(KTSG Online) - Các quỹ quản lý tài sản đang tìm cách thanh lý các tòa nhà thương mại của họ ở Hồng Kông trong bối cảnh lãi suất cao gây áp lực lên chi phí thanh toán lãi vay thế chấp, vốn đang cao hơn thu nhập cho thuê ở một số tòa nhà.
- Giá thuê văn phòng ở Hồng Kông sụt giảm, các công ty hào hứng ‘đổi nhà’
- Hồng Kông đang đánh mất hình ảnh thiên đường mua sắm
Kế hoạch thanh lý cao ốc thương mại ở Hồng Kông được đưa ra khi các khoản vay thế chấp sắp đến thời kỳ đảo nợ (vay nợ mới để trả nợ cũ). Các nguồn tin trên thị trường tín dụng và bất động sản cho hay, khả năng đảo nợ ở các khoản vay thế chấp này trở nên khó khăn hơn khi giá trị vốn chủ sở hữu của cao ốc thương mại giảm nhanh chóng.
Sau khi Hồng Kông tái mở cửa hồi đầu năm nay, đà phục hồi của thị trường bán và cho thuê bất động sản thương mại ở thành phố này yếu hơn dự kiến do lãi suất tăng và nền kinh tế toàn cầu và Trung Quốc trì trệ.
Giá bán các cao ốc văn phòng ở Hồng Kông giảm hơn 30% kể từ mức đỉnh điểm vào năm 2019 khi các cuộc biểu tình phản đối chính quyền và tiếp đó là chính sách hà khắc để kiểm soát Covid-19 khiến nhiều công ty quốc tế phải thu hẹp quy mô hoặc rời khỏi trung tâm tài chính châu Á.
Giá thuê văn phòng trung bình ở Hồng Kông cũng giảm 34% và tỷ lệ trống tăng lên 17,3% vào cuối tháng 6, theo dữ liệu từ Công ty dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield.
Các nguồn tin cho biết, một số nhà quản lý tài sản lớn bắt đầu rao bán các tòa nhà văn phòng ở Hồng Kông với giá chiết khấu. Theo hai nguồn thạo tin, KaiLong Group dự kiến rao bán hai tài sản, đều có khoản vay thế chấp đáo hạn trong năm nay, vào cuối tháng này.
Một tài sản là tòa tháp hạng A mới cao 25 tầng ở khu Trung Hoàn. Tài sản thứ hai cũng là tòa nhà thương mại 25 tầng với 41 chỗ đậu xe ở quận Loan Tể.
Các nguồn tin cho hay, KaiLong muốn thu về ít nhất 2,75 tỉ đô la Hồng Kông (350 triệu đô la Mỹ) từ giao dịch bán hai tải sản này. Họ cho biết thêm, giá chào bán tòa nhà ở Loan Tể thấp hơn giá thị trường hơn 20%.
Ivan Ho, CEO của KaiLong tại Hồng Kông, nói với Reuters rằng công ty đưa ra quyết định bán tài sản không phải vì “triển vọng kinh doanh tồi tệ”. Ông nói đây chỉ là một hoạt động tiếp thị bình thường khi tài sản đã sẵn sàng để bán.
Các nhà môi giới nhận định một số nhà đầu tư có rất ít động lực để tiếp tục nắm giữ các cao ốc văn phòng ở Hồng Kông vốn đã rơi vào tình trạng dòng tiền âm do chi phí lãi vay cao hơn thu nhập cho thuê.
Chính sách tiền tệ của Hồng Kông bám sát chính sách lãi suất của Mỹ, do giá của đồng nội tệ được neo với đô la Mỹ. Lãi suất liên ngân hàng ở Hồng Kông cũng tăng vọt trong năm nay và hiện dao động quanh mức của năm 2009.
Nhu cầu mua cao ốc văn phòng cũng giảm do tình trạng không chắc chắn về lãi suất, điều kiện tín dụng thắt chặt hơn và nhu cầu tái cấp vốn tăng cao khiến giới đầu tư thận trọng hơn.
Theo hãng tư vấn bất động sản CBRE, thị trường Hồng Kông chứng kiến đầu tư bất động sản thương mại giảm 65%, xuống còn 4,7 tỉ đô la Hồng Kông trong quý 2. Đây là con số đầu tư hàng quý thấp nhất trong 14 năm.
Tổng đầu tư bất động sản thương mại của thành phố trong nửa đầu năm cũng rơi xuống nhất trong khoảng thời gian sáu tháng của bất kỳ năm nào kể từ năm 2009, dữ liệu của CBRE cho thấy.
“Hiện có nhiều cao ốc thương mại rao bán trên thị trường nhưng điều đó không có nghĩa là giao dịch sẽ tăng lên vì kỳ vọng về giá giữa bên mua và bên bán ngày càng chênh lệch và rất khó để huy động vốn vay để mua các tài sản thương mại”, Tom Ko, Giám đốc thị trường vốn của Cushman & Wakefield Hong Kong, nói.
Theo Reuters