Canh tân công nghệ thời suy thoái
(TBVTSG) - Các công ty biết sử dụng nguồn lực một cách khoa học và hiệu quả sẽ có khả năng gặt hái thành công giữa thời suy thoái kinh tế. Công thức mà họ theo đuổi cũng có thể giúp ích cho bạn.
Hãy tận dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin để phát triển quan hệ với khách hàng, vừa nhanh chóng, thuận tiện vừa ít tốn kém so với các phương pháp truyền thống.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp thế giới, những biến cố trong hai tháng cuối năm 2008 báo hiệu một năm mới âm u và lạnh giá. Các đại gia trên sàn chứng khoán sụp đổ, các nhà máy công nghiệp giảm sản lượng và sa thải công nhân, người tiêu dùng hoảng hốt; ai cũng thắt lưng buộc bụng, cân nhắc chi tiêu trong lúc chờ trời sáng trở lại. Có vẻ như mọi ý tưởng canh tân sẽ rơi vào tình trạng “đắp chiếu” một thời gian dài nữa.
Nhưng không hẳn là như vậy. Hãy xem tác động của những trận cháy rừng. Cháy rừng tất nhiên là tai họa, nhưng sau vụ cháy, đất đai sẽ màu mỡ hơn, nuôi lớn một thế hệ cây cối mới vững mạnh hơn. Đám cháy còn xóa đi những thân gỗ mục, những bụi gai rối rắm kìm hãm tăng trưởng. Các loài cây cần ánh nắng mặt trời để phát triển sẽ có môi trường để vươn cao.
Trong xã hội cũng vậy. Chúng ta thấy ba loại công ty dưới đây sẽ có cơ hội phát triển trong những điều kiện ảm đạm của nền kinh tế. Mỗi công ty trong số này đều có thể hưởng lợi từ những thay đổi mang tính chiến lược dựa trên lợi thế cạnh tranh riêng của mình.
Những công ty “nổi loạn”
Những công ty có công nghệ mới lâu nay vẫn lặng lẽ đi bên lề của thị trường có thể tận dụng sự sụp đổ của các đại gia để nhảy vào dòng chính. Trong quá khứ, cuộc bùng vỡ bong bóng công ty dot-com đã làm cho nhiều tập đoàn công nghệ thông tin phải “nín thở” một thời gian dài. Nhưng đó cũng chính là lúc “những kẻ nổi loạn” như Google, Netflix… vùng lên, trở thành những thương hiệu lớn.
Nhớ lại chuyện cũ, chúng ta sẽ tự hỏi, đâu là làn sóng mới của “những kẻ nổi loạn” sẽ trào dâng lên trong cuộc suy thoái kinh tế hôm nay. Loại doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng mạnh nhất là những công ty công nghệ sạch (clean-tech) đang đưa ra những giải pháp mới về năng lượng như tập đoàn Enernoc, First Solar, Konarka và Best Place… Những tập đoàn lớn canh tân công nghệ để làm ra sản phẩm giá rẻ như General Electric (GE) – mà sản phẩm tiêu biểu là máy siêu âm màu giá rẻ - cũng sẽ giành được lợi thế trên thị trường.
Những công ty đang đứng trên bờ vực tan rã có thể cải thiện cơ hội thành công của mình qua việc tập trung vào những chiến lược mà các doanh nghiệp “nổi loạn” đang thực hiện. Điểm quan trọng cần chú ý: các quyết định liên quan đến chất lượng sản phẩm phải được ưu tiên hàng đầu; và phải tập trung tìm hiểu xem khách hàng định nghĩa thế nào là chất lượng. Trong lúc khó khăn, điều thiết yếu là phải tránh làm ra những sản phẩm quá rắc rối về công nghệ, nhiều chức năng hiện đại nhưng xa lạ với người tiêu dùng.
Sự siết chặt tín dụng của thị trường tài chính toàn cầu sẽ làm cho các doanh nghiệp khó tìm nguồn vốn, vì vậy tiết giảm chi phí là yêu cầu cần tính đến. Hãy tận dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin để phát triển quan hệ với khách hàng, vừa nhanh chóng, thuận tiện vừa ít tốn kém so với các phương pháp truyền thống. Ví dụ, thay vì gửi hàng mẫu cho khách hãy làm ra “hàng mẫu ảo”, nghiên cứu thị trường bằng phương thức trực tuyến và xây dựng hệ thống phân phối qua Internet.
Những doanh nghiệp canh tân có hệ thống
Trong thời suy thoái, các tập đoàn công nghệ thực hiện chiến lược canh tân có hệ thống có thể tăng tỷ lệ tăng trưởng lên gấp đôi các đối thủ cạnh tranh. Trên thị trường toàn cầu, các tập đoàn Procter & Gamble (P&G), Johnson & Johnson, GE, Cisco và IBM đều đã cam kết công khai nhắm tới tăng trưởng thông qua canh tân công nghệ.
Tất cả những tập đoàn này đều coi canh tân là một bộ phận thiết yếu trong quy trình hoạt động của doanh nghiệp. Họ đặt ra mục tiêu canh tân, đo lường việc thực hiện, bố trí nguồn lực và tích cực quản lý các danh mục dự án đầu tư cải tiến công nghệ.
Cho dù những tập đoàn này – nhất là GE – có bị ảnh hưởng bởi tình trạng rối loạn thị trường gần đây, việc tập trung vào canh tân công nghệ như một hoạt động chính đang giúp cho họ vượt lên, liên tiếp tạo ra những làn sóng tăng trưởng mang lại doanh thu cao.
Tuy vậy, những công ty hệ thống hóa sự canh tân cũng cần phải rà soát lại danh mục dự án của mình và tự trả lời những câu hỏi như: Chúng ta đã có đủ dự án chưa? Nếu một nửa số dự án hiện nay thất bại thì chúng ta có đạt được chỉ tiêu về doanh số và lợi nhuận không? Những ý tưởng nào cần được thúc đẩy, trì hoãn, hay loại bỏ? Các dự án trong danh mục đầu tư của chúng ta có sự khác biệt về nội dung mang tầm chiến lược hay không?
Những công ty tái cấu trúc
Loại cuối cùng trong những doanh nghiệp có khả năng hưởng lợi từ cuộc suy thoái kinh tế này bao gồm những công ty biết tận dụng mọi điều kiện để gia tăng những nỗ lực thay đổi thật sự theo bước đi của thị trường mà không đánh mất quyền kiểm soát. Một vấn đề cần phải thúc đẩy: mạnh dạn chấm dứt những hoạt động kinh doanh nào không còn mang lại hiệu quả.
Chúng ta nên chủ động thu gọn danh mục đầu tư của công ty trước khi thị trường buộc chúng ta phải làm điều đó. Cần phải thừa nhận rằng, cuộc suy thoái kinh tế là chiếc đòn bẩy tuyệt vời để cắt giảm những xí nghiệp, dây chuyền sản xuất, thương hiệu và những dự án gần hết hạn tồn tại hoặc không mang lại hiệu quả kinh tế mà còn “ăn theo” thành quả của các bộ phận khác.
Tuy vậy, nhà quản trị cần bảo đảm sẽ không vô tình dẹp bỏ những xí nghiệp, sản phẩm có tiềm năng sinh lợi hoặc chưa khai thác đầy đủ. Cần phải rà soát cẩn thận xem đơn vị kinh doanh đó, thương hiệu đó có còn “không gian” để mở rộng trong tương lai hay không, chúng có những tài sản nào có thể mở vào các thị trường mới hay không.
Cho dù kinh tế suy thoái thì các nguyên tắc cơ bản để tạo ra những doanh nghiệp tăng trưởng mạnh cũng vẫn không thay đổi: tìm ra những vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo, tìm ra một giải pháp mà người tiêu dùng đánh giá là tốt hơn so với những giải pháp hiện hành, xây dựng một mô hình kinh tế, một kế hoạch phát triển bền vững và hấp dẫn.
Quả thật là môi trường kinh doanh đang ngày càng khó khăn hơn, những rào cản trên đường tới thành công ngày càng cao hơn, nhưng trong gian nguy vẫn có những cơ hội lớn đang chờ những người năng động phát hiện ra và nắm bắt.
HUỲNH HOA (BusinessWeek)