Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Canh tác ớt trong nhà lưới để xuất khẩu đi EU

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Canh tác ớt trong nhà lưới để xuất khẩu đi EU

Hồng Ngọc lược ghi

Canh tác ớt trong nhà lưới để xuất khẩu đi EU
Thu hoạch ớt - Ảnh: Cao Nguyên

(TBKTSG Online) - Tiếp theo kỳ trước đã giới thiệu những nét chung về trồng rau quả trong nhà lưới để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào EU, kỳ này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online giới thiệu quy trình kỹ thuật trồng ớt trong nhà lưới đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU do Trung Tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II tại TPHCM cung cấp.

>>Trồng rau quả đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào EU

>>Ớt xuất khẩu rớt giá mạnh

>>Tiền Giang: Trồng ớt lãi hàng trăm triệu đồng

>>Đổ xô trồng ớt, giá rớt mạnh

>>Lâm Đồng: Giá ớt tăng vọt lên 70.000 đồng/kg tươi

1 -Giống và thời vụ trồng

Giống ớt hiểm lai F1 207 của Công ty East-West Seed. Giống ớt này dễ trồng, cây phát triển tốt cao 50-60 cm. Năng suất có thể đạt 1-2 kg/ cây. Trái chỉ thiên, thẳng, dài 2-3 cm, khi chín có màu đỏ tươi, rất cay và thơm, phù hợp với thị hiếu của thị trường EU. Giống đặc biệt chống chịu rất tốt đối với bệnh thán thư. Thời gian bắt đầu thu hoạch là 80-85 ngày sau trồng.

Giống  này có thể trồng quanh năm, tốt nhất là vụ Đông Xuân.

2 -Chuẩn bị vườn ươm

Lượng hạt giống cần cho 1 ha khoảng 70 gam (15 gói). Gieo hạt vào bầu vỉ xốp loại 50 lỗ. Thành phần bầu giá thể 30% phân chuồng thật hoai mục, 30% tro trấu, 20%  xơ dừa, 20% đất sạch. Trồng ra vườn sản xuất khi cây có 5-7 lá thật (30-35 ngày sau khi gieo). Trước khi trồng 5-7 ngày nên giảm lượng nước tưới (huấn luyện cây con) giúp cây cứng cáp, mau hồi phục sau khi trồng.

3  Chuẩn bị giá thể trồng

Giá thể phù hợp là hỗn hợp hữu cơ gồm 30% phân chuồng thật hoai mục, 30% tro trấu, 20%  xơ dừa, 20% đất sạch và bổ sung lượng Trichoderma sử dụng 2 kg trên 1.000 m2 nhà lưới. Cho giá thể vào các túi nilong có kích thước 40 cm x 40 cm (thể tích túi nilong 10 lít, lượng giá thể trong túi để trồng ớt chiếm 80% thể tích của túi nilong), sau đó đặt trên các tấm đỡ hoặc đặt trực tiếp trên nền nhà màng.

4 - Thiết bị tưới

Thiết bị tưới cho kiểu trồng trong túi được sử dụng loại 1 hoặc 2 đầu cắm tưới nhỏ giọt và dây tưới nhỏ giọt được điều khiển chế độ tưới tự động theo hệ thống đã được trang bị. Chế độ phun sương được cài đặt theo thời gian từ 10h30 đến14h trong ngày, độ ẩm từ 70-80%. Phân bón được cung cấp qua hệ thống tưới nhỏ giọt với nồng độ dung dịch dinh dưỡng gồm N,P,K và vi lượng theo tỉ lệ: N: 172 ppm; P:41 ppm; K: 300ppm; Ca: 180ppm; Mg: 48 ppm.

5 -Trồng và chăm sóc

-Mật độ: Trồng hàng đôi, hàng cách hàng 25-30cm, cây cách cây 60cm-70cm, khoảng cách giữa các líếp 1,4m mật độ khoảng 12.000cây/ha.

-Làm giàn: Ớt lai F1 sinh trưởng mạnh, cần phải cắm chà làm giàn giúp cây không đổ ngã, chăm sóc dễ dàng, cây ít nhiễm bệnh. Thời gian thu trái dài. Thời gian làm giàn thích hợp khoảng 45 đến 50 ngày sau trồng.

-Tỉa nhánh: Nên tỉa bỏ bớt chồi nhánh ở phía dưới, chừa lại thân chính và các nhánh nằm bên trên (cách gốc 15-20 cm tùy cây), nhờ vậy giúp tăng tỉ lệ đậu trái, trái phát triển tốt, thu hoạch tập trung, năng suất cao.

-Bố trí quạt đủ công suất hoặc nuôi ong giúp cho quá trình thụ phấn tốt.

6 -Tưới nước và bón phân

-Dung dịch dinh dưỡng và nước tưới được cung cấp đồng thời thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Dựa vào nhu cầu dinh dưỡng và từng giai đoạn sinh trưởng của cây để xác định nồng độ dung dịch tưới phù hợp. Ngoài ra tùy theo tình trạng của cây có thể bổ sung thêm các chất dinh dưỡng qua lá kết hợp với thuốc bảo vệ thực vật.

  *Lượng dung dịch tưới (bắt buộc phải thực hiện):

Giai đoạn

Số lần tưới/ngày

Thời gian tưới
(phút)

Lượng nước dự kiến(lít)/bầu/ngày

1. Từ trồng đến 30 ngày

4-5

4-6

0,5-0,8

2. Sau trồng 30 ngày

6

6-8

1,0-1,2

3. Sau trồng 60 ngày

8

8-10

1,2-1,5

4. Giai đoạn thu hoạch

8-10

8-10

1,5-2,0

Yêu cầu tưới nước vào bầu cây luôn luôn phải dư nước 10% (không được hạn chế bằng số lít/hốc). Tất cả các đợt gieo trồng đều phải theo dõi lượng nước và dinh dưỡng bằng cách: hứng dung dịch tưới vào chai (từ ống nhỏ giọt) để biết tổng lượng dung dịch; hứng nước dư (từ 5 bịch trồng cây) để biết tỷ lệ nước dư khi đối chiếu với tổng lượng nước tưới.

Yêu cầu phân tích hàm lượng NPK của dung dịch tưới đầu vào (3 lần/vụ) và dung dịch tưới dư thải ra. Thực hiện đo pH của dung dịch qua mỗi lần pha phân bón để điều chỉnh pH của dung dịch dinh dưỡng, nếu pH xuống thấp hơn khoảng khuyến cáo thì dùng  KOH để tăng pH lên. Đồng thời, đo EC dung dịch đầu vào để kiểm tra nồng độ dung dịch theo giai đoạn của cây. ( EC là để quản lý nồng độ dung dịch phù hợp cho từng loại cây trồng và từng giai đoạn sinh trưởng).

Trong quá trình chăm sóc cần theo dõi sinh trưởng của cây trồng mà có sự điều chỉnh thành phần phân bón hợp lý hơn. Ngoài ra có thể bổ sung các loại phân bón lá như: Terrasort4, Growmore 10-30-10, Growmore 6-30-30 theo từng giai đoạn của cây.

7 -Phòng trừ sâu bệnh hại:

1.7.1 Loại trừ mọi khả năng xâm nhập của các loài dịch hại

1. Vệ sinh cỏ dại bên trong và xung quanh nhà lưới.

2. Kiểm tra độ kín của nhà lưới: Khắc phục các kẻ hở của cửa ra vào, lỗ hổng, lưới…. Gia cố phần chân nền của nhà lưới bị mưa xói sụp. Thực hiện kiểm tra nhà lưới với tầng suất mỗi ngày 1 lần.

3. Ngăn ngừa chuột phá hoại: Kiểm tra độ kín của chân nhà lưới, lấp các lỗ hổng, đặt bẫy chuột và kiểm tra định kỳ bẫy ở ngoài nhà lưới. Dọn dẹp rác thải hữu cơ là nguồn thức ăn cho chuột, thùng rác phải đảm bảo chuột không vào được.

4. Cách ly tiếp xúc với các nhà lưới khác (Công nhân, cán bộ kỹ thuật phải tuân thủ nội quy ra vào nhà lưới).

5. Tạo điều kiện tốt nhất cho cây trồng phát triển: Chế độ phân bón cân đối, các thiết bị hổ trợ: Hệ thống rèm che, quạt thông gió, hệ thống phun sương…

6. Xử lý giá thể gieo trồng bằng nấm Trichoderma với tỉ lệ (2 kg/15.000 kg giá thể).

7. Phun thuốc sát trùng nhà lưới trước khi gieo trồng bằng thuốc bảo vệ thực vật gồm: Hopsan 1.5ml/L, Suprathion 40EC 2ml/L.

8. Loại bỏ sớm cây bị nhiễm bệnh nhằm tránh lây lan dịch bệnh.

9. Phun thuốc định kỳ theo chương trình phòng trừ dịch hại một cách thích hợp và triệt để.

10.  Phun thuốc sát trùng bên ngoài xung quanh vách lưới, phòng cách ly, lối đi lại và những chỗ côn trùng hay ẩn nấp.

11.  Đặt bẫy dính màu vàng để bẫy và theo dõi các loài côn trùng gây hại.

12.  Phun xịt thuốc trừ các loại dịch hại hiện có trong nhà lưới bằng các loại thuốc thích hợp, sử dụng các loại thuốc cho phép trong danh mục. Ở giai đoạn gần thu hoạch nên chọn các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, có thời gian cách ly ngắn để đảm bảo không tồn lưu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm.

1.7.2 Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép theo tiêu chuẩn EU và đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch:

- Bệnh héo rũ cây con (Damping off root rot): do một số nấm như Rhizoctonia solani, Pythium spp., Fusarium gây ra. Nấm tấn công làm cây con chết rũ ngang gốc thân hoặc phần tiếp giáp giữa gốc và mặt giá thể. Không nên tưới vườn ươm quá ẩm. Phòng trừ bằng thuốc Kasumin, Aliette….

- Bệnh héo xanh vi khuẩn ( Bacterial wilt): do vi khuẩn Pseudomomas solana cearum. Bệnh thường xuất hiện trên cây trưởng thành và nặng nhất khi cây đang mang nhiều trái non. Ban đầu các lá bệnh bên dưới bị héo, sau vài ngày toàn bộ cây đột nhiên có triệu chứng héo xảy ra. Khi cây chết mà lá, thân vẫn còn xanh. Bệnh lan truyền qua đất, xâm nhập vào phần rễ làm thối toàn bộ rễ và lan truyền qua mạch dẫn nhựa trên thân. Phòng ngừa bằng thuốc Kasumin…

- Bệnh thán thư trái (Anthracnose): do nấm Collectotrichum spp. gây ra. Vết bệnh trên trái có các đường viền xếp đồng tâm lõm sâu, có màu vàng đến nâu đậm. Vết bệnh lan rộng nhanh chóng, nhất là trong mùa mưa. Nếu bệnh nặng, các vết bệnh liên kết với nhau hóa khô gây rụng trái. Bệnh có thể làm giảm năng suất 70-80%. Phòng ngừa bằng: Ridomil, Kasumin…

- Bọ trĩ , rầy mềm, rầy đen, nhện đỏ: Tập trung phá hại lá non, đọt non, bông, trái non bằng cách hút nhựa làm lá quăn  queo. Phòng trừ bằng các loại thuốc: Suprathion, Radian, Confidor...

- Sâu xanh, sâu ăn tạp: Sâu cắn phá bông trái và lá non. Phòng trừ bằng các loại thuốc trừ sâu sinh học như: Abamectin…

- Thời gian cách ly của một số thuốc đã được sử dụng trong nhà lưới trồng ớt:

Tên thuốc

Tên hoạt chất

Liều lượng sử dụng

Thời gian cách ly được khuyến cáo trên nhãn hiệu (ngày)

Thời gian cách ly được đề nghị trong nhà lưới trồng ớt (ngày)

Ghi chú

Actara

Thiametoxam

2gam/bình 16lit

7

12-14

 

Admire 50EC

Imidacloprid

20ml/ bình 16lit

7

12-14

 

Alfamite

Pyridaben 150g/l

25ml/bình 16lit

5

10

 

Alfatin 6.5EC

Abamectin

4ml/bình 8lit

3- 5

7-10

 

Azoxystrobin

+Difenoconazole

Topmystar

 

20ml/bình 16lit

14

20

 

Comite

Propargate

25ml/bình 16lit

7

12-14

 

Confidor 0.05EC

Imidacloprid

15ml/bình 16lit

7

12-14

 

Dầu khoáng DS 98,8EC

Petroleum Spray Oil 98,8%

60ml/bình 8lit

0

2

 

Hopsan

Phenthoate 45%, Fenobucarb 30%

25ml/bình16lit

7

7

Phun lối đi, xung quanh nhà lưới

Kasumin

Kasugamycin 2%

50ml/bình 16lit

7

12-14

 

Ortus 5SC

Penpyroximate 5%

17ml/bình 8lit

7

12-14

 

Radiant 60SC

Spinetoram(min86.4%)

15ml/bình 16lit

3

5

 

Ridomil

40g Metalaxyl M và 640g Mancozeb/ kg thuốc

25gam/bình 8lit

7

12-14

 

Suprathion 40EC

Methidathion

15ml/bình 8lit

15

15

Phun lối đi, xung quanh nhà lưới

Vibamec 1.8EC

Abamectin

5ml/bình 8lit

3-5

5-7

 

Vimatrine 0.6L

Oxymatrine

16ml/ bình 8lit

3-5

5-7

 

8 -Thu hoạch:

Thu hoạch trái trước khi quá chín. Thông thường từ 35-40 ngày sau khi đậu trái, khoảng 80-85 ngày sau khi trồng có thể bắt đầu thu hoạch. Sau khi thu hoạch đem vào nơi thoáng mát để bảo quản, tiến hành phân loại, bỏ lá, cành nhánh hoặc trái hư không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nếu chăm sóc tốt, bón phân đầy đủ, ớt có thể ra nhiều đợt trái, năng suất có khả năng đạt từ 10-20 tấn/héc ta.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới