Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần nhìn thực tế để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cần nhìn thực tế để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông

Trần Ban Mai

Xe tải, xe container xếp hàng dài trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM vừa có văn bản phản hồi và kiến nghị Cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc ách tắc xe chở hàng hóa ra vào các cảng của TPHCM. Theo đó, hiệp hội cho rằng, Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT không nhìn thẳng vào thực tế để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông kéo dài, gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp trong thời gian qua.

Trong Công văn số 3494/CĐBVN – KHCN & HTQT ngày 21-8-2009 của Cục Đường bộ Việt Nam trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, để tránh tình trạng quá tải ở những đoạn cầu đường ra vào cảng, “doanh nghiệp vận tải hàng hóa nên chia nhỏ hàng ra và vận chuyển bằng xe tải nhỏ”.

Ông Đinh Nam Dinh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải TPHCM, cho rằng hàng nhập về và xuất đi các nước được đóng trong các container theo tiêu chuẩn cho phép, vì thế không thể “chia hàng ra để vận chuyển bằng các xe tải nhỏ”.

Các cảng hiện nay đang ở trong tình trạng quá tải, nếu chia nhỏ hàng ra đưa tập trung về các cảng thì không có chỗ để đóng hàng xuất đi hoặc sẽ làm tắc nghẽn các cảng, chưa kể có nhiều loại hàng hóa cần sự ổn định cao trong quá trình di chuyển.

Theo quy định của Cục Đường bộ, ở đoạn tuyến đường bộ chưa cải tạo nâng cấp hoặc cải tạo nâng cấp chưa đồng bộ, xe lưu thông phải có giấy phép lưu hành đặc biệt. Hiệp hội Vận tải TPHCM cho rằng, việc này càng gây khó cho doanh nghiệp. Thực tế hiện nay có đến 80% xe chở container đang trong tình trạng “buộc phải quá tải trọng cầu, kể cả cầu có tải trọng 30 tấn”.

Nếu doanh nghiệp buộc phải xin giấy phép lưu hành đặc biệt, sẽ không còn thời gian để kinh doanh. Theo ông Dinh: “Thủ tục để xin được một giấy phép còn nhiêu khê, làm theo quy định hiện nay sẽ gây nên ách tắc hàng hóa tại các cảng vì không giải phóng hàng hóa kịp thời”.

Ông Dinh cho rằng, xe chở hàng siêu trường siêu trọng muốn lưu thông trên đường bộ nhất thiết phải xin giấy phép lưu hành là hoàn toàn đúng vì đó là các trường hợp cá biệt cần phải hạn chế để bảo vệ hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, thực tế việc chở những container hàng bình thường của doanh nghiệp cũng “bị quá tải” phổ biến như hiện nay thì không thể bắt buộc doanh nghiệp phải đi xin “Giấy phép lưu hành đặc biệt”.

Theo điều 9 Quyết định 60/2007/QĐ-BGTVT ngày 7-12-2007 của Bộ GTVT, hiện vẫn có nhiều tuyến đường quốc lộ chưa được nâng cấp như quốc lộ 80, 90. Ông Dinh dẫn chứng, hai tuyến quốc lộ này có hàng chục cầu có trọng tải dưới 30 tấn. Cụ thể trên tuyến quốc lộ 52, cầu Sài Gòn chỉ cho phép xe lưu thông với tải trọng 25 tấn, cầu Rạch Chiếc 30 tấn, cầu Suối Cái 20 tấn…

Đây lại là tuyến có mật độ xe vận tải chở hàng qua lại dày đặc nhất, mỗi ngày có khoảng 15.000 lượt xe chở hàng hóa qua lại. Trên tuyến đường này có hàng chục cảng nội địa (ICD) và các cảng lớn như cảng Cát Lái, Tân Cảng…

“Điều này thể hiện các nhà quản lý cố tình trốn tránh trách nhiệm, đẩy khó khăn về phía doanh nghiệp và đi ngược lại chủ trương của Chính phủ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động” – ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải TPHCM, nói.

Để giải quyết những khó khăn trên cho doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho rằng, giải pháp trước mắt là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Khu Quản lý đường bộ VII kết hợp với Sở GTVT các địa phương dỡ bỏ các biển báo hạn chế tải trọng đối với các cầu đủ tiêu chuẩn; không hạn chế tải trọng để xe được lưu hành thông suốt.

Đối với những cầu bị xuống cấp, cho giám định sức tải để cắm biển hạn chế phù hợp và các biển báo hướng dẫn về khoảng cách, tốc độ để cho lái xe chấp hành thuận lợi.

Bên cạnh đó, hiệp hội cũng kiến nghị cho phép các xe chở container có trọng lượng cả vỏ container và hàng trong tiêu chuẩn cho phép (32,480 tấn trở xuống) được phép chạy bình thường mà không cần phải xin giấy phép lưu hành đặc biệt. Thực tế hầu hết xe chở container hiện nay có từ 5-6 trục nên trọng lượng được phân ra trên các trục, sẽ tạo hiệu ứng lực, không làm hư hại, nguy hiểm cho cầu đường.

Ông Chung cũng cho rằng, Chính phủ cùng các địa phương đang dồn hết sức tập trung để đưa nền kinh tế phát triển, từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Năm 2009, Bộ GTVT được phân bổ 10.000 tỉ đồng trong tổng số 20.000 tỉ đồng từ trái phiếu chính phủ.

Bên cạnh đó còn có nguồn vốn ODA do Ngân hàng Thế giới tài trợ để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Ngoài ra, hàng năm nguồn thu từ phí giao thông mà người dân và doanh nghiệp phải nộp thông qua tiêu thụ xăng dầu cũng khoảng 10.000 tỉ đồng.

“Đó là các khoản tiền lớn, tại sao Bộ GTVT không tập trung, ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống cầu đường trên các trục đường quốc lộ để hạn chế tình trạng mạch máu của nền kinh tế bị tắc nghẽn khắp nơi như hiện nay?” – ông Chung đặt vấn đề.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới