Thứ Ba, 16/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các nước chia rẽ về thỏa thuận đánh thuế Big Tech trên toàn cầu

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong tuần này, đại diện của hơn 130 nước trên thế giới sẽ họp tại trụ sở của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ở Paris để đàm phán giải cứu thỏa thuận đánh thuế các tập đoàn công nghệ lớn nhất toàn cầu, hay còn gọi là Big Tech. Hiện các nước vẫn bất đồng về việc thực hiện cơ chế đánh thuế mới này, với Thượng viện Mỹ bày tỏ quan điểm phản đối, và các nền kinh tế mới nổi bao gồm Ấn Độ lo ngại thuế mới làm giảm doanh thu của họ.

Các nước vẫn bất đồng về cách tính thuế đối với các tập đoàn công nghệ lớn nhất toàn cầu trong một thỏa thuận do OECD dàn xếp. Ảnh: 1stnews

Trọng tâm của cuộc họp tại Paris là một thay đổi về thuế toàn cầu yêu cầu các nước từ bỏ chính sách thuế rời rạc đối với các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Google, Facebook và Amazon, để chuyển sang áp dụng cơ chế đánh thuế thống nhất, buộc các tập đoàn này phải trả thuế nhiều hơn tại thị trường mà họ kinh doanh. Điều này có nghĩa là các tập đoàn công nghệ phải trả thuế dựa vào doanh thu tại thị trường mà họ cung cấp các dịch vụ số hóa, thay vì dựa vào doanh thu tại nơi mà họ đặt văn phòng trụ sở.

Theo thỏa thuận hiện tại, các nước chỉ xem xét áp thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST) của riêng họ nếu như thỏa thuận đánh thuế toàn cầu nhằm vào các tập đoàn công nghệ vẫn chưa được các nước phê chuẩn để có hiệu vào ngày 1-1-2024. Tuy nhiên, những bế tắc và trì hoãn về quá trình phê chuẩn thỏa thuận này đang khiến các nước kêu gọi lùi thời điểm áp thuế DST đến năm 2025.

Nếu không được gia hạn, chiến tranh thương mại có thể xảy ra khi các nước đơn phương áp thuế DST để kiếm doanh thu thuế nhiều từ 100 công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới nằm trong phạm vi thỏa thuận.

Các nhà đàm phán lo ngại rằng một số nước sẽ gặp khó khăn trong việc phê chuẩn thỏa thuận. Trong số đó có Mỹ, nơi có nhiều công ty công nghệ lớn nhất thế giới đặt trụ sở chính.

Một nguồn tin nắm rõ nội dung với các cuộc đàm phán ở Paris cho biết, vấn đề lớn là liệu chính phủ Mỹ có thể thuyết phục quốc hội phê chuẩn bất kỳ thỏa thuận thuế nào đã được OECD nhất trí hay không

Dù được chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ nhưng thỏa thuận thuế toàn cầu của OECD, vốn được thống nhất tạm thời vào mùa thu năm 2021, cần có 2/3 thành viên của Thượng viện Mỹ bỏ phiếu tán thành. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện phản đối gay gắt thỏa thuận này.

Trong khi đó, một số thị trường mới nổi lo ngại giải pháp toàn cầu để đánh thuế Big Tech sẽ làm giảm doanh thu của họ.

“Ấn Độ đặc biệt lo ngại về thỏa thuận này”, một nguồn tin nắm rõ thông tin cuộc đàm phán ở Paris cho biết.

Những thay đổi thuế do OECD thiết kế nhằm cập nhật các quy tắc quốc tế để 100 công ty lớn nhất thế giới phải trả nhiều thuế hơn tại nơi họ kinh doanh.

Hiện tại, các nước chỉ có thể đánh thuế thu nhập của một công ty nếu công ty đó có mặt thực tế ở nước của họ (có đặt văn phòng, cơ sở vật chất). Nhưng cách tiếp cận này không còn phù hợp trong thời đại số hóa.

Thay vào đó, hệ thống thuế mới sẽ yêu cầu các công ty đa quốc gia nộp thuế dựa trên nơi bán hàng hóa và dịch vụ, một sự thay đổi mà OECD ước tính tác động đến 200 tỉ đô la lợi nhuận bị đánh thuế.

Tuy nhiên, các thay đổi này, được gọi là “Trụ cột một” trong thỏa thuận thuế toàn cầu của OECD, chỉ áp dụng với các công ty đa quốc gia có hơn 20 tỉ đô la doanh thu toàn cầu hàng năm và biên lợi nhuận lớn hơn 10%. Đối với những công ty này, 25% phần lợi nhuận vượt biên độ lợi nhuận 10% sẽ bị đánh thuế ở nước mà họ tạo ra doanh thu.

Sự phản đối của Ấn Độ và các thị trường mới nổi khác tập trung vào công thức đánh thuế này. Vì họ cho rằng cách tính thuế như vậy có lợi cho các nước phát triển, đơn giản vì các công ty đa quốc gia lớn nhất bán được nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn ở các nền kinh tế giàu có hơn. Ấn Độ đã giới thiệu DST nhưng sẽ hủy bỏ thuế này nếu phê chuẩn thỏa thuận thuế toàn cầu của OECD.

Một số nước có ý định theo đuổi các biện pháp của riêng họ để đánh thuế những ông lớn công nghệ. Sri Lanka ban đầu tham gia các cuộc đàm phán của OECD nhưng đến năm 2021, quyết định không tán thành thỏa thuận thuế toàn cầu của tổ chức này. Sri Lanka đang cân nhắc đánh thuế DST đối với các doanh nghiệp công nghệ trong bối cảnh đất nước chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế, và phải kêu gọi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cấp khoản vay giải cứu 3 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, hai nguồn tin nói với Financial Times rằng Sri Lanka đang chịu áp lực từ IMF để từ bỏ kế hoạch đánh thuế DST và gia nhập thỏa thuận của OECD. Quan điểm của IMF là “thuế DST sẽ trì hoãn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Sri Lanka”, một quan chức chính phủ Sri Lanka cho biết.

“Đơn phương không phải là giải pháp tốt nhất và giải pháp tối ưu chắc chắn là hợp tác… nhưng giải pháp thực tế nhất cho các nước đang phát triển hiện nay là áp dụng các biện pháp đánh thuế đơn phương (đối với các tập đoàn công nghệ)”, Verónica Grondona, cựu giám đốc thuế quốc tế tại Cơ quan thuế Argentina, nói.

Các doanh nghiệp đa quốc gia đã phải chật vật để tuân thủ các chính sách thuế mỗi nơi mỗi kiểu và hiện tại đang lo lắng về khả năng thỏa thuận thuế toàn cầu của OECD bị sụp đổ.

Tháng trước, Phòng Thương mại quốc tế, tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp trên toàn cầu, có trụ sở ở Paris, nhấn mạnh “một hệ thống thuế ổn định và có thể dự đoán được” đối với các công ty là điều rất quan trọng. Để đạt được mục tiêu này, một thỏa thuận thuế toàn cầu phải được phê chuẩn và được triển khai rộng rãi, tổ chức này cho biết trong một bức thư gửi Ban thư ký OECD.

Cuộc đàm phán ở Paris sẽ kết thúc vào ngày 12-7. Các nhà đàm phán dự kiến công bố một thỏa thuận thống nhất để thay đổi quy tắc thuế toàn cầu, một bước quan trọng để tiến tới một buổi lễ ký kết vào cuối năm nay. Sau đó, quốc hội của các nước dự kiến sẽ phê chuẩn thỏa thuận này.

Tuy nhiên, ngay cả khi một thỏa thuận tạm thời đạt được trong tuần này tại Paris, một nguồn tin nắm rõ các cuộc đàm phán cho biết, không rõ liệu sẽ có nhiều nước ký kết nó vào cuối năm 2023 hay không.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới