Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các hệ sinh thái cổ phiếu ‘khuynh đảo’ thị trường chứng khoán ra sao?

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Không chỉ bị ảnh hưởng từ lạm phát, căng thẳng quốc tế, thị trường chứng khoán còn đang phần nào bị chi phối bởi các cổ phiếu cùng “họ” và tin đồn. Các tin đồn liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp, thâu tóm lẫn nhau khiến cho dòng tiền chuyển hướng liên tục trong các nhóm cổ phiếu gây ra nhiều hệ lụy từ sự bất thường của giá cổ phiếu.

Hệ sinh thái mới và giá mới

Thời gian qua, dòng tiền từ nhà đầu tư mới đổ mạnh vào chứng khoán đã tạo “sóng cổ phiếu” nổi lên khắp thị trường. Đây cũng là khoảng thời gian mà các nhóm cổ phiếu có cùng một hệ sinh thái (thường gọi là cùng một họ) xuất hiện nhiều hơn, hoạt động sôi nổi hơn. Đi kèm với đó là các câu chuyện đồn đoán về việc thâu tóm, sáp nhập và lời hô hào mua vào trên nhiều diễn đàn mạng đã thúc đẩy giá một loạt cổ phiếu tăng vọt, dù nội tại doanh nghiệp yếu kém.

Các hệ sinh thái cổ phiếu đang hình thành ngày một nhiều chi phối nhà đầu tư mới. Ảnh minh họa: TTXVN

Nổi bật nhất trong năm qua là nhóm cổ phiếu liên quan đến một số lãnh đạo chủ chốt của Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP), trong đó có ông Vũ Đình Độ, Chủ tịch HĐQT. Ngoài cổ phiếu DNP, “họ DNP” còn các cổ phiếu khác như Công ty cổ phần Tasco (HUT), Công ty Du lịch bất động sản Ninh Vân Bay (NVT), Công ty Xây dựng số 9 (VC9), Công ty Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn – Savico (SVC), Công ty Đầu tư và Phát triển y tế Việt Nhật (JVC).

Mối liên kết giữa các công ty như DNP, Tasco, Savico hay JVC chủ yếu thông qua các cá nhân. Chẳng hạn, tân Chủ tịch HĐQT của Tasco Hồ Việt Hà là Phó chủ tịch DNP Water, ngoài ra còn là Chủ tịch của Ninh Vân Bay. Một lãnh đạo của nhiều công ty trong mảng nước của DNP là ông Nguyễn Danh Hiếu cũng tham gia vào HĐQT của Tasco, công ty mới đây công bố muốn mua kiểm soát Savico.

Gần đây nhất thị trường chứng khoán cũng ghi nhận sự xuất hiện của nhóm cổ phiếu thuộc “họ Louis”. Các mã chứng khoán này hầu hết đều tăng giá lên vài lần, thậm chí vài chục lần sau khi có các thông tin đổi chủ.

Theo đó, Công ty Xây dựng và Đầu tư Trường Giang (TGG) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng có thị giá vào thời điểm cuối năm 2020 chỉ loanh quanh vùng 1.200 – 1.400 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau khi về “họ Louis” và đổi tên thành Công ty Louis Capital, cổ phiếu TGG đã tăng phi mã lên tới 54.500 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, cổ phiếu Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Bảo Thư (BII) sau khi bị thâu tóm và đổi tên thành Công ty Louis Land cũng tăng giá gấp 10 lần, từ 2.000 lên trên 20.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài TGG và BII, những công ty niêm yết khác có liên quan đến Louis Holdings xuất hiện, như AGM, APG, DDV hay SMT cũng ghi nhận những phiên tăng kịch trần liên tiếp. Mức tăng phổ biến trên 100%, vượt xa các mã khác trên thị trường.

Nhóm cổ phiếu mang “họ” FLC cũng là những cổ phiếu nổi tiếng, thu hút được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư trên thị trường. Những cổ phiếu trong nhóm này như FLC, ROS, AMD, HAI, KLF thường xuyên biến động tương đồng nhau, đồng loạt tăng trần, giảm sàn, dù kết quả hoạt động kinh doanh khác nhau.

Từ diễn biến đó có thể thấy sự xuất hiện của các nhóm cổ phiếu có liên quan trên thị trường chứng khoán thường hình thành theo hai xu hướng. Phổ biến nhất là một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và nhân sự, thực hiện thâu tóm lần lượt các cổ phiếu có vốn hóa thấp trên sàn. Sau đó, nhờ kiểm soát nguồn cung cổ phiếu, chủ sở hữu mới dễ dàng đẩy giá cổ phiếu lên cao, tạo ra những cơn sóng thu hút sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân.

Xu hướng thứ hai là các tập đoàn lần lượt IPO và niêm yết các công ty thành viên, mỗi doanh nghiệp thường phụ trách một mảng kinh doanh, thay vì chỉ niêm yết công ty mẹ như trước đây. Chính vì vậy hàng loạt nhóm cổ phiếu có cùng hệ sinh thái bắt đầu xuất hiện như Bamboo Capital, Tập đoàn Gelex… Các nhóm cổ phiếu này luôn đầu tư chi phối hoặc lập mới một công ty chứng khoán và đây được xem là “sân sau” để hậu thuẫn giao dịch và huy động vốn trên sàn.

Trong đề xuất mở chiến dịch “làm sạch thị trường chứng khoán” mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng cần thanh tra công ty chứng khoán là công cụ làm giá chứng khoán cho những ông chủ của mình. VAFI kiến nghị cần xác định có hàng ngàn tài khoản giao dịch được mượn đứng tên từ người lao động và người thân thích để tạo cung cầu giả tạo, cần xác định những đối tượng đầu tư giả và các “công ty ma” để thực hiện hành vi thao túng chứng khoán.

Chi phối nhà đầu tư mới bằng tin đồn

Khi lượng tài khoản chứng khoán mới được thành lập đủ lớn để “tạo luồng” giao dịch theo những thông tin trên các diễn đàn cũng là lúc các nhóm cổ phiếu dẫn dắt dòng tiền theo tin đồn. Các tin đồn này được nhắm vào các cổ phiếu có mệnh giá thấp để dễ dàng thổi lên theo cấp số nhân. Làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư mới khiến các phân tích, đánh giá cơ bản đứng ngoài biến động giá cổ phiếu, nhường chỗ cho các thông tin đồn đoán, nhất là về thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp.

Điểm chung của các cổ phiếu này là có thị giá thấp trước khi được “hô” mua và doanh nghiệp trải qua nhiều năm khó khăn, thua lỗ, tạo nền cho câu chuyện tái cơ cấu, thâu tóm, sáp nhập để thu hút nhà đầu tư. Điển hình trong vài tháng qua là cổ phiếu DNP của Nhựa Đồng Nai, cổ phiếu NVT của Ninh Vân Bay, cổ phiếu VC9 của Xây dựng số 9, cổ phiếu SVC của Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn, cổ phiếu JVC của Y tế Việt Nhật, cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp Tasco (HUT)… tất cả đều có tình hình kinh doanh thua lỗ từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có thêm khoảng 1,2 triệu nhà đầu tư trong gần 2 năm qua. Ảnh minh hoạ: M.P.

Các tin đồn bắt đầu xuất hiện trên nhiều diễn đàn mạng và group chat đều chia sẻ những thông tin được xem là “mật” liên quan tới việc Nhựa Đồng Nai có động thái đi thâu tóm trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên 2022. Các thông tin sau đó trở nên có trọng lượng, thậm chí được coi là chính xác khi nhiều thành viên lãnh đạo cấp cao nằm trong hệ sinh thái của Nhựa Đồng Nai mua vào các cổ phiếu HUT, NVT, VC9, JVC…, đồng thời được đề cử vào hội đồng quản trị và ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Hay như gần đây, “họ Louis” cũng úp mở thông tin về việc tham gia vào HĐQT của Công ty cổ phần Địa ốc Hoàng Quân khiến cho cổ phiếu HQC đón nhận được một làn sóng đầu cơ lớn và tăng trần liên tiếp. Các động thái về việc tiến cử người vào HĐQT và yêu cầu ĐHCĐ bất thường mới đây cũng tạo nên một cuộc chiến “vương quyền” tại doanh nghiệp này cuốn hút được dòng tiền từ nhà đầu tư mới.

Trong giai đoạn đầu, nhiều nhà đầu tư hoài nghi với nhóm cổ phiếu trên nhưng khi chứng kiến giá các cổ phiếu này liên tục đi lên, họ không thể đứng ngoài cuộc. Tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) của nhà đầu tư giúp giá các cổ phiếu tăng cao chỉ trong một thời gian ngắn bất kể tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Gần đây, sau những sự vụ liên quan đến Chủ tịch HĐQT FLC Trịnh Văn Quyết, thị trường chứng khoán đã có một phiên rũ bỏ mạnh và các cổ phiếu hệ sinh thái FLC lên tới hơn 230 triệu đơn vị. Đây là lượng dư bán sàn quy mô lớn, đạt mức kỷ lục của sàn chứng khoán trong suốt 20 năm thị trường đi vào hoạt động.

Tuy nhiên ngay sau đó, tin đồn về tân chủ tịch HĐQT Đặng Tất Thắng mua lại cổ phiếu FLC giúp lượng cổ phiếu này cũng được “giải cứu” với lượng mua tăng mạnh đẩy giá tăng trần ba phiên liên tiếp dù vẫn trong giai đoạn khủng hoảng.

Sự trỗi dậy của các nhà đầu tư nhỏ lẻ ban đầu được cho là một sự kiện có một không hai của thời giãn cách, đồng thời tạo điều kiện cho làn sóng cổ phiếu dưới mệnh giá lên ngôi. Khi đó các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư mới bị cuốn vào các thủ thuật tạo sóng từ những đồn đoán về thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp tạo một dòng tiền lớn cho để các cá mập làm giá cổ phiếu.

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy thị trường chứng khoán từng bị “bốc hơi” hàng tỉ đô la vốn hóa vì các tin đồn. Riêng trong giai đoạn 2012 – 2013, thị trường chứng khoán đã chứng kiến lần chao đảo vì các tin đồn liên quan đến ông Đặng Văn Thành và ông Nguyễn Đức Kiên. Năm 2017 đến lượt tin đồn liên quan đến ông Trần Bắc Hà cũng khiến thị trường chao đảo. Trong giai đoạn bùng nổ nhà đầu tư cá nhân như hiện nay thị trường cũng đứng trước ranh giới mong manh của các tin đồn hay các phi vụ bán chui cổ phiếu của các chủ doanh nghiệp.

Nhiều dấu hỏi được đặt ra đằng sau hiện tượng này và nhà đầu tư đang chờ đợi động thái từ các cơ quan quản lý thị trường. Thao túng giá chứng khoán khiến sai lệch giá trị hay bóp méo giá cả, tăng chi phí giao dịch cho các bên tham gia thị trường, là mối đe dọa lớn cho cả hệ thống tài chính. Việc mở rộng điều tra đối với các lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có thể là một giải pháp để thị trường chứng khoán thực chất trở thành một thị trường vốn đúng nghĩa dựa trên sức khỏe của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Mới đây, những hệ lụy phát sinh trên thị trường chứng khoán cũng được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra là có sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra và giám sát của Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Cơ quan này có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới