Cáp quang biển và bài toán giá cước
Oanh Nguyễn
(TBVTSG) - Việc khai trương hệ thống cáp quang biển liên Á (IACS) vào giữa tháng 11 vừa qua không chỉ giúp tăng thêm cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam mà còn tăng thêm tính dự phòng trong việc kết nối quốc tế cho viễn thông Việt Nam.
IACS do Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVNTelecom) tham gia đầu tư cùng với Tata Communications (Ấn Độ) kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hồng Kông và Nhật Bản.
Trong dự án này, EVNTelecom góp 50 triệu đô-la Mỹ (tương đương 25% tổng vốn đầu tư của dự án) và chịu trách nhiệm đầu tư tuyến cáp từ Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) ra đến điểm kết nối ngoài biển với chiều dài 464 km trong tổng chiều dài 6.800 km của cả tuyến cáp. IACS có tốc độ truyền dữ liệu theo thiết kế là 3,84Tb/giây, cung cấp dung lượng đầu cuối ban đầu là 320Gb/giây.
Trao đổi với báo giới, ông Võ Quang Lâm, Phó giám đốc EVNTelecom, cho biết: “EVNTelecom được sử dụng 50Gb/giây dung lượng của tuyến cáp (bằng tổng dung lượng kết nối quốc tế của tất cả các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở Việt Nam năm 2008). Trong tương lai gần, con số này sẽ được tăng lên là 450Gb/giây. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam mở rộng dung lượng băng thông ra quốc tế.”
Trước khi tuyến cáp quang biển IACS đi vào hoạt động, Việt Nam có hai hệ thống cáp quang biển quốc tế là TVH và SMW-3 do Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) quản lý và vận hành. Hệ thống TVH với dung lượng mỗi hướng 560Mb/giây được đưa vào khai thác tháng 11-1995 kết nối ba thị trường Thái Lan, Việt Nam và Hồng Kông. Còn hệ thống SMW-3 dung lượng 80Gb/giây được đưa vào khai thác tháng 9-1999 kết nối Việt Nam với gần 40 nước Á - Âu.
Tăng thêm tính dự phòng
Trước đây, hai hệ thống cáp biển TVH và SMW-3 được coi là tuyến “huyết mạch” kết nối mạng viễn thông của Việt Nam ra thế giới và đảm nhiệm việc cung cấp các dịch vụ thoại, fax, truyền số liệu và phần lớn dung lượng Internet của Việt Nam.
Nhưng giờ đây, khi đã có thêm một tuyến cáp quang biển, tính dự phòng về kết nối trong truyền dữ liệu của Việt Nam sẽ tăng lên, đặc biệt với việc sở hữu dung lượng ban đầu lên tới 50Gb/giây.Cách đây vài năm, khi tuyến cáp quang biển TVH bị cắt trộm, nhiều người đã lo lắng bởi lúc đó Việt Nam chỉ còn duy nhất một tuyến cáp SMW-3 tải toàn bộ lưu lượng kết nối ra quốc tế. Nếu chẳng may tuyến cáp còn lại này có vấn đề thì Việt Nam sẽ bị cô lập về kết nối với thế giới.
Ông Lâm cho rằng, IACS là một trong những hệ thống cáp quang biển lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay được đưa vào khai thác. Đây cũng là tuyến cáp quang quan trọng để trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng ở Việt Nam và khu vực châu Á.
Trong vai trò là một nhà đầu tư của hệ thống cáp biển liên Á, EVNTelecom sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi kết nối từ Nhật Bản với bờ Tây nước Mỹ thông qua mạng lưới cáp ngầm xuyên biển Thái Bình Dương. Sự kết nối này sẽ góp phần nâng cao sự hiện diện của Việt Nam trên thị trường viễn thông quốc tế.
Giải pháp cho bài toán giá cước
Ông Lâm cho biết, hệ thống cáp quang biển liên Á đi vào hoạt động sẽ đem lại cơ hội giảm giá cước các dịch vụ viễn thông cho chính EVNTelecom và các doanh nghiệp viễn thông khác của Việt Nam, nhờ vào việc được khai thác các kết nối quốc tế với mức giá thấp hơn nhiều các tuyến cáp quang hiện tại. Nhu cầu về băng thông của các dịch vụ viễn thông như điện thoại cố định, điện thoại di động 2G và 3G cũng như các dịch vụ kết nối Internet sẽ được đáp ứng nhanh với giá cước rẻ cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Hiện tại và trong thời gian sắp tới, nhu cầu phát triển các dịch vụ 3G đòi hỏi hệ thống truyền dẫn có thể truyền tải một dung lượng thông tin lớn nên việc đưa tuyến cáp quang liên Á vào vận hành sẽ đáp ứng được yêu cầu này. Khách hàng là doanh nghiệp, các bộ, ngành có nhu cầu sử dụng dịch vụ kết nối Internet quốc tế, thuê kênh quốc tế và các dịch vụ dữ liệu khác sẽ được EVNTelecom đáp ứng với giá cước hợp lý.
Toàn bộ dung lượng kết nối đi quốc tế của Việt Nam hiện nay chủ yếu đi qua Trung Quốc, chính vì vậy, chi phí mua kênh kết nối cao. Trong khi đó, tuyến cáp IACS có kết nối trực tiếp đến Hồng Kông, Nhật Bản và Singapore sau đó sang Mỹ và châu Âu nên Việt Nam sẽ không phải trả chi phí kết nối từ các điểm này sang Mỹ và các nước châu Âu. Nhờ đó, khách hàng có thể mua được dung lượng kết nối sang Mỹ và các nước khác với giá rẻ hơn rất nhiều so với mua kết nối qua hệ thống cáp quang đường bộ đi qua Trung Quốc. Theo tính toán thì việc mua dung lượng kết nối qua cáp quang đường biển sẽ rẻ hơn 20% so với qua hệ thống cáp quang đường bộ.
Giới chuyên gia trong ngành đánh giá rằng việc đưa tuyến cáp quang biển này vào hoạt động không chỉ rút ngắn khoảng cách về công nghệ, nâng cao tính cạnh tranh và chất lượng phục vụ đối với khách hàng mà còn nâng cao dung lượng kết nối quốc tế cho Việt Nam, tác động tốt đến sự phát triển kinh tế-xã hội quốc gia.
VNPT tham gia xây dựng hệ thống cáp quang biển quốc tế Thủ tướng Chính phủ tuần qua đã có công văn chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) tham gia dự án xây dựng hệ thống cáp quang biển mới trong khu vực, cổng kết nối khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Gateway - APG). Đường cáp quang APG sẽ kết nối trực tiếp các nền kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Hồng Kông, Việt Nam, Thái Lan và Singapore. APG có tổng chiều dài là 8.000km, bắt đầu từ Hàn Quốc cho tới Malaysia với băng thông ban đầu là 4Tb/giây (1Tb/giây = 1.024Gb/giây). Trước đó, vào tháng 5-2009, VNPT cùng bảy nhà khai thác viễn thông châu Á khác đã ký kết biên bản ghi nhớ về thỏa thuận xây dựng tuyến cáp quang biển mới này. Dự kiến đường cáp APG sẽ đi vào hoạt động từ quý 3-2011, với số vốn đầu tư chung của các hãng viễn thông: China Telecom, China Unicom, Chunghwa Telecom, KT, NTT Communications, PLDT, Telekom Malaysia và VNPT. TelecomAsia trích nguồn từ NTT Communi-cations cho biết hệ thống cáp quang biển này sẽ cập bờ tại chín vị trí nằm giữa Singapore và Nhật Bản. Tuyến cáp APG đã được đề cập đến từ lâu và là dự án kế tiếp cho tuyến APCN-2, một tuyến cáp trong khu vực châu Á được triển khai năm 2001. Dự án cáp APG được xây dựng trong bối cảnh nhu cầu trao đổi dữ liệu trong khu vực tăng nhanh cộng với sự phát triển năng động của các nền kinh tế trong vùng. APG cũng được sử dụng làm giải pháp dự phòng cho các tuyến cáp biển hiện tại. S.N |