(KTSG) - Một số quốc gia trên thế giới đã đặt ra các quy định cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật, cũng như đưa ra các quy định mới về ghi nhãn mặt hàng mỹ phẩm, điều khá xa lạ tại Việt Nam. Vậy, những quy định này ảnh hưởng như thế nào đến ngành mỹ phẩm tại Việt Nam và động thái nào Việt Nam cần sớm thực hiện để hội nhập vào sân chơi quốc tế?
- Ai là chủ sở hữu của mỹ phẩm được gia công?
- Kinh doanh mỹ phẩm thời xuyên biên giới: Sân chơi công bằng nào cho doanh nghiệp nội địa?
Xu hướng toàn cầu hóa không chỉ thúc đẩy sự đổi mới và đa dạng hóa trong hoạt động kinh doanh mà còn tác động đến việc hình thành và điều chỉnh các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh mỹ phẩm.
Xuất hiện những yêu cầu mới
Một trong những sự thay đổi lớn của ngành mỹ phẩm thế giới nhiều năm qua đến từ việc nhiều quốc gia tiến bộ đã ban hành các chính sách cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật. Đây là hướng đi với mục đích nhắm đến sự phát triển bền vững và tinh thần nhân đạo.
Cụ thể, Vương quốc Anh đã loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng động vật trong các thí nghiệm mỹ phẩm từ năm 1998, nhường chỗ cho những phương pháp thay thế tiên tiến hơn, thông qua chính sách được chính phủ nước này khởi xướng. Canada đang trong quá trình thông qua Dự luật C-47 sửa đổi Đạo luật Thực phẩm và Dược phẩm, Úc chính thức cấm thử nghiệm trên động vật kể từ ngày 1-7-2020 theo Đạo luật hóa chất công nghiệp năm 2019. Trong khi đó, tại New Zealand, quy định cấm này đã chính thức có hiệu lực từ tháng 5-2015 thông qua Đạo luật Phúc lợi Vật nuôi (Số 2) 2015(1).
Các quy định trên cho thấy các quốc gia đang dần tiến đến mục tiêu nhất thể hóa pháp luật nhằm thiết lập một thị trường mỹ phẩm an toàn và phát triển bền vững, bởi lẽ những quy định này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm phải tìm kiếm các phương pháp thử nghiệm tiên tiến hơn để thay thế cho việc sử dụng động vật.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có bất kỳ quy định nào liên quan đến cấm thử nghiệm sản phẩm mỹ phẩm trên động vật đối với mỹ phẩm được sản xuất trong nước và mỹ phẩm xuất, nhập khẩu. Các quy định liên quan đến mỹ phẩm của Việt Nam được dẫn chiếu và áp dụng tương tự chính sách chung của ASEAN về quản lý mỹ phẩm.
Theo đó, Hiệp định về hệ thống hòa hợp ASEAN trong quản lý mỹ phẩm đã được ký kết từ năm 2003, hiện chưa được điều chỉnh, bổ sung hay có hướng dẫn liên quan để quy định về thử nghiệm sản phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Không những vậy, do việc quản lý mỹ phẩm tại ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng được áp dụng theo cơ chế kiểm tra hậu mãi, mọi tiêu chuẩn, quy định áp dụng trong hoạt động sản xuất, công bố sản phẩm mỹ phẩm do cá nhân, tổ chức đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chịu trách nhiệm, căn cứ theo hướng dẫn của ASEAN(2).
Do đó, đối với các doanh nghiệp có sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu, những doanh nghiệp này hiện chưa bị tác động đáng kể bởi quy định về việc cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật. Có chăng, những doanh nghiệp nhập khẩu mỹ phẩm sẽ bị tác động đôi chút bởi giá cả của những loại mỹ phẩm không thử nghiệm trên động vật có thể sẽ cao hơn.
Trong khi đó, đối với những doanh nghiệp xuất khẩu mỹ phẩm vào các nước đã có quy định cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật, đây mới thực sự là vấn đề. Điều 32 Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định rằng doanh nghiệp xuất khẩu mỹ phẩm có trách nhiệm tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu, trong khi pháp luật quản lý mỹ phẩm ở nước ta chưa thừa nhận các quy định về cấm thử nghiệm sản phẩm trên động vật như một số quốc gia trên thế giới và cũng chưa có cơ chế kiểm soát đầu vào hoặc trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường Việt Nam liên quan đến vấn đề thử nghiệm mỹ phẩm. Do đó, những doanh nghiệp xuất khẩu mỹ phẩm có thể sẽ gặp nhiều khó khăn nếu bán mỹ phẩm vào các thị trường có quy định trên.
Ngoài quy định trên, một yêu cầu mới hiện nay đã được nhiều quốc gia/doanh nghiệp trên thế giới áp dụng trong việc quản lý/kinh doanh mỹ phẩm, đó là việc các doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm phải ghi nhãn và bao bì mỹ phẩm bằng chữ nổi Braille cho người khiếm thị. Hàn Quốc(3) đã áp dụng quy định bắt buộc ghi nhãn và sử dụng bao bì có in chữ nổi trên sản phẩm mỹ phẩm cho mọi đối tượng người tiêu dùng.
Một số quốc gia, khu vực lớn khác trên thế giới mặc dù chưa đặt ra quy định này đối với mỹ phẩm, nhưng cũng đã áp dụng trong hoạt động quản lý dược phẩm. Điển hình như tại Anh, Hướng dẫn của Cơ quan Quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) về thông tin tên dược phẩm đã yêu cầu phải thể hiện tên bằng chữ nổi Braille trên nhãn dược phẩm từ tháng 6-2019(4).
Trong khi đó, vào năm ngoái, Liên minh châu Âu đã ban hành quy định bao bì dược phẩm phải được thể hiện bằng chữ nổi thông qua hướng dẫn về thông tin bao bì của sản phẩm dược phẩm dành cho người sử dụng được ủy quyền bởi Liên minh châu Âu(5). Cụ thể hóa quy định này, các thương hiệu nổi tiếng như La Roche - Posay và L’Occitane đã tiếp nhận và triển khai bằng cách sử dụng bao bì và nhãn sản phẩm có ký hiệu chữ nổi, không chỉ áp dụng cho dược phẩm mà cả mỹ phẩm.
Điểm chung của các quốc gia như Hàn Quốc, Anh hay Liên minh châu Âu là đều yêu cầu ghi nhãn, bao bì bằng chữ nổi đối với tất cả sản phẩm được sản xuất trong nước hay nhập khẩu. Rõ ràng, việc tham khảo và áp dụng các quy định về chữ nổi trên bao bì sản phẩm từ lĩnh vực dược phẩm sang các ngành khác như mỹ phẩm không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn thể hiện sự chuyển biến tích cực trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên mọi phương diện.
Hiện ở Việt Nam chưa có quy định bắt buộc nhãn và bao bì phải có ký hiệu chữ nổi và hầu như chưa có doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm nào chú trọng yếu tố này. Đây có thể cũng sẽ là hạn chế cho các doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước khi muốn xuất khẩu mỹ phẩm ra thị trường nước ngoài.
Điều chỉnh để hội nhập
Tại Việt Nam, các quy định hiện hành về mỹ phẩm như Nghị định 93/2016/NĐ-CP và Thông tư 06/2011/TT-BYT đã nội luật hóa nội dung Hiệp định về hệ thống hòa hợp ASEAN trong quản lý mỹ phẩm. Tuy nhiên, để thúc đẩy cơ hội phát triển và hội nhập của các doanh nghiệp mỹ phẩm nội địa trên trường quốc tế, Việt Nam cần tính toán cho việc điều chỉnh và bổ sung các quy định phù hợp với chính sách cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật và ghi nhãn, bao bì mỹ phẩm bằng chữ nổi. Việc này không chỉ giúp mỹ phẩm Việt Nam tuân thủ các quy định pháp luật quốc tế khi xuất khẩu vào các thị trường tiên tiến hơn mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh và uy tín của ngành công nghiệp mỹ phẩm Việt Nam.
Đối với quy định về việc cấm thử nghiệm mỹ phẩm hoặc thành phần mỹ phẩm trên động vật, việc tiếp cận quy định này bằng những hướng dẫn bước đầu cho các doanh nghiệp có dự định xuất khẩu mỹ phẩm có lẽ sẽ hợp lý hơn, bởi hiện tại việc cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật tại Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung vẫn còn khá xa lạ.
Về lâu dài, Việt Nam có thể áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn trong việc quản lý mỹ phẩm tại các nước gần gũi về mặt địa lý, văn hóa như Hàn Quốc, Nhật Bản để thích nghi và bắt kịp với xu hướng phát triển của ngành mỹ phẩm tại các nước này, trong đó bao gồm việc cấm hoạt động thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật theo một lộ trình nhất định.
Trong khi đó, đối với quy định về ghi nhãn mỹ phẩm, bao bì bằng chữ nổi, việc sớm áp dụng quy định này sẽ cho thấy sự hài hòa của pháp luật Việt Nam với xu hướng pháp luật quốc tế, đồng thời, phản ánh cam kết của Việt Nam đối với việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, trong đó có cộng đồng người khiếm thị. Việt Nam có thể tìm kiếm giải pháp thông qua việc lựa chọn và ưu tiên thông tin thiết yếu phải hiển thị trên bao bì dựa trên quy định của điều 18 Thông tư 06/2011/TT-BYT như hiện nay. Việc điều chỉnh này không những giúp người tiêu dùng khiếm khuyết về thị giác có thể tiếp cận thông tin sản phẩm một cách đầy đủ và chính xác mà còn góp phần duy trì tính thẩm mỹ và tính tiện lợi của sản phẩm.
Thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã tiếp nhận các xu hướng mới trên thế giới, đơn cử như Nature Story - một doanh nghiệp định hướng phát triển mỹ phẩm thuần chay, không sử dụng các thành phần có nguồn gốc động vật và không thử nghiệm trên động vật, sở hữu thương hiệu mỹ phẩm Cocoon.
Song, số lượng các doanh nghiệp tương tự vẫn còn khá hạn chế. Trong bức tranh toàn cầu hóa ngày nay, việc nắm bắt và cập nhật các quy định pháp luật quốc tế về mỹ phẩm không chỉ là bước đi chiến lược để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp mỹ phẩm nội địa, mà còn là cách thức để hình thành một môi trường cạnh tranh lành mạnh, giảm thiểu sức ép từ đối thủ cạnh tranh quốc tế.
Mời xem thêm các bài:
- Kinh doanh mỹ phẩm thời xuyên biên giới: sân chơi công bằng nào cho doanh nghiệp nội địa? (KTSG số 15-2024, ra ngày 11-4-2024).
- Ai là chủ sở hữu của mỹ phẩm được gia công (KTSG số 16-2024, ra ngày 18-4-2024).
(*) Công ty Luật TNHH HM&P
(1) Mục 84A của Đạo luật Phúc lợi Động vật (Số 2) 2015 của New Zealand.
(2) Phụ lục số 03-MP, hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm.
(3) Khoản 3 điều 10 Đạo Luật Mỹ phẩm Hàn Quốc, được sửa đổi vào ngày 13-3-2018.
(4) Điều 20, 21, 22 Hướng dẫn MHRA về thông tin tên dược phẩm và yêu cầu thể hiện tên bằng chữ nổi trên nhãn dược phẩm Phần nội dung yêu cầu ghi tên thuốc bằng chữ nổi Braille trên nhãn sản phẩm.
(5) Điều 7 mục A hướng dẫn về thông tin bao bì của sản phẩm dược phẩm dành cho người sử dụng được ủy quyền bởi Liên minh châu Âu tháng 9-2023.