(KTSG) - “Vấn đề không chỉ là làm sao khai thác được nguồn lực đó một cách hiệu quả hơn. Câu hỏi đặt ra là chúng ta cần làm gì để có thể thu hút nhiều hơn nguồn kiều hối về Việt Nam”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế tài chính trao đổi với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.
- Kiều hối đổ về TPHCM trong năm 2023 đạt gần 9 tỉ đô la
- Việt Nam nằm trong top 10 thế giới về kiều hối
Nguồn lực rất quan trọng
KTSG: Trong năm 2023, TPHCM nhận được lượng kiều hối lớn nhất trong vòng 10 năm qua, đạt gần 9,5 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất, hơn 50% và tăng tới 143,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng kiều hối từ châu Mỹ và châu Phi đều giảm. Ông lý giải thế nào về mức kiều hối kỷ lục và sự thay đổi cơ cấu dòng kiều hối về TPHCM?
- TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đầu tiên, kiều hối luôn luôn là một nguồn ngoại tệ vô cùng cần thiết cho nền kinh tế Việt Nam. So với nguồn vay nước ngoài phải trả nợ và trả lãi, chúng ta không cần phải hoàn trả bất cứ khoản gì sau khi nhận kiều hối, trừ một số trường hợp kiều hối gửi về cho người thân, người quen theo hình thức góp vốn đầu tư. So với nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA), việc sử dụng kiều hối không phải chịu ràng buộc từ các chính phủ cho vay.
Như vậy, lượng kiều hối lên tới 190 tỉ đô la Mỹ mà Việt Nam nhận được từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) cho tới năm 2022 là một nguồn lực rất quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất trong các nguồn ngoại tệ được đưa vào nền kinh tế.
Trong năm 2023, riêng TPHCM đã nhận tới gần 9,5 tỉ đô la Mỹ kiều hồi, gấp gần 2 lần tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào TPHCM và bằng khoảng 14% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong cùng năm. Căn cứ vào con số này, có thể dự đoán, kiều hối về Việt Nam năm 2023 có thể lên tới mức 15-16 tỉ đô la Mỹ, cao hơn mức dự báo của Ngân hàng Thế giới.
Đây là một con số rất đáng khích lệ bởi như chúng ta đều biết, trong năm 2023, tình hình kinh tế thế giới không khả quan. Đặc biệt, lượng kiều hối từ châu Á vượt qua cả châu Mỹ, châu Phi, chiếm hơn một nửa lượng kiều hối về TPHCM chứng tỏ kênh xuất khẩu lao động đang vận hành tốt. Người lao động Việt Nam lao động ở các nước châu Á gửi về quê nhà một lượng kiều hối rất lớn.
Ưu tiên khai thác hay thu hút?
KTSG: Quả thật, kiều hối là “nguồn lực vàng” của nền kinh tế. Theo quan sát của ông, chúng ta đã sử dụng một cách hiệu quả nhất nguồn lực nói trên hay chưa và nguyên nhân là vì đâu?
- Đặt vấn đề như vậy là chúng ta đang chỉ quan tâm đến việc sử dụng nguồn vốn là kiều hối. Đặc điểm của kiều hối là việc sử dụng nguồn lực này phụ thuộc hoàn toàn vào mong muốn của những người gửi tiền về. Thông thường, kiều hối để phục vụ ba mục đích, một là để giúp đỡ trực tiếp cho người thân, họ hàng trong nước; hai là tích lũy; ba là để đầu tư.
Với mục đích thứ nhất, dòng tiền chuyển về sẽ được lưu thông trên thị trường, góp phần tăng tiêu dùng nội địa. Với mục đích thứ hai, dòng tiền sẽ được chuyển vào các kênh tích lũy khác như ngân hàng hay vàng. Với mục đích thứ ba, dòng tiền sẽ trực tiếp đi vào chuỗi giá trị hàng hóa trong nước. Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, khoảng 27-28% lượng kiều hối về TPHCM để đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.
Vấn đề không chỉ là làm sao sử dụng được nguồn lực kiều hối một cách hiệu quả, mà là sự thấu hiểu những yếu tố nào tác động đến nguồn kiều hối để chúng ta có thể xây dựng một kế hoạch tổng thể nhằm thu hút nhiều hơn nguồn kiều hối về Việt Nam và sử dụng nguồn lực đó một cách hiệu quả nhất cho việc phát triển quốc gia.
Điều quan trọng không kém là những yếu tố nào tác động đến nguồn kiều hối. Ngoài yếu tố kinh tế vĩ mô và tình hình tài chính, kinh doanh của kiều bào tại các “nước nguồn”, đặc biệt là lòng mong muốn của kiều bào có cơ hội đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Chúng ta phải nắm chắc tâm lý này.
Tóm lại, vấn đề không chỉ là làm sao sử dụng được nguồn lực kiều hối một cách hiệu quả, mà là sự thấu hiểu những yếu tố nào tác động đến nguồn kiều hối để chúng ta có thể xây dựng một kế hoạch tổng thể nhằm thu hút nhiều hơn nguồn kiều hối về Việt Nam và sử dụng nguồn lực đó một cách hiệu quả nhất cho việc phát triển quốc gia.
KTSG: Thưa ông, vậy chúng ta cần cải thiện điều gì? TPHCM đang xây dựng Đề án “Chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023-2030”, chắc hẳn đây là một cách tiếp cận phù hợp?
- Thứ nhất, tất cả cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cần có những chiến dịch phổ biến thông tin cho kiều bào về tình hình kinh tế - xã hội trong nước, những cơ hội, xu hướng đầu tư, những lợi ích mà nguồn kiều hối đã và có thể mang lại cho Việt Nam. Chẳng hạn, kiều bào sẽ hào hứng với các dự án đầu tư xanh, các dự án có tính chất cải thiện môi trường.
Tôi sống tại Mỹ, cũng được tiếp cận với các thông tin từ cơ quan ngoại giao của Việt Nam nhưng nhìn chung vẫn chưa có những chương trình phổ biến một cách rộng rãi. Cần phải thông tin để kiều bào biết những vùng nào, dự án nào cần nguồn lực và cách thức họ có thể tham gia đóng góp, đầu tư vào các vùng, các dự án này.
Đối với kiều bào đang ở trong nước thăm quê hương hay tham gia vào các chương trình, dự án hỗ trợ sự phát triển của quê hương, cần phải có các kênh liên lạc, phối hợp với nhau để hỗ trợ họ các vấn đề trong sinh hoạt đời thường như bảo hiểm y tế, cơ hội khám chữa bệnh hay khi họ gặp phải các sự cố bất ngờ như tai nạn, cướp bóc, hành hung…
Đặc biệt, cần có một trung tâm thu thập những khiếu nại, yêu cầu về thông tin, yêu cầu được trợ giúp của kiều bào và phản hồi các thông tin đó càng sớm càng tốt. Nhìn chung, chúng ta cần phải thực sự đồng hành với kiều bào về Việt Nam thông qua những hành động thiết thực.
Về đề án mà TPHCM đang xây dựng, rõ ràng, những kế hoạch như vậy đều rất tốt. Từ kế hoạch đó, thành phố tổ chức phổ biến cho kiều bào, để họ nhìn thấy các cơ hội đầu tư trên địa bàn.