Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần cách ứng xử văn hoá cho vấn đề văn hoá!

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hai cơ quan ngành văn hoá – thể thao bị phê bình trên mạng xã hội và báo chí về một số việc liên quan đến chuyên môn của họ. Phản ứng của hai nơi này là phủ nhận những ý kiến đóng góp và có nơi còn tuyên bố sẽ “làm việc với các cơ quan có thẩm quyền về an ninh mạng để xử lý những người đã đăng tải những thông tin”, trong khi những ý kiến đóng góp này không phải là quy chụp hay không có cơ sở.

Sau khi bộ nhận diện SEA Games 31 được công bố chính thức trên website của Tổng cục Thể dục Thể thao thuộc Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tại địa chỉ https://tdtt.gov.vn/bo-nhan-dien-đai-hoi, có nhiều ý kiến góp ý về thiết kế, thẩm mỹ và cả về việc sai ngữ pháp, chính tả tiếng Anh.

Phản hồi các ý kiến này, hôm 21-3 trên website Tổng cục Thể dục Thể thao đăng thông tin cho rằng các góp ý đó là sai sự thật. Theo bản tin này thì “Mới đây, trên một số trang mạng xã hội, chủ yếu là từ facebook của một vài cá nhân đã phát tán về hình ảnh Bộ nhận diện SEA Games 31. Những lời lẽ, ngôn từ mà nhóm người này nhận định về thiết kế, màu sắc, bố cục của Bộ nhận diện thương hiệu SEA Games 31 là phiến diện, không đúng”. Bản tin còn nhấn mạnh: “Tất cả Bộ nhận diện của SEA Games 31 gồm logo (biểu tượng), mascot (linh vật), khẩu hiệu, hình ảnh biểu tượng các môn đều được phê duyệt và đảm bảo tính pháp lý”(1).

Tối 21-3, người viết bài này đã tải trực tiếp từ website Tổng cục Thể dục Thể thao file của bộ nhận diện thương hiệu này để kiểm chứng. Chưa bàn tới các góp ý về chuyên môn liên quan đến mỹ thuật, bộ nhận diện thương hiệu mang bộ mặt quốc gia này lại còn đầy lỗi chính tả tiếng Anh. Ba lỗi sơ đẳng nhất đập ngay vào mắt người xem là mẫu giấy chứng nhận dùng chữ  “certififate” (chữ đúng phải là certificate), “recoginition” (chữ đúng là recognition và “athele” (chữ đúng là athlete).

Cũng theo website của Tổng cục Thể dục Thể thao: “Trải qua nhiều vòng chấm thi, các chuyên gia đầu ngành về thể thao, về mỹ thuật mới có thể lựa chọn được những tác phẩm này để trở thành biểu tượng chính thức”. Với một quá trình như vậy mà sản phẩm chính thức còn đầy lỗi chính tả tiếng Anh, chưa nói đến một số lỗi khác về mỹ thuật như vi phạm nguyên tắc phối màu, thì thật khó chấp nhận.

Dù phản ứng gay gắt với các ý kiến đóng góp và Tiểu ban thông tin – truyền thông SEA Games 31 tuyên bố trên báo chí hôm 21-3 “những nhận định về thiết kế Bộ nhận diện thương hiệu SEA Games 31 là những ý kiến mang tính chủ quan, phiến diện và đầy ác ý” và cho biết thêm “sẽ làm việc với các cơ quan có thẩm quyền về an ninh mạng để xử lý những người đã đăng tải những thông tin trên”(2), đến sáng 22-3, đường link tải file bộ nhận diện thương hiệu này đã biến mất trên website Tổng cục Thể dục Thể thao mà không có một dòng thông báo nào.

Một vụ việc tương tự của ngành văn hoá xảy ra tại tỉnh Bình Định liên quan đến công trình tu bổ tháp Bánh Ít, một di tích tháp Chàm có từ thế kỷ 11 đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 1982. Bức xúc trước việc nhà thầu thi công vi phạm hàng loạt nguyên tắc bảo tồn di tích như đưa xe cơ giới vào thi công gần tháp, xây dựng những bồn bông loè loẹt sai nguyên tắc và phản cảm, một số chuyên viên đã cung cấp thông tin, hình ảnh cho báo chí.

Sau khi thông tin xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, Sở Xây dựng tỉnh này đã kiểm tra và yêu cầu tạm ngừng thi công, đưa các phương tiện cơ giới khỏi khu vực di tích(3). Sau đó, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) cũng lên tiếng yêu cầu Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Bình Định kiểm tra việc thi công không đảm bảo nội dung đã được chấp thuận tại tháp Bánh Ít, khẩn trương có giải pháp bảo vệ di tích(4).

Cái sai rõ ràng nhất là theo hồ sơ dự án này thì việc đắp cát công trình bằng thủ công và máy đầm đất cầm tay, nhưng nhà thầu đã đưa xe xúc vào thi công.

Vậy mà, Sở Văn hoá Thể thao Bình Định vẫn cho rằng đây là các “phản ánh trái chiều không mang tính chất xây dựng”. Chưa dừng ở đó, hôm 21-3, sở này còn ra văn bản gởi Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định yêu cầu khẩn trương kiểm tra, làm rõ việc cán bộ, viên chức tại đơn vị này cung cấp thông tin, hình ảnh, video cho báo chí để “xử lý nghiêm việc cung cấp thông tin không đúng quy định”(5).

Thật đáng buồn khi hai vụ việc liên quan đến văn hoá đã không được những người có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý một cách có văn hoá, thay vào đó lại nhăm nhăm đòi xử lý người góp ý, cho dù có nhiều ý kiến đóng góp là xác đáng.

——————–

(1) https://tdtt.gov.vn/article/bo-nhan-dien-sea-games-31-dam-bao-tinh-phap-ly

(2) https://tuoitre.vn/khang-dinh-bo-nhan-dien-sea-games-31-dam-bao-tinh-phap-ly-an-ninh-mang-se-xu-ly-nguoi-dang-tin-sai-20220321094016846.htm  

(3) https://thanhnien.vn/thi-cong-tu-bo-thap-banh-it-o-binh-dinh-lam-anh-huong-den-di-tich-post1436635.html

(4) https://thanhnien.vn/du-an-tu-bo-thap-banh-it-o-binh-dinh-biet-thi-cong-sai-van-cho-lam-post1436961.html

(5) https://thanhnien.vn/tu-bo-thap-banh-it-xu-ly-nguoi-cung-cap-thong-tin-cho-bao-chi-post1440840.html

 

 

 

 

2 BÌNH LUẬN

  1. Đáng tiếc là thay vì cầu thị và đính chính thì lại quay sang quy chụp và đe dọa. Người có thẩm quyền thì ít khi bộc lộ thẩm quyền của mình một cách hùng hổ, đó mới là văn hóa thể hiện quyền lực thực sự.

  2. Qua các việc như thế này cho thấy vấn đề nhân sự trong ngành văn hóa. Phụ trách văn hóa, trước hết, phải là người có văn hóa, chứ không phải là người thuộc lòng các văn bản và quy trình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới