Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần rút bài học gì từ thương vụ bị lừa đảo hơn 500 tỉ đồng từ Ý?

Lê Thị Thanh Tâm* - LS. Lê Trọng Thêm**

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thương vụ lừa đảo 100 container hạt điều có giá trị khoảng hơn 20 triệu đô la Mỹ đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong tuần qua. Các thương nhân ngành điều cầu cứu khắp nơi và ngóng trông tin tức về số phận các container điều đang lênh đênh trên biển đến cảng nhận hàng tại nước Ý xa xôi.

Theo thông lệ mua bán hàng hóa, thương nhân sẽ nhận được tiền từ người mua thông qua hệ thống ngân hàng nhờ thu nước ngoài chuyển vào tài khoản ngân hàng tại Việt Nam. Khi người mua thực hiện nghĩa vụ thanh toán, họ mới có quyền nhận bộ chứng từ để đi nhận hàng tại cảng từ hãng tàu.

Điều đáng nói trong thương vụ này là các ngân hàng do người mua nước ngoài chỉ định lại khước từ thanh toán do không tồn tại tên người mua trong danh sách khách hàng của họ. Theo lẽ thông thường, ngân hàng nhờ thu phải trả lại cho ngân hàng người bán bộ chứng từ. Tuy nhiên, thực tế là bộ chứng từ gốc đã biến mất, đồng nghĩa với việc người bán Việt Nam đứng trước nguy cơ mất trắng số hàng này vào tay kẻ gian, bởi vì tập quán vận tải hàng hải quốc tế buộc các hãng tàu phải giao hàng cho người nhận hàng (hay còn gọi là Consignee) khi họ xuất trình vận đơn gốc (hay con gọi là Master Bill) tới hãng tàu.

Lúc này, câu hỏi mà nhiều thương nhân Việt Nam, bao gồm thương nhân ngành điều, là nguyên nhân từ đâu? Ai là kẻ gian, lừa đảo? Nhưng liệu thời gian có chờ đợi đến lúc tìm ra câu trả lời hay hàng hóa đã không cánh mà bay và bài học rút ra cho lần sau là gì?

Thương vụ Sứ quán Việt Nam tại Ý làm việc với ngân hàng Banca di Credito Popolare tại Napoli liên quan vụ 100 container hạt điều xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Thẩm định tín nhiệm của đối tác

Theo thông tin chúng tôi được biết, trong thương vụ này 6 thương nhân Việt Nam đều bán số hàng 100 container điều nhân cho vài đối tác thông qua cùng một nhà môi giới. Các thương nhân Việt Nam chưa từng có lịch sử làm ăn với đối tác này và việc giao thương hoàn toàn dựa trên sự tin tưởng đối với người môi giới.

Điều này lộ rõ một thói quen giao thương quốc tế cố hữu của thương nhân Việt Nam là không mấy khi thuê các đơn vị làm thẩm định tín nhiệm (bao gồm thương mại và pháp lý). Trong khi đó, các thương nhân nước ngoài khi làm ăn với Việt Nam họ thường yêu cầu bên tư vấn sở tại cung cấp bản báo cáo thẩm tra đối tác thương mại (commercial due diligence).

Theo báo cáo này, thương nhân nước ngoài có thể biết được pháp nhân Việt Nam có thực sự tồn tại pháp lý hay không; nguồn vốn đăng ký bao nhiêu; ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là gì; địa chỉ văn phòng có thật không; có nợ đọng thuế; có dư nợ tín dụng tại ngân hàng không; đang có tranh chấp lớn nào không; có thuộc diện đang tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản không; tình hình kinh doanh gần đây thế nào; có là thành viên của tổ chức nghề nghiệp nào không; có xảy ra các tranh cãi trên truyền thông không v.v.

Điều chỉnh trong chính sách bán hàng 

Các thương nhân điều Việt Nam thường mua điều thô nước ngoài với điều khoản thanh toán trước hoặc đặt cọc 10%, lần 2 thanh toán 88% theo điều khoản thanh toán để lấy bộ chứng từ gốc (hay còn gọi là D/P – Documents Against Payment) và 2% sau cùng. Tuy nhiên khi bán điều nhân cho nước ngoài, thương nhân Việt Nam lại chấp nhận thanh toán D/P hoàn toàn mà không có bất kỳ khoản đặt cọc nào từ bên mua. Giá trị thương mại của điều nhân thường có giá trị cao gấp 4-5 lần điều thô nhưng thương nhân Việt Nam lại phải chấp nhận chính sách bán hàng bất lợi.

Trong thương vụ này, nếu các thương nhân Việt Nam đều yêu cầu bên mua hàng phải đặt cọc, thanh toán trước một tỷ lệ phần trăm nhất định (tùy theo đánh giá rủi ro của khách mà tỷ lệ đặt cọc càng cao) thì có thể phát hiện và kiểm định được người mua có phải là thương nhân uy tín và có năng lực hay không. Ngoài ra, việc yêu cầu thanh toán tạm ứng cũng có thể giúp các thương nhân Việt Nam có được thông tin về ngân hàng của bên mua để từ đó có thể biết được việc gửi bộ chứng từ nhờ thu có chính xác hay không.

Trong 2 năm trở lại đây, chi phí cước vận tải biển đã tăng lên khoảng 10 lần làm tăng thêm rủi ro cho thương nhân khi bán hàng giá CNF (giá bán + cước tàu) hoặc CIF (giá bán + cước tàu + bảo hiểm). Theo chúng tôi được biết, các container 40 feet đã xuất đi Ý có cước khoảng 15.000 đô la Mỹ cho chiều đi, tương đương gần 10% giá trị lô hàng. Riêng trong phi vụ lừa đảo này, các thương nhân đã chi 1.500.000 đô la Mỹ cho 100 container 40 feet tiền cước vận chuyển. Nếu phải kéo hàng về Việt Nam thì thương nhân phải trả cước 2 lần. Vậy nếu bán giá CNF/CIF thì cần yêu cầu tiền cọc tương đương tiền cước tàu để phòng ngừa rủi ro.

Điều chỉnh trong chính sách bộ chứng từ

Liên quan đến vận đơn (Bill of lading), trong thương vụ này, các thương nhân Việt Nam sử dụng vận đơn gốc (Master Bill) được phát hành bởi hãng tàu cùng với các tài liệu khác để hợp thành bộ chứng từ gốc gửi đến ngân hàng nhờ thu bên người mua. Do vậy, trong trường hợp việc chuyển phát bộ chứng từ ngân hàng Việt Nam tới ngân hàng nhờ thu ở nước ngoài bị đánh tráo, đánh cắp thì rủi ro mất hàng sẽ xảy ra.

Trong khi đó, tập quán thương mại hàng hóa quốc tế cho phép thương nhân Việt Nam có thể làm theo cách khác để hạn chế được rủi ro này. Đó là, thay vì dùng vận đơn gốc (Master Bill) thì dùng House Bill – vận đơn được phát hành bởi đại lý logistics (hay còn gọi là Forwarder).

Cụ thể là Forwarder sẽ đứng ra phát hành House Bill xác lập mối quan hệ giữa thương nhân điều Việt Nam và Forwarder. Sau đó, thương nhân điều Việt Nam sẽ sử dụng House Bill cùng với các chứng từ khác tạo thành bộ chứng từ thanh toán D/P để gửi qua ngân hàng nhờ thu nước ngoài. Như vậy, trong trường hợp dù bộ chứng từ gửi qua ngân hàng bị thất lạc hay bị đánh cắp thì rủi ro bị mất hàng hóa sẽ không xảy ra.

Quy trình nhận hàng sẽ diễn ra như sau: người mua phải mang House Bill ra Forwarder được chỉ định trên House Bill để đổi lấy Master Bill, sau đó mang Master Bill ra hãng tàu để đổi lấy lệnh vận chuyển (hay còn gọi là D/O – Delivery Order) và nhận hàng. Nếu bên bán phát hiện bộ chứng từ gốc bị mất mà chưa nhận được thanh toán thì ngay lập tức báo cho Forwarder tại nước xuất khẩu để Forwarder giữ lại Master Bill. Forwarder sẽ không giao cho bên đòi nhận hàng, đồng thời Forwarder sẽ hỗ trợ bên bán chuyển lô hàng cho người mua khác hay chuyển trả lại nước xuất ngay lập tức.

Liên quan đến Consignee trong trường hợp sử dụng Master Bill: các ngân hàng khuyến cáo sử dụng Consignee là “theo chỉ thị của ngân hàng nhờ thu” (“to order of…bank”) vì khi khách hàng đã thanh toán, ngân hàng nhờ thu bên mua sẽ ký hậu và đóng dấu lên mặt sau của Master Bill thì hãng tàu mới cho nhận hàng khi Consignee xuất trình Master Bill. Nếu Consignee cầm Master Bill mà không có ký hậu của ngân hàng thì cũng không nhận được hàng.

Ngoài ra, ngân hàng và người bán cũng sẽ không cung cấp số theo dõi quá trình vận chuyển bộ chứng từ của DHL cho bên mua cho tới khi bộ chứng từ gốc đã tới ngân hàng nhờ thu để tránh trường hợp bên mua cấu kết với nhân viên DHL hay cách nào đó chặn lấy bộ chứng từ gốc.

Việc điều chỉnh lại cách ghi và lập bộ chứng từ nêu trên sẽ giúp thương nhân Việt Nam kiểm soát được rủi ro đối với các vụ lừa đảo, đánh cắp, đánh tráo bộ chứng từ như vụ lừa đảo này và xử lý hàng hóa trong trường hợp gặp vấn đề với người bán một cách nhanh nhất.

Chuẩn bị kịch bản để hành động kịp thời

Tình huống bên mua không thanh toán cho ngân hàng và thất lạc, mất mát bộ chứng từ gốc trong thương mại quốc tế không phải chưa từng xảy ra. Đối với một số trường hợp thương nhân riêng lẻ với một vài đơn hàng nhỏ, thường thì thương nhân phải tự xử lý bằng nhiều cách thức khác, có trường hợp thành công có trường hợp thất bại, mất mát tiền bạc.

Đối với các thương nhân kinh doanh có quy mô nhỏ, việc mất mát này có thể khiến họ không thể vực dậy được và phá sản. Do vậy, các thương nhân Việt Nam cần chuẩn bị cho mình các phương án hành động kịp thời cho mỗi một tình huống cụ thể để không bị động và bất ngờ.

Theo thông tin chúng tôi được biết, khi sự việc xảy ra, các doanh nghiệp trong vụ việc này đã chủ động liên hệ với tham tán thương mại tại Ý để nhờ sự hỗ trợ kịp thời, việc này đã tránh được một mất mát khi ngay sau đó những kẻ lừa đảo đã tới hãng tàu đệ trình Master Bill và đóng phí để đón hàng tới cảng. Cùng với sự can thiệp đồng bộ, mạnh mẽ và kịp thời từ các cơ quan nhà nước Việt Nam (Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao,…), Hiệp hội hạt điều VINACAS đã thông tin và phối hợp với Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ý và cảnh sát tài chính Ý đã ra các quyết định giữ tại cảng các container hạt điều đến cảng của Ý. Thật may nhờ có sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông mà sự việc được thông tin nhanh chóng đến những người có thẩm quyền và trách nhiệm can thiệp kịp thời bước đầu bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của các thương nhân Việt Nam.

Dù tạm thời ngừng được những kẻ lừa đảo chiếm giữ bộ chứng từ gốc nhưng rồi đây thương nhân điều Việt Nam cũng khó lòng nhận lại hàng hoặc bán cho đối tác mới vì không có bộ chứng từ gốc kèm Master Bill. Các hãng tàu thường yêu cầu ký quỹ hơn 100% thậm chí 300% giá trị lô hàng và giữ lại khoản tiền này lên tới vài năm mới cho thương nhân Việt Nam lấy hàng.

Theo kinh nghiệm tư vấn và hỗ trợ giải quyết tranh chấp mua bán hạt điều, thì ngoài các rủi ro về lừa đảo quốc tế, các thương nhân Việt Nam còn đối mặt nhiều rủi ro tranh chấp thương mại khác từ đối tác nước ngoài. Điển hình phải kể đến các tranh chấp về khoản tiền cọc, thanh toán tạm trước khi mua điều thô; hay tranh chấp về chất lượng và số lượng hàng hóa được giao; tranh chấp từ nghĩa vụ giao và nhận hàng mỗi khi giá cả hàng hóa có biến động mạnh…

Trong các tình huống như vậy, các thương nhân điều Việt Nam thường là bên chịu phần thiệt hại nhiều hơn bởi sự hạn chế về năng lực hiểu biết pháp luật thương mại quốc tế, kinh nghiệm xuất nhập khẩu hàng hóa đi nước ngoài và năng lực sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh. Để hạn chế rủi ro và sẵn sàng có kịch bản hành động, các thương nhân điều Việt Nam cần nâng cao năng lực nội tại và nhờ sự giúp đỡ của các đơn vị tư vấn pháp lý và nghiệp vụ trong ngành.

————-

*Lê Thị Thanh Tâm – Giám đốc công ty Hotanuts

**Lê Trọng Thêm – Giám đốc Công ty Luật LTT & Lawyers

1 BÌNH LUẬN

  1. Việc này cho thấy chúng ta cứ nói về phân quyền xã hội mà ở đây cụ thể là Hiệp hội Điều. DN nhỏ không thể làm R&D vì vậy cần liên kết đóng góp cho hiệp hội làm. Trong trường hợp này nếu DN gắn kết với hiệp hội ngay từ đầu thì hiệp hội có thể liên hệ với EuroCham, tham tán thương mại ĐSQ Việt Nam tại Ý và Tham tán thương mại ĐSQ Ý tại Việt Nam nhờ tư vấn thẩm định và kiểm soát hàng hóa nhập cảng thì chuyện sẽ không xảy ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới