(KTSG Online) - Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có thể tiếp tục tăng lãi suất nhưng với quy mô nhỏ hơn trong nửa đầu năm 2023. Nhà điều hành buộc phải làm như vậy do lạm phát vẫn còn duy trì ở các mức cao đáng lo ngại dù đã hạ nhiệt trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, nhiều ngân hàng có thể dừng tăng chi phí vay trong nửa năm còn lại, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế.
- Lạm phát, lãi suất đè nén thị trường M&A toàn cầu năm 2022
- Trung Quốc mở cửa trở lại có thể khiến lạm phát toàn cầu gia tăng
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) có thể là ngân hàng lớn đầu tiên tiếp tục tăng lãi suất trong đầu năm tới trong cuộc họp chính sách vào ngày 13-1. BoK cũng là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên tăng lãi suất hồi tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới là cơ quan quản lý tiền tệ dẫn đầu chiến dịch tăng chi phí vay trong năm nay, với mức tăng tổng cộng hơn 400 điểm cơ bản (4 điểm phần trăm).
Hồi cuối tháng 11, BoK đã tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản, lên mức 3,25%, cao nhất kể từ tháng 7-2012 sau khi lạm phát giá tiêu dùng của nước này trong tháng 10 tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hôm 20-12 rồi, BoK cho biết lạm phát tiêu dùng của Hàn Quốc sẽ duy trì ở mức khoảng 5% trong một thời gian và sau đó giảm dần. Tuy nhiên, BoK cảnh báo các yếu tố trong nước và toàn cầu đang làm gia tăng sự không chắc chắn về tốc độ giảm giá cả.
“Trong tương lai, tình trạng không chắc chắn về giá dầu, tỷ giá hối đoái, chi phí các dịch vụ tiện ích trong nước và tốc độ tăng trưởng kinh tế là rất cao”, BoK nhấn mạnh.
Theo Thống đốc BoK Rhee Chang-yong, dù đã tăng chậm lại gần đây nhưng lạm phát có thể vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% trong năm tới. Do vậy, ông cho biết chính sách tiền tệ của BoK sẽ tiếp tục tập trung vào việc kiểm soát lạm phát.
Tháng trước, BoK dự báo lạm phát của Hàn Quốc sẽ tăng chậm lại về mức 4,2% trong nửa đầu năm 2023 từ mức ước tính 5,6% trong nửa cuối năm 2022 và tiếp tục giảm xuống còn 3,1% trong nửa cuối năm 2023.
“Có lẽ chúng ta sẽ thấy các ngân hàng trung ương tiếp tục với các đợt tăng lãi suất nhỏ hơn, có thể là 25 điểm cơ bản khi bước vào quí đầu tiên của năm tới, một phần để theo kịp tốc độ tăng lãi suất của Fed”, Steve Cochrane, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Moody's Analytics, nhận định.
Theo Cochrane, việc tăng lãi suất tiếp sẽ giúp giảm bớt một số áp lực đối với các đồng tiền trên thế giới sau khi bị tổn thương bởi sự trỗi dậy của đô la Mỹ trong năm 2022.
Tốc độ tăng lãi suất nhanh chóng của Fed trong năm nay đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh mạnh, kéo theo tác động lây lan ra các thị trường chứng khoán khác trên toàn cầu.
Hôm 14-12, Fed đã tăng chi phí vay thêm 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất chuẩn lên biên độ 4,25-4,5%, mức cao nhất trong 15 năm. Các chuyên gia kinh tế dự đoán, Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nửa đầu năm tới nhưng với tốc độ chậm hơn.
“Khi đến giữa năm 2023, các mức lãi suất sẽ đủ cao. Và tại thời điểm đó, tôi nghĩ rằng các ngân hàng trung ương sẽ cảm thấy yên tâm với việc giữ nguyên lãi suất trong nửa cuối năm cuối còn lại”, Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Ngân hàng Citi nhận định và cho rằng lạm phát đã chạm đỉnh nhưng vẫn đang ở quá cao, nhất là ở các nước phương Tây.
Ông lưu ý rằng, cú sốc giá năng lượng ở châu Âu đã khiến lạm phát tăng vọt, trong khi thị trường lao động thắt chặt và tiền lương tăng đang thúc đẩy lạm phát trong ngành dịch vụ ở nhiều nền kinh tế khác. Mức lạm phát tổng thể vẫn còn quá cao, khiến các ngân hàng trung ương phải tiếp tục hành động.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 2,0% lên 2,5% kể từ ngày 21-12, đồng thời báo hiệu sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất trong năm 2023.
Hội đồng thống đốc của ECB cho rằng, lãi suất sẽ vẫn phải tăng đáng kể với tốc độ ổn định để đạt đến mức đủ để đảm bảo lạm phát trở lại với mục tiêu trung hạn 2%. Trả lời tờ Le Monde hôm 22-12, Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos cho biết ECB có thể tăng lãi suất với tốc độ hiện tại trong một “khoảng thời gian nữa” để kiềm chế lạm phát.
“Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài hành động. Tăng lãi suất ở quy mô 50 điểm cơ bản có thể trở thành tiêu chuẩn mới trong thời gian tới. Nếu chúng tôi không làm gì, tình hình sẽ tồi tệ hơn vì lạm phát là một trong những yếu tố gây ra suy thoái kinh tế hiện nay”, ông nói và cho biết ông lo ngại các thị trường có thể đánh giá thấp tình trạng lạm phát cao dai dẳng.
Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Steve Cochrane ghi nhận lạm phát ở các nước châu Á tuy vẫn còn cao nhưng đang bắt đầu hạ nhiệt. Lạm phát dường như đã đạt đỉnh ở hầu hết các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương khoảng hai tháng trước.
Tuy nhiên, ông lưu ý về việc giá thực phẩm vẫn còn quá cao và đang tăng. Đây là mối lo ngại đối với các ngân hàng trung ương trong khu vực, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi của châu Á vì thực phẩm là một thành phần lớn trong giỏ hàng tiêu dùng.
“Các ngân hàng trung ương ở châu Á -Thái Bình Dương sẽ rất tập trung vào vấn đề này. Tôi nghĩ chắc chắn chúng ta sẽ thấy khu vực này tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong vài tháng tới, để đảm bảo rằng lạm phát được kiềm chế”, ông nói.
Theo Channel NewsAsia, Reuters