(KTSG) – Nhiều quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực triển khai những biện pháp hỗ trợ ngành sản xuất nội địa trước làn sóng hàng nhập khẩu Trung Quốc giá rẻ tràn vào thị trường trong nước.
Tác động tiêu cực từ làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ
Quận Bandung, thuộc tỉnh Tây Java của Indonesia, là một khu vực vốn nổi tiếng với các mặt hàng dệt may như vải batik, vải dệt tay và lụa. Thế nhưng theo bà Neng Wati – quản lý tại xưởng sản xuất hàng dệt may Asnur Konveksi, trong những tuần gần đây hàng ngàn lao động địa phương đã rơi vào tình trạng không có việc làm và thu nhập ổn định.
“Bây giờ họ phải thay phiên nhau làm việc. Số lượng công nhân vẫn giữ nguyên, nhưng công việc được chia nhỏ, và không phải ai cũng có việc. Một số người đã nghỉ hai tuần, trong khi một số khác đã không có việc làm trong suốt một tháng”, bà Wati cho biết.
Những trường hợp như vậy không phải là hiếm tại Indonesia, và đang dần có dấu hiệu trở nên trầm trọng hơn, giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp dệt may. Theo Liên đoàn Công đoàn Nusantara, trong bảy tháng đầu năm 2024, ít nhất 12 nhà máy dệt tại nước này đã ngừng hoạt động, khiến hơn 12.000 công nhân mất việc làm.
Theo ông Nandi Herdiaman, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất quần áo gia đình (IPKB), chỉ có khoảng 60% trong số 8.000 thành viên của hiệp hội vẫn tiếp tục hoạt động sau đại dịch. Thách thức lớn nhất chính là hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. IPKB cho biết, chỉ trong hai tháng qua, sản lượng từ các doanh nghiệp dệt may nội địa đã giảm khoảng 70%.
Không chỉ Indonesia, các nhóm ngành công nghiệp tại các quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, hay Malaysia cũng bày tỏ mối lo ngại ngày càng tăng về làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Các nhà sản xuất nội địa đã không thể cạnh tranh với làn sóng này và phải chịu thiệt hại lớn về doanh số bán hàng.
Chia sẻ với Bangkok Post, ông Piti Disyatat, Thư ký Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, cho biết “dòng hàng hóa Trung Quốc đổ vào đã ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất của Thái Lan ở các mức độ khác nhau, tùy thuộc từng ngành, đặc biệt là đồ điện, hàng dệt may và đồ nội thất”.
Các chính phủ đẩy mạnh hỗ trợ ngành sản xuất nội địa
Tại Indonesia, một cuộc biểu tình của công nhân tại Jakarta đã khiến Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan phải tuyên bố rằng chính phủ sẽ áp thuế nhập khẩu lên tới 200% đối với một số sản phẩm từ Trung Quốc, đặc biệt là hàng dệt may, quần áo, giày dép, đồ điện tử, gốm sứ và mỹ phẩm, để cố gắng bảo vệ các doanh nghiệp trong nước và ngăn chặn tình trạng sa thải lao động.
Bộ trưởng Zulkifli cho biết “Mỹ có thể áp thuế 200% đối với hàng gốm sứ hoặc quần áo nhập khẩu, vì vậy chúng tôi cũng có thể làm như vậy”, để đảm bảo các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể “tồn tại và phát triển”.
Còn tại Thái Lan, chính phủ nước này cũng đã triển khai biện pháp khẩn cấp khi áp dụng thuế giá trị gia tăng 7% đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu, một sự thay đổi đáng kể so với quy định trước đây khi chỉ thu thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu có giá trên 1.500 baht (44 đô la Mỹ). Chính sách này chỉ có hiệu lực từ tháng 7-12 năm nay để chính phủ có thời gian nghiên cứu vấn đề này trước khi có thể áp dụng các giải pháp dài hạn hơn.
Mới đây nhất, hôm 22-8, Bộ trưởng Thương mại tạm thời của Thái Lan, Phumtham Wechayachai, nói rằng chính phủ nước này dự kiến sẽ quyết định những biện pháp cần thiết vào cuối tháng này trong bối cảnh hàng Trung Quốc giá rẻ đang gây tổn hại nặng nề cho các doanh nghiệp địa phương.
Chính phủ mới của Thái Lan sẽ thành lập một ủy ban mới để đối phó với tình trạng hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào thị trường trực tuyến và truyền thống. Trước đó, vấn đề này do nhiều cơ quan khác nhau cùng xử lý như Bộ Nông nghiệp, Bộ Kinh tế số và xã hội, Bộ Công nghiệp, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và cục điều tra đặc biệt.
Theo ông Phumtham, nếu cần thiết, Thái Lan sẽ áp dụng các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) như thỏa thuận chống bán phá giá.
“Chúng tôi sẽ sớm tổ chức một cuộc họp để cho phép các doanh nghiệp nhỏ và vừa trao đổi về những vấn đề họ gặp phải do làn sóng sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc tràn vào”, ông Phumtham nói.
Bộ Thương mại Malaysia cũng đang xem xét lại luật chống bán phá giá và có kế hoạch trình lên quốc hội vào năm tới.
Vấn đề cân bằng trong quan hệ thương mại với Trung Quốc
Tuy nhiên, song song với đó, chính phủ các nước Đông Nam Á cũng phải đối mặt với một vấn đề khác. Họ cần đảm bảo rằng các biện pháp hỗ trợ ngành sản xuất trong nước sẽ không tác động tiêu cực đến quan hệ thương mại với Trung Quốc hoặc các ngành kinh tế khác.
Theo Thứ trưởng Thương mại Malaysia Liew Chin Tong, giới chức nước này sẵn sàng phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp để nghiên cứu tác động của các sản phẩm giá rẻ nhập khẩu đối với các doanh nghiệp địa phương. Nhưng ông cũng nói thêm rằng chính phủ không nhắm vào các quốc gia riêng lẻ. Tín hiệu này cho thấy sự cân bằng tinh tế mà Malaysia phải duy trì để thu hút thương mại trong khi vẫn đảm bảo khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất.
Sự thận trọng này là dễ hiểu, bởi Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Kuala Lumpur, và theo thứ trưởng Liew “sự hợp tác giữa Trung Quốc và Malaysia có thể mang lại lợi ích cho các doanh nhân địa phương thông qua chuỗi cung ứng và các cơ hội kinh doanh”. Thương mại giữa hai nước trong bốn tháng đầu năm nay đã tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 151 tỉ ringgit (29,8 tỉ đô la).
Tại Thái Lan, các nỗ lực hỗ trợ ngành sản xuất cũng bao gồm cả việc kêu gọi sự hợp tác từ phía Trung Quốc – đối tác hàng đầu, với tổng kim ngạch thương mại song phương lên tới 135 tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái.
Bộ trưởng Thương mại tạm thời của Thái Lan, Phumtham Wechayachai, cho biết nước này đã có một số cuộc đàm phán sơ bộ với đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan và tùy viên thương mại Trung Quốc về tác động tiêu cực của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, đặc biệt là nền tảng chợ điện tử Temu.
Theo ông Phumtham, tại cuộc họp, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã hứa sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán sâu hơn giữa chính quyền Thái Lan và các nhà điều hành những nền tảng thương mại trực tuyến Trung Quốc.
Còn tại Indonesia, đang có nhiều ý kiến lo ngại rằng việc áp dụng mức thuế quan cao hơn có thể khiến các nhà sản xuất Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào các nhà máy tại nước này, nhưng cũng có thể phản tác dụng, dẫn đến các động thái trả đũa từ Bắc Kinh. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia với kim ngạch thương mại hai chiều vượt mức 127 tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái. Do vậy, hồi tháng 7, Chính phủ Indonesia cho biết đã thành lập một lực lượng chuyên trách để giám sát, xử lý các vấn đề liên quan đến một số mặt hàng nhập khẩu.
Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, Indonesia từng ban hành quy định thắt chặt việc giám sát đối với hơn 3.000 mặt hàng nhập khẩu, bao gồm thực phẩm, đồ điện tử và hóa chất. Tuy nhiên, các quy định này sau đó đã bị dỡ bỏ, do ảnh hưởng đến dòng nguyên liệu nhập khẩu cần thiết cho sản xuất trong nước.
Ông Jany Suhertan, Giám đốc điều hành của PT Eksonindo Multi Product Industry, công ty sản xuất quần áo và phụ kiện ở Tây Java, đề nghị chính phủ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa thành phẩm từ Trung Quốc nhưng không tăng thuế đối với nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất sản phẩm tại Indonesia. Lý do là bởi, gần một nửa số nguyên liệu mà công ty ông sử dụng là từ Trung Quốc.
Nguồn: AP News, Nikkei Asia, Malaymail, Bloomberg, Bangkok Post, Newsweek