ông nói thêm công ty sẽ chỉ xem xét nhận vốn đầu tư từ một hãng xe nếu như hãng xe đó giúp công ty đổi mới nhanh hơn, phát triển sản phẩm mới hoặc mở rộng mảng kinh doanh tái chế lithium.

Lợi ích của các công ty khai khoáng và nhà sản xuất xe điện về cơ bản là mâu thuẫn nhau. Các công ty khai khoáng muốn giá bán nguyên liệu quặng cao hơn đi kèm với nguồn cung hạn chế, còn các hãng xe lại muốn giá thấp với nguồn cung dồi dào.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới