(KTSG Online) – Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp có thể gặp khó khăn, thậm chí suy giảm nội lực nếu các cơ quan quản lý chỉ tập trung kiểm soát tỷ lệ lạm phát dưới mức trần là 4%.
- Thực hiện thận trọng, đồng bộ các chính sách tiền tệ, tài khóa để kiểm soát lạm phát
- Lạm phát cao khiến IMF hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu, cảnh báo suy thoái
Lạm phát là từ được nhiều chuyên gia nhắc tới tại buổi làm việc giữa Thủ tướng với các bộ, ngành về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô chiều 30-7 cũng như tại một số hội thảo, tọa đàm diễn ra gần đây.
TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, cho biết áp lực lạm phát với kinh tế Việt Nam tới từ năm yếu tố, gồm gia tăng về giá cả; gia tăng yếu tố bất định như chiến tranh, dịch bệnh; gia tăng rủi ro tài chính tiền tệ, rủi ro cho hệ thống ngân hàng khi nợ tư nhân và nghĩa vụ trả nợ tăng cao; gia tăng về rủi ro an ninh lương thực và an ninh năng lượng; giảm đà phục hồi tăng trưởng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có cơ hội kiểm soát tốt lạm phát nhờ ba yếu tố.
Nhiều dự báo trên thế giới đang cho rằng giá xăng sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới. “Giá xăng giảm sẽ giúp giá cả các nguyên vật liệu đầu vào khác dịu bớt đi, từ đó giảm áp lực chi phí đẩy cho Việt Nam”, ông Lực nói.
Ngoài ra, Chính phủ đang đảm bảo tốt nguồn cung các đầu vào thiết yếu cho nền kinh tế, đặc biệt là lương thực thực phẩm. Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế trong giai đoạn biến động.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp điều hành chính sách giữa các bộ, ngành được tiến hành khá tốt, giúp cho lạm phát 6 tháng đầu năm không tăng cao. Cụ thể, một số động thái điều hành chính sách linh hoạt đã được áp dụng như giảm thuế, phí với xăng dầu để hạ nhiệt giá xăng; kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực phi sản xuất.
Tương tự, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luỹ kế 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,44% trong bối cảnh nền kinh tế phải đối diện với thách thức từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng và rủi ro về an ninh lương thực, an ninh năng lượng là yếu tố cho thấy Việt Nam có nguồn lực và dư địa để kiểm soát lạm phát nếu chỉ số này tăng thêm 1–2% trong thời gian tới.
Với những cơ sở này, ông Trần Đình Thiên bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của các cơ quan quản lý về việc phải giữ ổn định vĩ mô.
Nhưng khái niệm “ổn định vĩ mô”, theo ông Thiên, không chỉ tập trung vào kiểm soát lạm phát.
“Lạm phát được duy trì ở mức thấp mà nền kinh tế bất ổn, doanh nghiệp chưa thể phục hồi thì liệu có thể gọi là ổn định vĩ mô”, ông Thiên nói. Ông lưu ý các cơ quan quản lý xem xét một số yếu tố gồm độ hiệu quả của các công cụ điều hành chính sách, khả năng phục hồi của doanh nghiệp, rủi ro của hệ thống ngân hàng.
Theo đó, tâm lý quá lo sợ lạm phát dẫn tới siết chặt cung tiền sẽ làm chậm quá trình phục hồi của phần lớn doanh nghiệp - vốn chịu nhiều tổn thương sau 2 năm dịch bệnh.
“Điều này kéo theo khả năng trả nợ của doanh nghiệp thấp, gia tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Bất ổn vĩ mô gây ra bởi điều này còn đáng sợ hơn rủi ro lạm phát tăng cao, vì khi hậu quả xảy đến sẽ phải mất thời gian hàng chục năm để giải quyết”, ông Thiên cảnh báo.
Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), cho rằng việc ổn định vĩ mô xuất phát từ nhiều yếu tố gồm lạm phát, hệ thống tài chính, cán cân thanh toán, tiêu dùng, tiết kiệm, đầu tư.
Với bối cảnh hiện tại, ông Thành kiến nghị các cơ quan quản lý điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, làm sao hạn chế lạm phát nhưng không được bỏ quên nhiệm vụ hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng.
“Sự linh hoạt của chính sách tiền tệ không phải siết chặt lại để bớt lạm phát mà thể hiện trong việc chuyển dịch tín dụng vào các ngành, các lĩnh vực cần thiết, ví dụ như doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu theo chuỗi giá trị chất lượng cao”, ông Thành lưu ý.
Cũng theo chuyên gia này, một yếu tố không thể tách rời khỏi ổn định vĩ mô là sức chống chịu của nền kinh tế, đặc biệt khi nền kinh tế vừa trải qua biến động chưa từng thấy và tiếp tục phải đối diện với những biến động khó lường.
“Sức chống chịu của nền kinh tế được đảm bảo bởi những chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, chính sách phản ứng với những cú sốc bất thường như dịch bệnh, biến động địa chính trị”, ông Thành lưu ý.
Để vừa kiểm soát lạm phát, vừa duy trì đà phục hồi kinh tế, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, đề xuất 4 giải pháp cần triển khai.
Tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa rủi ro y tế, đặc biệt trong bối cảnh rất dễ xảy ra nguy cơ “dịch chồng dịch” như hiện nay. Trong đó, việc tiêm phủ các mũi vaccine nhắc lại cần được tiến hành một cách nghiêm túc.
Có chính sách điều tiết giá các loại hàng hóa có tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) gồm giao thông vận tải, lương thực thực phẩm và vật liệu xây dựng - vốn chiếm đến 80% mức tăng CPI trong thời gian vừa qua.
Với mặt hàng xăng dầu, ông Lực đề xuất giảm tiếp 30% các loại thuế, phí còn lại, qua đó giảm 0,41% CPI và đóng góp 0,57% cho tăng trưởng GDP.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh những giải pháp như giảm thuế, giảm phí hỗ trợ xóa đói giảm nghèo trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, làm tăng chi phí sinh hoạt của nhóm lao động phổ thông, người có thu nhập thấp và người yếu thế trong xã hội.
Bên cạnh đó, cần liên tục đảm bảo nguồn cung các loại hàng hóa cần thiết, tránh trường hợp thiếu đầu vào cho sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, kiểm soát giá cả các loại hàng hóa có liên quan trực tiếp với giá xăng dầu.
Về dài hạn, ông Lực nhấn mạnh hai nhiệm vụ trọng tâm gồm tăng tính chống chịu của nền kinh tế thông qua đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng và đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế.
“Việc cơ cấu lại nền kinh tế sẽ giúp giải tỏa nhiều dự án tồn đọng, bỏ hoang, từ đó tạo ra nguồn lực thêm cho phát triển”, ông Lực nói.