(KTSG Online) Các nhà lãnh đạo của khối các nền kinh tế mới nổi BRICS sẽ tụ họp tại Nam Phi vào tuần tới để thảo luận về cách biến một nhóm lỏng lẻo gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi thành một lực lượng địa chính trị có thể thách thức sự thống trị của phương Tây trong các vấn đề thế giới.
- Ngân hàng phát triển mới của nhóm BRICS đi vào hoạt động
- Cường quốc kinh tế mới nổi Brazil đang… lặn
Từ ngày 22 đến 24-8, Nam Phi sẽ tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên của BRICS.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đang đối mặt với lệnh truy nã của Tòa án hình sự quốc tế vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine, sẽ không tham gia.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra trong bối cảnh có những bất đồng về việc có nên mở rộng khối để bao gồm hàng chục nước thuộc nhóm Global South (ám chỉ đến các nước đang phát triển, chứ không ám chỉ đến vị trí địa lý Nam bán cầu) đang xếp hàng xin gia nhập. Đó là một dấu hiệu cho thấy kể từ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào năm 2009, BRICS đang trở thành một đối trọng đối với các thể chế quản trị không chính thức khác do phương Tây thống trị như G7 và G20.
Nằm trải rộng trên toàn cầu và với các nền kinh tế hoạt động theo những cách rất khác nhau, nền tảng quan trọng cho sự đoàn kết của của các nước thành viên BRICS là sự hoài nghi về một trật tự thế giới mà họ coi là phục vụ lợi ích của Mỹ và các nước đồng minh giàu có. Đây là những nước thúc đẩy các quy tắc quốc tế để buộc các nước khác phải thực thi nhưng bản thân họ không phải lúc nào cũng tôn trọng.
Không có nhiều chi tiết về chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh BRICS. Tuy nhiên, Nam Phi cho biết hội nghị dự kiến thảo luận về kế hoạch mở rộng khối này vì khoảng 40 quốc gia đã thể hiện sự quan tâm đến việc gia nhập, gồm Saudi Arabia, Mexico, Argentina, Bangladesh và Ai Cập.
Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng địa chính trị khi nước này đối đầu gay gắt với Mỹ. Bắc Kinh muốn mở rộng BRICS nhanh chóng, trong khi Brazil không muốn vì lo ngại vị thế và tính cố kết của khối bị suy giảm.
Trong một văn bản trả lời các câu hỏi của Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh ủng hộ BRICS mở rộng thành viên và “hoan nghênh nhiều đối tác có cùng chí hướng tham gia ‘gia đình BRICS’ trong thời gian sớm nhất”.
Nga cũng cần thêm đồng minh để chống lại sự cô lập ngoại giao của phương Tây liên quan đến chiến sự Ukraine. Vì vậy, Điện Kremlin muốn thu hút các thành viên mới.
Ấn Độ vẫn chưa đưa ra quan điểm rõ ràng về vấn đề này. Chủ đề của hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của BRICS là “BRICS và châu Phi”, nhấn mạnh cách khối này có thể xây dựng mối quan hệ với một lục địa đang ngày càng trở thành sân khấu cạnh tranh giữa các cường quốc thế giới.
Trong một tuyên bố tuần trước, Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor cho biết các quốc gia BRICS muốn thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn cầu trong việc giải quyết các nhu cầu của phần lớn thế giới, cụ thể là phát triển và đưa các nước Global South vào các hệ thống đa phương”.
Các quốc gia BRICS rất muốn thể hiện họ là đối tác phát triển thay thế cho phương Tây. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết BRICS “tìm cách cải cách các hệ thống quản trị toàn cầu để tăng cường tính đại diện của các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi”.
Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của BRICS muốn giảm đô la hóa tài chính và đưa ra một giải pháp thay thế cho các định chế tài chính như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Tuy nhiên, trong gần 10 năm hoạt động, NDB chỉ phê duyệt các khoản vay với tổng trị giá 33 tỉ đô la. Con số này chỉ bằng khoảng 1/3 trị giá các khoản vay mà WB cam kết giải ngân vào năm ngoái.
Các quan chức Nam Phi cho biết, hội nghị cũng sẽ không thảo luận về một loại tiền tệ chung của BRICS, được Brazil khởi xướng vào đầu năm nay như một giải pháp để giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.
Chiếm 40% dân số toàn cầu, các nước BRICS cũng phát thải khí nhà kính ở mức tương đương trên toàn cầu. Các quan chức của Brazil, Trung Quốc và Nam Phi cho biết. họ có thể thảo luận về biến đổi khí hậu nhưng đây không phải là ưu tiên hàng đầu.
Các nước BRICS đổ lỗi cho các nước giàu đã gây ra hầu hết tình trạng nóng lên toàn cầu và muốn họ chịu trách nhiệm tài chính chủ yếu trong nỗ lực khử carbon cho nguồn cung năng lượng của thế giới.
Theo Reuters
“Các nước BRICS đổ lỗi cho các nước giàu đã gây ra hầu hết tình trạng nóng lên toàn cầu và muốn họ chịu trách nhiệm tài chính chủ yếu trong nỗ lực khử carbon cho nguồn cung năng lượng của thế giới”. Câu chốt này quá chuẩn. Các nước lớn đã phát triển nói về biến đổi khí hậu, năng lượng xanh, mặc dù vài chục năm trước đó họ đã tàn phá thiên nhiên quá mức. Giờ đòi kêu gọi thì phải chịu trận chứ sao đòi các nước sau này phải theo đc