(KTSG Online) - Origin Materials và Newlight Technologies, hai công ty khởi nghiệp (startup) của Mỹ, đã “nhốt” khí carbon và metan vào các nguyên liệu sử dụng để sản xuất sản phẩm tiêu dùng như dao nĩa, ống hút, áo quần, đồ chơi, linh kiện ô tô, lốp xe... Nỗ lực của họ đang góp phần loại bỏ bớt các hóa chất độc hại trong sản xuất công nghiệp, vốn là một trong những lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn nhất toàn cầu.
- Đông Nam Á cần đầu tư 2.000 tỉ đô la cho nền kinh tế xanh để giảm khí thải nhà kính
- Samsung đầu tư 5 tỉ đô la Mỹ cắt giảm khí thải nhà kính
- Doanh nghiệp niêm yết phải báo cáo số liệu về phát thải khí nhà kính
Hoạt động sản xuất ống hút, chai đựng, bao bì, linh kiện ô tô... từ nguyên liệu có chứa khí nhà kính bị thu giữ đang bắt đầu đạt đến quy mô thương mại ở Mỹ. Chỉ riêng Origin Materials đã ký kết được các đơn hàng có tổng giá trị lên đến 9 tỉ đô la Mỹ.
Điều này mở ra cho các doanh nghiệp con đường sản xuất và sử dụng các sản phẩm hàng ngày thân thiện với môi trường, góp phần hạn chế hiện tượng nóng lên trên toàn cầu do các khí thải nhà kính như carbon và metan gây ra.
Việc “khóa” khí nhà kính trong các thành phần nguyên liệu của sản phẩm có thể tốn kém so với các lựa chọn nguyên liệu có nguồn gốc từ dầu mỏ. Một thách thức khác cho nỗ lực này là cần phải xây dựng đủ cơ sở hạ tầng để thu giữ khí thải nhà kính. Dù vậy, các doanh nghiệp lớn ngày càng sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm giúp giảm lượng phát thải carbon.
Origin Materials và Newlight Technologies đang cố gắng đáp ứng nhu cầu đó bằng cách thiết lập các nhà máy sử dụng khí thải nhà kính thu gom được từ nhiều nguồn để sản xuất thành phần nguyên liệu của các sản phẩm như quần áo, lốp xe và chai nhựa. Hai startup này đã ký thỏa thuận với tập đoàn bán lẻ Target, hãng xe Ford và các công ty khác để giúp họ giảm lượng khí thải trong chuỗi cung ứng bằng việc sử dụng hàng hóa của họ.
Mark Herrema, Giám đốc điều hành Newlight, có trụ ở ở bang California, nói: “Nếu có thể sử dụng lượng khí thải carbon làm nguồn tài nguyên để tạo ra các sản phẩm hữu ích, thì chúng ta sẽ tạo ra một lộ trình giảm lượng carbon trong không khí dựa vào tiêu dùng”.
Theo Herrema, việc tìm nguồn cung ứng và vận chuyển nguyên liệu đầu vào khí carbon thu được đóng vai trò rất quan trọng để chứng nhận carbon âm tính cho một sản phẩm (nghĩa là nhiều carbon được lưu trữ hơn là được tạo ra trong quá trình sản xuất sản phẩm).
Năm 2020, Newlight khai trương nhà máy quy có mô thương mại đầu tiên tại Huntington Beach, California. Nhà máy này sản xuất bộ dao nĩa muỗng, chén và và ống hút cho chuỗi nhà hàng Shake Shack, hãng truyền thông và giải trí Walt Disney, Tập đoàn khách sạn Hyatt Hotels cùng nhiều công ty khác. Đến nay, nhà máy đã sản xuất hơn 50 triệu đơn vị sản phẩm.
Các sản phẩm của Newlight có giá cạnh tranh với các lựa chọn bền vững khác. Herrema hy vọng chi phí của Newlight sẽ giảm thêm khi quy mô sản xuất tăng lên. Ông cho biết có nhiều nguồn phát thải khí nhà kính nhưng vấn đề hiện nay là cần có thêm cơ sở hạ tầng để thu giữ chúng.
Newlight đã mất 10 năm để phát triển một quy trình sử dụng vi sinh vật ăn metan và carbon, hai loại khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu. Các vi sinh vật này sẽ chuyển hóa metan hoặc carbon thành nguyên liệu sinh học, có tên gọi polyhydroxybutyrate (PHB), có thể uốn cong và đúc mẫu giống như nhựa. Các sản phẩm tiêu dùng làm từ PHB thân thiện với môi trường nhờ có khả năng phân hủy sinh học.
Newlight thu gom khí nhà kính từ các trang trại bò sữa, nhà máy sản xuất ethanol và bãi chôn lấp. Công ty đang tìm kiếm khí nhà kính từ các mỏ than đồng thời nghiên cứu cách thu giữ khí carbon trực tiếp từ khí quyển.
Herrema cho biết Newlight đang đàm phán với hãng đồ thể thao Nike (Mỹ) và Sumitomo Chemical, nhà cung cấp hóa chất của Nhật Bản, để sử dụng nguyên liệu của Newlight trong ngành may mặc và máy móc ô tô. Trước đây, Newlight đã ký các thỏa thuận cung cấp bao bì cho tập đoàn bán lẻ nội thất IKEA và hãng sản xuất máy tính Dell Technologies. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Newlight quyết định tập trung phục vụ nhu cầu của các công ty thời trang, ô tô và nhà hàng.
Nhà máy tiếp theo của Newlight dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2025 tại bang Ohio. Thông qua thỏa thuận với Công ty CNX Resources, Newlight sẽ khai thác khí metan từ một mỏ than ở đây để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy. Mỏ than này là một trong năm mỏ có hệ thống thu hồi metan trong số hơn 2.000 mỏ than trên khắp Mỹ.
Origin Materials, đối thủ cạnh tranh của Newlight, có cách tiếp cận khác để thu giữ khí thải nhà kính. Thông qua một quy trình hóa học, Origin Materials chuyển đổi carbon được tìm thấy trong các phế phẩm gỗ thành nguyên liệu có đặc tính như nhựa PET để sử dụng cho các sản phẩm cuối cùng như áo quần, bao bì, linh kiện ô tô, lốp xe, đồ chơi...
John Bissell, đồng Giám đốc điều hành Origin Materials, cho biết các sản phẩm của công ty có chi phí cạnh tranh với các phiên bản có nguồn gốc từ dầu mỏ vì nguyên liệu mà công ty sử dụng rất dồi dào và rẻ tiền.
Công ty này đang lên kế hoạch đưa nhà máy quy mô thương mại đầu tiên đi vào hoạt động vào năm tới. Origin Materials, có trụ sở tại West Sacramento, California đã có các đơn đặt hàng trị giá 9 tỉ đô la Mỹ từ các công ty bao gồm Primaloft và hãng xe Ford. Origin Materials sẽ sản xuất bộ đồ chăn ga gối nệm cho Primaloft và các linh kiện ô tô cho Ford. Công ty dự kiến có lãi vào năm 2025 sau khi khai trương nhà máy quy mô thương mại thứ hai.
Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), lĩnh vực hàng tiêu dùng là nguồn phát thải khí nhà kính công nghiệp lớn thứ ba trên toàn cầu và đang phát thải ngày càng nhiều hơn trừ khi các công nghệ mới được sử dụng rộng rãi.
Các nhà phân tích ngành công nghiệp hóa chất nhận định, nỗ lực tạo ra các hóa chất thu giữ khí thải nhà kính đang đối mặt với hai thách thức lớn là giảm chi phí đủ nhanh để cạnh tranh với các hóa chất có nguồn gốc dầu mỏ và tìm đủ nguồn cung ứng.
Mitch Toomey, Phó chủ tịch phụ trách bộ phận bền vững và chăm sóc có trách nhiệm tại Hội đồng Hóa chất Mỹ (ACC), nói: “Thị trường nhiên liệu và sản phẩm làm từ khí carbon thu giữ vẫn còn tương đối hạn chế do hạn chế về công nghệ và chi phí”.
Theo WSJ