Chủ Nhật, 6/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cần bảo đảm minh bạch hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần bảo đảm minh bạch hơn

Luật gia Vũ Xuân Tiền

(TBKTSG) - Dự thảo Luật Bưu chính, nhằm thay thế cho Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông năm 2002, đã được trình và xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Dự thảo mới của Luật Bưu chính (dự thảo) đã hoàn thành ngày 26-2-2010 và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 sắp tới. Dự thảo luật về cơ bản đã đạt yêu cầu, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm sự minh bạch cao hơn nữa.

Cụ thể như sau:

Trước hết, về giải thích từ ngữ tại điều 3 của dự thảo luật, nhiều ý kiến đề nghị trước khi giải thích các từ ngữ khác, cần giải thích khái niệm bưu chính. Bởi lẽ, khi khái niệm bưu chính chưa được giải thích thì các khái niệm sau đó như hoạt động bưu chính, dịch vụ bưu chính, dịch vụ bưu chính công ích... đều chưa được giải thích và được hiểu đầy đủ. Theo từ điển Tiếng Việt phổ thông, bưu chính là một lĩnh vực hoạt động thuộc ngành bưu điện, đảm bảo việc chuyển thư từ, báo chí, kiện hàng...

Thứ hai, về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, không được vận chuyển qua mạng bưu chính: khoản 4, điều 12 dự thảo quy định: “Vật phẩm, hàng hóa bị cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế”. Quy định như dự thảo là không rõ ràng. Cần quy định cụ thể hơn: những vật phẩm, hàng hóa nào bị cấm vận chuyển bằng đường bưu chính? Theo quy định của pháp luật Việt Nam là luật nào? Pháp luật quốc tế là luật nào?

Đây là vấn đề rất quan trọng có liên quan chặt chẽ tới quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quy định tại khoản 4, 7, 9 điều 30; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ bưu chính theo điều 31 của dự thảo luật.

Thứ ba, khoản 2, điều 18 dự thảo quy định: “Bưu gửi bị coi là không có người nhận trong trường hợp không phát được cho người nhận theo quy định tại khoản 1, điều 17 của luật này và cũng không hoàn trả được cho người gửi theo quy định tại khoản 1 điều này...”. Đề nghị làm rõ: những bưu gửi đó sẽ được xử lý như thế nào để tránh tình trạng doanh nghiệp bưu chính cố tình tạo ra tình trạng “không có người nhận” và “không hoàn trả được” để chiếm đoạt bưu gửi.

Thứ tư, về cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính.

Điều 22 dự thảo quy định về điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp bưu chính nhưng rất chung chung, chỉ định tính, khó có thể định lượng. Chẳng hạn, thế nào là “có khả năng tài chính, tổ chức bộ máy đáp ứng quy mô của phương án kinh doanh để triển khai giấy phép”? Thế nào là “phương án kinh doanh khả thi và phù hợp với các quy định về giá cước, chất lượng dịch vụ bưu chính”? Vì vậy, chắc chắn sẽ dẫn đến sự tùy tiện và tiêu cực trong việc cấp giấy phép.

Nhiều ý kiến đề nghị bỏ giấy phép này. Bởi lẽ, khoản 1 điều 34 dự thảo luật đã quy định: “Thủ tướng Chính phủ chỉ định một doanh nghiệp bưu chính của Nhà nước quản lý mạng bưu chính công cộng và thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo nhiệm vụ, kế hoạch mà Nhà nước giao”.

Những dịch vụ còn lại do các doanh nghiệp khác thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia và phải vận hành theo cơ chế thị trường. Hơn nữa, hoạt động bưu chính cũng không phải là một lĩnh vực có quá nhiều điểm đặc thù đòi hỏi phải cấp giấy phép như ngân hàng, chứng khoán, xổ số... Do đó, giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính sẽ là một giấy phép con không có nội dung, không cần thiết.

Thứ năm, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp bưu chính, khoản 2, điều 42 dự thảo luật quy định: “Mức bồi thường thiệt hại do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính xây dựng, công bố và áp dụng không được thấp hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định”. Quy định nêu trên không rõ ràng và không hợp lý. Bởi lẽ, mức bồi thường không thể “do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính xây dựng, công bố” mà phải theo một quy định rõ ràng, chặt chẽ của pháp luật.

Hơn nữa, yêu cầu “không được thấp hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định” cũng không rõ ràng. Câu hỏi đặt ra là: đó là quy định nào. Quy định của Bộ luật Dân sự hay theo thỏa thuận trong hợp đồng?

Khoản 5, điều 42 dự thảo luật quy định: “Không bồi thường các thiệt hại gián tiếp hoặc những nguồn lợi không thu được do việc cung ứng dịch vụ không bảo đảm thời gian và chất lượng gây ra”. Để bảo đảm sự minh bạch hơn, đề nghị sửa lại “Không bồi thường đối với những nguồn lợi không thu được...”. Những thiệt hại gián tiếp nhưng xác định được thì doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính vẫn phải bồi thường.

Ví dụ, một công ty cổ phần tổ chức, họp đại hội đồng cổ đông và gửi giấy mời qua doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính. Song, do doanh nghiệp chuyển bưu gửi chậm thời gian nên đại hội không thực hiện được. Chi phí cho việc tổ chức đại hội đã phải chi và xác định được. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính phải bồi thường.

Thứ sáu, dự thảo luật không có điều khoản nào quy định về dịch vụ phát chuyển nhanh, trong khi đó, phát chuyển nhanh là dịch vụ bưu chính đang phát triển khá mạnh hiện nay. Song, không ít doanh nghiệp chỉ đặt tên là “phát chuyển nhanh” để được tính giá cước cao hơn, còn chất lượng dịch vụ lại là “phát chuyển chậm”. Vì vậy, rất cần bổ sung vào dự thảo luật điều khoản về dịch vụ phát chuyển nhanh với những nội dung: thế nào là phát chuyển nhanh; trách nhiệm của doanh nghiệp phát chuyển nhanh và nguyên tắc xác định cước phí phát chuyển nhanh...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới