Thứ Tư, 8/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh doanh mỹ phẩm thời xuyên biên giới: Sân chơi công bằng nào cho doanh nghiệp nội địa?

L.S Nguyễn Văn Phúc (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Hoạt động kinh doanh mỹ phẩm xuyên biên giới phát triển nhanh chóng đã tạo nên nhiều thách thức cho không chỉ các doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước khi họ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn từ dòng mỹ phẩm ngoại, mà còn đặt ra một bài toán phức tạp về công tác quản lý cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc đặt mua mỹ phẩm ngoại chưa bao giờ dễ dàng như lúc này khi mà người tiêu dùng nào cũng có thể mua hàng trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử nước ngoài hay qua trang web của các doanh nghiệp mỹ phẩm nước ngoài. Sự dễ dàng trong việc tiếp cận các sản phẩm mỹ phẩm ngoại mang lại cho người tiêu dùng Việt Nam nhiều sự lựa chọn cả về mẫu mã, chất lượng và giá cả hàng hóa. Điều này giúp người tiêu dùng thoải mái hơn trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp với mình nhưng cũng gây áp lực lớn với các doanh nghiệp trong nước về sản xuất và cung ứng mỹ phẩm nội địa.

Mảnh đất màu mỡ nhưng cạnh tranh khốc liệt

Để kinh doanh mỹ phẩm, doanh nghiệp có thể lựa chọn các hình thức như sản xuất mỹ phẩm hoặc nhập khẩu mỹ phẩm từ các thị trường đã có danh tiếng trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu… để bán ra thị trường. Với hình thức nào, doanh nghiệp cũng cần phải tuân thủ nhiều điều kiện, thủ tục nhất định trước khi đưa sản phẩm vào kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Tuy vậy, với sự trỗi dậy của hoạt động thương mại điện tử trong những năm gần đây, hoạt động của nhiều doanh nghiệp mỹ phẩm tại Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn.

Để có thể đưa được mặt hàng mỹ phẩm vào thị trường, doanh nghiệp trong nước, dù là sản xuất hay nhập khẩu mỹ phẩm đều phải trải qua những thủ tục nhất định, điều này không những gây tốn kém thời gian mà còn làm tăng chi phí hành chính của doanh nghiệp. Đôi khi, áp lực cạnh tranh trong ngành hàng mỹ phẩm chỉ tính bằng ngày khi mà các sản phẩm đưa ra thị trường đều phải liên tục cập nhật xu thế. Việc phải trải qua các thủ tục hành chính phần nào đó sẽ làm trì hoãn sự ra đời của dòng sản phẩm mới nhưng đổi lại giúp quản lý tốt phần chất lượng và sức khỏe người tiêu dùng.

Trong khi đó, trường hợp người tiêu dùng mua mỹ phẩm trên các sàn thương mại điện tử nước ngoài hay qua các trang web của doanh nghiệp mỹ phẩm nước ngoài sẽ được nhận trực tiếp không phải trải qua các thủ tục hành chính tại Việt Nam, ngoại trừ thủ tục hải quan thông thường. Với lợi thế này, người tiêu dùng có thể nhanh chóng mua được những sản phẩm thời thượng trên thế giới mà không phải mất quá nhiều thời gian để chờ các doanh nghiệp tại Việt Nam chính thức đưa vào kinh doanh. Điều này tạo nên sự thay đổi về thói quen của người tiêu dùng, từ đó, đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước.

Không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp

Sức ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh mỹ phẩm xuyên biên giới không chỉ dừng lại ở đó. Việc các mặt hàng nước ngoài du nhập vào thị trường Việt Nam cũng cần thiết phải được các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát chặt chẽ hơn. Hiện tại, ngoài việc không phải trải qua thủ tục công bố mỹ phẩm, các sản phẩm mỹ phẩm ngoại còn không phải bị hậu kiểm bởi các sản phẩm này đã đến trực tiếp tay người tiêu dùng. Do đó, việc quản lý chất lượng đối với một mặt hàng đặc biệt như mỹ phẩm gần như đang tồn tại một khoảng trống, mà ở đó, các sản phẩm được mua xuyên biên giới này lại không phải chịu bất kỳ sự kiểm soát nào.

Trên thực tế, nếu mỹ phẩm được mua từ doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam hoặc các sàn thương mại điện tử Việt Nam, người tiêu dùng có thể tìm đến các doanh nghiệp này hay chí ít là các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam để giải quyết khi phát sinh các vấn đề về chất lượng, hay nghiêm trọng hơn là các vấn đề về sức khỏe do mỹ phẩm gây ra. Thế nhưng, nếu mua từ các sàn thương mại điện tử nước ngoài hay trực tiếp từ các trang web của doanh nghiệp nước ngoài, việc người tiêu dùng có thể giải quyết được các vấn đề phát sinh là rất khó, thậm chí là không thể được. Do đó, bài toán về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước cũng được đặt ra đối với các cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, các chính sách về hải quan, thuế đối với mỹ phẩm được mua xuyên biên giới cũng là vấn đề hóc búa. Hiện tại, việc kiểm soát hải quan và tính thuế đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử xuyên biên giới chưa chịu sự điều chỉnh bởi một hành lang pháp lý cụ thể nào, ngoài các quy định về hải quan và thuế đối với hàng hóa nhập khẩu thông thường. Liên quan đến các quy định pháp luật hải quan trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới, Chính phủ đã có kế hoạch xây dựng Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (Dự thảo Nghị định) từ rất lâu. Tuy nhiên, đến nay, Dự thảo Nghị định này vẫn chưa được thông qua và áp dụng trên thực tế. Do đó, cơ quan có thẩm quyền vẫn loay hoay với việc quản lý hải quan và thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử nói chung và mỹ phẩm nói riêng.

Để tạo sân chơi công bằng cho doanh nghiệp

Xu thế mua mỹ phẩm qua các sàn thương mại điện tử nước ngoài hay các trang web của doanh nghiệp mỹ phẩm nước ngoài có thể được xem là một điều tất yếu nhưng để hoạt động này thực sự được quản lý tốt, bảo đảm sự tiện lợi của người tiêu dùng mà vẫn thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có những bổ sung, điều chỉnh phù hợp đối với các quy định pháp luật quản lý hoạt động này.

Thứ nhất, liên quan đến hoạt động kiểm soát chất lượng, với các quy định hiện hành cũng như quy định dự kiến tại Dự thảo Nghị định, cập nhật vào ngày 17-12-2021(1), hoạt động kiểm soát chất lượng đối với mỹ phẩm được mua trực tiếp từ nước ngoài bởi người tiêu dùng gần như bỏ ngỏ.

Cụ thể, theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 13 Dự thảo Nghị định, hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng mặt hàng trong đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống hoặc trên 2 triệu đồng đối với hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc (trừ hàng hóa phải kiểm dịch, hàng hóa thuộc danh mục quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) được miễn giấy phép, điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành 1 đơn hàng/ngày và không quá 4 đơn hàng/tháng đối với mỗi tổ chức, cá nhân. Như vậy, nếu quy định này có hiệu lực trên thực tế, mỹ phẩm thuộc trường hợp này sẽ không chịu sự kiểm tra chuyên ngành, không phải thực hiện thủ tục công bố mỹ phẩm, đồng thời cũng không thể kiểm soát bằng công tác hậu kiểm.

Để kiểm soát chất lượng sản phẩm, tránh nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tác giả cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần tập trung quản lý chất lượng sản phẩm mỹ phẩm tại giai đoạn hàng hóa này được nhập khẩu vào Việt Nam, dựa trên các tiêu chí tương tự như thủ tục công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu.

Thứ hai, liên quan đến thuế nhập khẩu. Theo quy định tại điều 29 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì hàng hóa có tổng trị giá hải quan từ 500.000 đồng trở xuống hoặc có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp từ 50.000 đồng trở xuống cho một lần nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, theo điều 14 Dự thảo Nghị định, các trường hợp hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu đã có sự thay đổi theo hướng mở rộng hơn khả năng được miễn thuế.

Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được miễn thuế nhập khẩu khi (i) Hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống; hoặc (ii) Hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 2 triệu đồng nhưng có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 200 ngàn đồng. Như vậy, điều này phần nào lại tạo nên áp lực cho các doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước về giá, bởi thuế nhập khẩu cũng ít nhiều ảnh hưởng đến giá bán mỹ phẩm của những doanh nghiệp này. Để hài hòa lợi ích với các doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước, Dự thảo Nghị định cần giới hạn về tổng giá trị hàng hóa được miễn thuế trong một năm đối với một cá nhân/tổ chức có hoạt động mua bán hàng hóa trực tuyến xuyên biên giới, từ đó, hạn chế tình trạng chia nhỏ đơn hàng nhằm hưởng lợi về thuế.

Tóm lại, việc sớm rà soát, chỉnh lý và ban hành Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thời gian tới. Thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới nhưng vẫn bảo đảm một sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp là điều mà các doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước vẫn đang mong đợi.

(*) Công ty Luật TNHH HM&P

(1) https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=3369, truy cập ngày 22-3-2024.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới