Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các hãng xe hơi châu Phi “vật vã” đi tìm chỗ đứng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các hãng xe hơi châu Phi “vật vã” đi tìm chỗ đứng

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Nhiều hãng xe châu Phi được thành lập với hy vọng chinh phục hoặc chí ít cũng kiếm được một phần "miếng bánh" của một thị trường mà phần lớn còn chưa khai phá trong khu vực nhưng sự thống trị dai dẳng của xe cũ nhập khẩu giá rẻ đang cản trở giấc mơ của họ.

Xe ô tô nào bán chạy nhất trong tháng 3

Các hãng xe hơi châu Phi
Phiên bản thử nghiệm của một dòng xe thể thao đa dụng (SUV) của Mobius Motors, hãng xe nội địa duy nhất ở Kenya. Ảnh: Daily Nation

Kể từ khi ra mắt vào năm 2014, Mobius Motors, hãng xe nội địa duy nhất của Kenya, chỉ mới sản xuất được 50 xe thử nghiệm. Mobius Motors là một trong những hãng xe châu Phi hăm hở tiến vào thị trường trong những năm gần đây để nhắm đến tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh trong khu vực.

Khi các hãng xe lớn toàn cầu như Toyota và Volkswagen đẩy mạnh các nỗ lực tiếp cận thị trường rộng lớn ở châu Phi, các đối thủ địa phương gồm Kiira Motors (Uganda), Kantanka (Ghana), Innoson Motors (Nigeria) cũng nhập cuộc.

Song các hãng xe châu Phi đối mặt với những cản lực giống nhau: sự thống trị của xe cũ nhập khẩu giá rẻ, ngân sách đầu tư hạn hẹp và hạ tầng đường xá còn lạc hậu trong khu vực.

Dân số và thu nhập bình quân đầu người ở châu Phi đang tăng nhanh nhưng châu Phi chỉ đóng góp 1% doanh số xe mới toàn cầu mỗi năm. Chỉ riêng Nam Phi chiếm 85% xe mới bán ra tại thị trường châu Phi mỗi năm.

“Đó là một hành trình không dễ dàng”, Joel Jackson, người sáng lập Mobius Motors, 34 tuổi, nói về giấc mơ chinh phục thị trường xe châu Phi.

Cách đây một thập kỷ, ý tưởng xây dựng một hãng xe ở châu Phi dành cho người châu Phi ập đến với Jackson khi anh đi công tác khắp Kenya trong quá trình làm việc cho một công ty lâm nghiệp.

Mobius Motors đang sản xuất thử nghiệm một dòng xe thể thao đa đụng (SUV) gọn nhẹ, được thiết kế phù hợp với các điều kiện đường xá gồ ghề ở châu Phi cũng như túi tiền còn eo hẹp của đa số người tiêu dùng châu Phi. Phiên bản khởi điểm của dòng xe này có giá bán 1,3 triệu shilling (12.900 đô la), tức chỉ bằng phân nửa các dòng xe SUV cũ nhập khẩu từ Nhật Bản.

Dù các khách hàng tiềm năng đã trả trước 300 đô la mỗi người để đặt mua 400 đơn hàng, Jackson vẫn đang ngược xuôi khắp trên thế giới để huy động nguồn vốn cần thiết cho việc xây dựng một dây chuyển sản xuất đầy đủ vốn đã trễ gần một năm so với kế hoạch ban đầu.

Anh nói: “Phần lớn tài chính sẽ phục vụ các hoạt động sản xuất nhưng cũng cần rất nhiều nguồn tiền đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển xe”.

Trong khi đó, hãng xe Kiira Motors (Uganda), nơi nhà nước nắm 96% cổ phần, đang xây dựng một nhà máy lắp ráp xe trị giá trị 40 triệu đô la ở miền nam Uganda, có công suất 5.000 xe mỗi năm. Dẫu vậy, kể từ khi thành lập vào năm 2011 đến nay, Kiira Motors chỉ mới sản xuất ba phiên bản ô tô thử nghiệm.

Hãng xe Innoson Motors của Nigeria đang ở tình thế thuận lợi hơn. Hãng xe này cho biết đã bán được 10.000 xe sau tám năm đi vào hoạt động.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Kwadwo Safo Jnr, Giám đốc điều hành Kantanka Automobile, hãng xe quốc nội duy nhất của Ghana, cho biết công ty đã nhận được hơn 13.000 đơn hàng từ ba nước Tây Phi nhưng lại không tiết lộ cụ thể nước nào.

Tuy vậy, những con số trên vẫn quá nhỏ nhoi so với tiềm năng của thị trường châu Phi với dân số hơn 1,2 tỉ người.

Rodney Muhumuza, Giám đốc phát triển kinh doanh của Kiira Motors cho biết công ty được hưởng lợi nhờ sự hỗ trợ của nhà nước nhưng đến một thời điểm nào đó sẽ phải cần huy động nguồn vốn đầu tư của tư nhân.

Ông cho biết cách thách thức lớn nhất hiện nay đối với Kiira Motors là các vấn đề liên quan đến chính sách.
Ông dự báo tổng doanh số xe ở Cộng đồng Đông Phi (EAC), một thị trường chung bao gồm Kenya, Uganda, Rwanda, Burundi, Tanzania và Nam Sudan sẽ tăng gấp đôi lên mức 500.000 chiếc mỗi năm trong vòng một thập kỷ tới. Ông muốn những chiếc xe này phải là xe mới và được sản xuất tại châu Phi.

Nhưng để điều đó xảy ra, các chính phủ châu Phi phải đồng lòng ủng hộ hoạt động sản xuất xe trong khu vực bằng cách han chế xe cũ nhập khẩu giá rẻ đồng thời phải áp dụng các mức thuế phù hợp để giảm chi phí sản xuất và giá thành của xe.

Theo Reuters

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới