Cần hơn 3.600 tỉ đồng phát triển vùng Tứ giác Long Xuyên
Huỳnh Kim
(TBKTSG Online) – Tình hình hạn, mặn đang diễn ra gay gắt ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đòi hỏi Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phải sớm hoàn thiện “Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên”, một dự án đã được Chính phủ giao thực hiện từ tháng 1-2016, với số vốn sơ bộ cần có trên 3.600 tỉ đồng.
![]() |
Cảnh đắp đê cứu lúa vụ 3 ở Tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang trong mùa lũ năm 2011. Ảnh: Huỳnh Kim |
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trường ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đã yêu cầu đại diện các đơn vị dự họp tại Cần Thơ vào sáng nay, 24-2, đến ngày 10-3 tới, phải gửi đề án chi tiết của mình để Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ hoàn chỉnh dự án nêu trên.
Ông Nguyễn Phong Quang nhấn mạnh rằng, không phải chỉ để đối phó với hạn và mặn trong năm nay, mà đề án này nhằm phát triển lâu dài vùng Tứ giác Long Xuyên. Ông Quang cho biết, “Từ ngày 18-1-2016, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì, phối hợp với các địa phương và các bộ ngành liên quan lập đề án gửi Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN & PTNT) thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Vùng Tứ giác Long Xuyên rộng gần 489.000 hecta thuộc địa bàn hai tỉnh An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ, là vùng sản xuất lương thực quan trọng của cả nước, có diện tích lúa khoảng 350.000 hecta, chiếm 25% diện lúa của ĐBSCL.
![]() |
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ họp tại Cần Thơ sáng nay ngày 24-2-2016 để thúc đẩy dự án. Ảnh: Huỳnh Kim |
Tuy vậy, theo ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh An Giang – đơn vị chấp bút dự án sơ thảo này – 10 năm qua vùng Tứ giác Long Xuyên đã gánh chịu hậu nặng nề của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu lũ lớn… Ngoài ra, các công trình hạ tầng về thủy lợi, giao thông trong vùng đã không còn phù hợp với chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiệm vụ chuyển bớt lúa sang rau màu, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái, xây dựng nông thôn mới.
“Ví dụ như phải có đường thoát lũ từ kinh Trà Sư (An Giang) đến kinh Tha La (Kiên Giang) dài 45 km đồng bộ với việc không được đắp đê bao làm lúa vụ 3 mà chỉ làm hai vụ lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản cùng các mô hình khác với hệ thống giao thông nội đồng kiên cố”, ông Thư nói.
Hoặc như ở vùng Bảy Núi khô hạn, phải đưa nước vào cho 20.000 hecta cùng với chuyển đổi mùa vụ ngoài lúa. Ngoài ra, các cánh đồng lúa trong vùng Tứ giác Long Xuyên đang là những cánh đồng manh mún của riêng ba tỉnh, cần được chuyển thành những cánh đồng lớn liên tỉnh.
“Đây là dự án liên tỉnh, liên vùng, mỗi tỉnh không thể làm riêng”, ông Thư nhấn mạnh.
Ông Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Kiên Giang, cho rằng dự án phát triển lâu dài vùng Tứ giác Long Xuyên phải tập trung giải quyết ba vấn đề là thoát lũ, nguồn nước và ngăn mặn chung cho ba tỉnh.
“Nếu An Giang làm nhiều cống trên kinh dọc sông Hậu thì Kiên Giang sẽ bị ảnh hưởng vì diện tích nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên của hai tỉnh xấp xỉ nhau. Quan trọng là nguồn nước từ sông Hậu về Kiên Giang phải phục vụ được cả cho sản xuất và dân sinh”, ông Củi nói.
Theo GS.TS Tăng Đức Thắng, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học thủy lợi Việt Nam, dự án Tứ giác Long Xuyên “phải làm liên vùng”. Ông cho biết dù quy định vùng này mỗi năm chỉ làm hai vụ lúa đông xuân và hè thu nhưng nay đã có tới 60.000 hecta lúa vụ ba với cao trình bao đê trên ba mét. “Nếu tiếp tục như vậy thì Long Xuyên, Cần Thơ, Kiên Giang sẽ bị ngập vào mùa lũ”, GS Thắng nhấn mạnh.
Dù nhiều vấn đề còn phải bàn chung quanh “Báo cáo tóm tắt dự án”, nhưng tổng số vốn của dự án sơ thảo này đã hơn 3.626 tỉ đồng.
Trong khi nhiều đại biểu đề xuất tìm vốn từ nguồn trái phiếu chính phủ là chính thì ông Nguyễn Phong Quang ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ nhấn mạnh: “Trước hết phải hoàn thiện dự án, vì cho tới giờ vẫn chưa xong. Còn vốn thì trên cơ sở này, Chính phủ sẽ quyết định”.