Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần có dữ liệu để hỗ trợ sống chung an toàn với Covid

Tấn Đức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Việt Nam đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn sống chung an toàn với Covid-19 được gần ba tuần, nhưng không khó để nhận ra việc chuyển đổi này đang diễn ra rất chật vật khi mà tâm lý e dè và sợ hãi vẫn đè nặng lên tâm trí của lãnh đạo các địa phương, nhất là khi những người đã tiêm đủ liều vaccine vẫn có thể nhiễm bệnh và lây cho người khác.

Trong bối cảnh như vậy, nếu Việt Nam có được những dữ liệu nghiên cứu về hiệu quả bảo vệ trên thực tế của những người đã được tiêm vaccine, cũng như mức độ bảo vệ đối với cộng đồng tương ứng với các tỷ lệ tiêm chủng khác nhau, chắc hẳn các địa phương sẽ yên tâm hơn khi đưa ra những quyết định “mở cửa”.

Cho đến nay, tất cả các dữ liệu về hiệu quả bảo vệ đối với người đã được tiêm chủng mà Việt Nam có được đều đến từ các kết quả nghiên cứu ở nước ngoài, chủ yếu là từ Bắc Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, thể trạng, dinh dưỡng và lối sống của người Việt Nam không giống người châu Âu và Bắc Mỹ, nên những dữ liệu nghiên cứu thực tế trên chính người Việt là rất cần thiết.

Hơn nữa, khác với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, vaccine sử dụng cho chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 rất đa dạng, vì vậy việc nghiên cứu sẽ giúp Việt Nam có những kết quả đánh giá sát với thực tế hơn.

Dữ liệu quan trọng nhất mà các cuộc nghiên cứu cần giải đáp là hiệu quả bảo vệ trên thực tế đối với người đã được tiêm chủng đối với bản thân họ và với cộng đồng là như thế nào.

Cụ thể, đó là khả năng bị nhiễm bệnh đối với người đã tiêm một liều và hai liều vaccine ở những nhóm đối tượng khác nhau là bao nhiêu phần trăm; khi bị nhiễm bệnh thì bao nhiêu phần trăm trong số họ phải nhập viện; nguy cơ tử vong có hay không, nếu có thì là bao nhiêu và rơi vào những nhóm đối tượng nào.

Tiếp theo là mức độ mà người đã tiêm vaccine bị nhiễm bệnh có thể lây cho người khác, bao gồm lây cho người đã được tiêm chủng và người chưa được tiêm; nếu bị lây nhiễm từ người đã được tiêm chủng thì mức độ nặng, nhẹ của bệnh có khác gì so với lây từ người chưa được tiêm chủng hay không…

Những đánh giá tương tự cũng cần được thực hiện trên các F0 đã khỏi bệnh.

Nội dung tiếp theo là đánh giá về các điều kiện không gian, môi trường mà ở đó dịch bệnh lây lan. Chẳng hạn như đó là không gian kín hay mở và kín/mở như thế nào, mật độ tiếp xúc ra sao; tình trạng áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh ở mức nào; những người tiếp xúc gần và bị nhiễm bệnh có đeo khẩu trang và có nói chuyện giao tiếp với nhau nhiều không…

Những dữ liệu kể trên, nếu có, chẳng những cần thiết cho Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành và các địa phương khi đưa ra các quyết định kinh tế, cũng như các khuyến cáo phòng dịch, trong bối cảnh sống chung an toàn với Covid, mà còn giúp cho doanh nghiệp những thông tin hữu ích để từ đó chủ động thiết kế các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh cho đơn vị mình.

Ngoài ra, những dữ liệu như vậy còn là cơ sở để ngành y tế đưa ra các hướng dẫn về yêu cầu xét nghiệm phòng dịch, tránh yêu cầu xét nghiệm quá mức cần thiết gây tốn kém và phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Ví dụ như những F0 đã khỏi bệnh, người đã tiêm đủ liều vaccine và đủ ngày thì có nhất thiết phải xét nghiệm tầm soát nữa không, nếu có thì nhóm đối tượng nào thì mới cần phải xét nghiệm?

Kể từ khi dịch Covid-19 xâm nhập Việt Nam đến nay, mỗi khi buộc phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch thì những ngành như dịch vụ karaoke, quán bar, nhà hàng và quán ăn phục vụ tại chỗ, dịch vụ vận tải hành khách… là đối tượng “bị ưu tiên” ngừng hoạt động trước tiên, nhưng đến khi được nới lỏng lại là những thành phần được mở cửa sau cùng.

Đây đều là những đối tượng được ngành y tế và các cấp chính quyền xếp vào nhóm có nguy cơ lây lan bệnh dịch cao. Tất nhiên, việc xếp loại này là dựa theo suy đoán mà suy đoán thì có thể đúng, có thể sai. Đó là chưa kể cùng kinh doanh một ngành dịch vụ, nhưng điều kiện về không gian mỗi nơi mỗi khác nên rủi ro lây lan bệnh dịch cũng khác nhau.

Vì vậy, nếu có cơ sở dữ liệu để hỗ trợ cho những người ra quyết định, thì chắc chắn sẽ hạn chế được rủi ro suy đoán sai, từ đó giúp cho nhiều doanh nghiệp tránh khỏi bị xếp loại rủi ro và bị buộc đóng cửa oan.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới