(KTSG Online) – Các địa phương miền Trung sẽ phát triển nhóm sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của khách du lịch Hàn Quốc trong thời gian sắp tới. Đó là đi du lịch theo nhóm nhỏ tối đa 4 ngày, ở tại các khu nghỉ dưỡng sinh thái, khép kín và chấp nhận trả tiền cho dịch vụ cao cấp.
Thông tin này được ghi nhận tại buổi hội thảo trực tuyến giới thiệu du lịch 4 địa phương (Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam) đến thị trường Hàn Quốc, được tổ chức chiều 22-11. Hội thảo có sự tham gia của ông Nguyễn Vũ Tùng, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, ông Ahn Min Sik, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng cùng hơn 150 khách mời là doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc.
Hội thảo được tổ chức ngay khi Quảng Nam và Đà Nẵng công bố và triển khai phương án đón khách quốc tế sau chủ trương đồng ý từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cùng thời điểm, nhiều đối tác lữ hành Hàn Quốc bày tỏ mong muốn tổ chức chuyến bay thuê chuyến và các tour trọn gói khép kín cho khách hàng trong dịp cao điểm du lịch cuối năm 2021 và Tết Dương lịch 2022.
Thị hiếu của khách Hàn Quốc sau dịch
“Chúng tôi thấy được sự háo hức đi du lịch Việt Nam của người Hàn Quốc. Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ đồng hành để kết nối trong khôi phục du lịch, giao lưu nhân dân để du lịch có thể khôi phục quay trở lại thời điểm trước khi dịch xảy ra”, ông Nguyễn Vũ Tùng nói. Ông cho biết từ tour đón khách quốc tế đầu tiên đến Phú Quốc vừa qua, các địa phương miền Trung có thể rút kinh nghiệm để đón khách an toàn, thực hiện mục tiêu kép.
Về thị hiếu của khách Hàn Quốc khi đi du lịch sau khi dịch được kiểm soát, ông Nam Dukhyun từ Công ty CH Commons chia sẻ, trong một cuộc khảo sát mới đây, có 66% người Hàn Quốc có kế hoạch đi du lịch trở lại từ 1 - 4 ngày. Bên cạnh đó, 53% người Hàn Quốc thích du lịch nghỉ dưỡng trong khi 43% thăm gia đình, bạn bè và 22% chơi thể thao ngoài trời.
“Có vẻ như nhiều người Hàn Quốc đang muốn đi du lịch trong thời điểm hiện nay”, ông phân tích. “Họ có nhu cầu du lịch cao cấp, an toàn. Sẽ có những nhóm khách hàng chấp nhận trả tiền nhiều cho dịch vụ đẳng cấp. Vì vậy các điểm du lịch khép kín, không tiếp xúc người ngoài, gần với thiên nhiên sẽ thu hút", ông nói.
Chia sẻ thêm về khách Hàn Quốc, ông Ahn Min Sik, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng, cho rằng Miền Trung và Đà Nẵng trước đây là nơi tiêu biểu mà người Hàn Quốc muốn đến.
Số lượng khách du lịch Hàn Quốc đến miền Trung Việt Nam vào năm 2015 là khoảng 210.000 người, năm 2016 khoảng 470.000 người, năm 2017 khoảng 870.000 người và năm 2018 khoảng 1,5 triệu người. Như vậy, mỗi năm lượng khách du lịch Hàn Quốc đều tăng lên rất nhiều lần.
Đến năm 2019 có 1, 8 triệu khách du lịch Hàn Quốc đến miền Trung, chiếm 41% tổng khách du lịch Hàn Quốc đến nước Việt Nam trong cả năm. Thế nhưng, từ sau tháng 3 năm 2020, khách du lịch Hàn Quốc đã ngừng đến Việt Nam do sự bùng phát của dịch Covid-19. “Tuy nhiên, việc khách Hàn Quốc rất thích du lịch đến miền Trung Việt Nam là điều đã được xác nhận”, ông Ahn Min Sik nói và đưa ra ví dụ như tháng 1-2021, trên một trang Homeshopping Hàn Quốc, một tour du lịch Đà Nẵng đã bán được 5.000 phòng chỉ trong vòng một giờ.
Ông Ahn Min Sik cho rằng qua những cón số trên có thể thấy rằng nhu cầu về du lịch trong ngoài nước Hàn Quốc vẫn cao như trước dù trải qua một thời gian dài bị kìm nén bởi Covid-19, và chỉ cần mở cửa trở lại thì khách du lịch Hàn Quốc sẽ lại tìm đến miền Trung Việt Nam nhiều như trước kia.
Ông cũng chia sẻ thêm rằng về việc lựa chọn địa điểm du lịch, khách du lịch sẽ có xu hướng chọn những nơi có không gian tự do thoải mái, so với những nơi quá đông đúc khách du lịch. Bên cạnh đó, việc địa phương kiểm soát dịch ở mức độ nào, hoặc khả năng tiếp cận với những thông tin liên quan và mức độ an toàn cũng sẽ trở thành điểm thu hút của địa phương đó đối với khách du lịch.
Đáp ứng nhu cầu trong an toàn
Sau khi nghe những thông tin từ phía Hàn Quốc, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cho biết Huế sẽ đa dạng hóa sản phẩm theo xu hướng nói trên để đáp ứng nhu cầu của du lịch Hàn Quốc.
Ông Phúc cũng thông tin thêm là hiện 90% trong số 7.000 nhân viên du lịch tại Huế đều đã tiêm 2 mũi vaccine. Vì vậy, các công ty hoàn toàn có khả năng cung cấp một tour khép kín, an toàn, tạo sự yên tâm cho du khách. Các tour này sẽ kết nối các khu khép kín như khu nghĩ dưỡng gần đầm phá hay suối khoáng nóng.
Ông Phúc cho biết khi đón chuyến bay quốc tế đầu tiên vào cuối tháng 12-2021, Huế sẽ có những lựa chọn đưa khách về khu nghỉ dưỡng biển Laguna Lăng Cô, hoặc suối khoáng nóng Thanh Tân, các khu nghỉ dưỡng cao cấp khác. Một số khách sạn lớn cũng sẽ được đưa vào tour khép kín, bao gồm các điểm tham quan, xem trình diễn áo dài và trải nghiệm thiên nhiên, ẩm thực địa phương.
Về phía Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch, cho biết Việt Nam đang tích cực tái khởi động du lịch quốc tế với phương châm “an toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn”.
Văn phòng chính phủ đã đồng ý cho 5 địa phương là Đà Nẵng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam và Quảng Ninh thí điểm mở cửa đón khách theo 3 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 11-2021. Giai đoạn thí điểm ban đầu sẽ có tính quyết định đối với khả năng Việt Nam mở cửa rộng rãi cho khách quốc tế từ tháng 6-2022. Vì vậy, theo ông Bình, Đà Nẵng đã có những bước chuẩn bị thận trọng gồm xây dựng quy trình, phương án ứng phó và đảm bảo độ phủ vaccine cho đội ngũ phục vụ du lịch nhằm đảm bảo mở cửa đón khách an toàn.
“Đà Nẵng sẽ sớm gửi hướng dẫn cụ thể đến các công ty, tổ chức đón khách quốc tế trong chương trình thí điểm. “Ngoài đảm bảo tiêm đầy đủ vaccine, du khách phải có bảo hiểm Covid-19 tối thiểu 50.000 đô la và buộc tham gia tour trọn gói của công ty lữ hành”, ông Bình thông tin thêm.