Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Câu Nam Bình day dứt…

Trần Thanh Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Huế bị lụt. Cô em gái gửi vô mấy tấm hình nước lên gần ngang song cửa sổ. Thành Nội chìm khuất trong làn nước bạc. Chợt nhớ mấy câu trong bài thơ đăng trên tạp chí sông Hương tháng trước: “Người Huế xa quê cầm giọng Huế trên tay. Đêm đất khách câu Nam Bình day dứt…” (Huế, điều còn lại - Trần Cao Duyên).

Có lẽ day dứt hơn với Huế là những ngày qua, những ngày mưa lụt. Một bạn đồng nghiệp điện thoại nói trong màn mưa: “Trạm đầu nguồn sông Hương đo được lượng mưa lên đến hơn 1.000 mi li mét trong đợt mưa một ngày một đêm. Nhiều nơi ngập sâu, trừ miệt Nam Giao”.

Thời tiết cực đoan dội xuống xứ cố đô ràn rạt, nước lên nhanh khó chống đỡ. Cũng không chỉ đợt mưa này, hầu như vài ba năm, Huế lại có một trận mưa trắng trời trắng đất. Nó thử thách đến tận cùng cái sức chống đỡ không chỉ của con người, mà còn với lăng tẩm, miếu mạo, chùa chiền nơi đây… những danh thắng lưu dấu hàng trăm năm cái thâm u trầm mặc cổ kính của Huế. Đứng trước sức công phá, ngấm vào thân thành quách cổ xưa là những trận mưa “dốc nước”, là những nổi chìm của biết bao gia đình phải chất chồng kê vác để… chạy lụt.

Bạn tôi, nhà ở phía cầu Gia Hội xuôi về Bao Vinh, một trục đường khá thơ mộng quanh co nép mình bên một nhánh của dòng Hương, kể: “Vùng ni năm mô mưa to hầu như cũng bị ngập, nên chi của nả trong nhà cũng phải “thích ứng”, như con người rứa, nước lên thì mình phải tìm cách nổi. Không thì dễ bị… chìm”. Câu nói có vẻ tỉnh rụi với tính chất “tổng kết” ấy ở nơi bạn đang sống, dường như không hề… nghe chới với chút nào, khi tôi nhìn vào đoạn clip bạn gửi, trong ấy nước dòng Hương cuồn cuộn đang xoáy qua mấy nhịp Trường Tiền!

Hèn chi, dạo còn học ở Huế, khi nghe bản Tiếng sông Hương trong trường ca Hội Trùng Dương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, tôi nghĩ sao mà đúng đến thế: “Miền Trung vẳng tiếng. Em xinh, em bé tên là Hương Giang… Trời rằng trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi, khiến đau thương thấm tràn ngập Thuận An, để lan biển khơi ơi hò ơi hò…”. Mà sau những đoạn khúc trầm buồn da diết ấy, tôi dần dần hiểu ra tại sao người nhạc sĩ tài hoa đã cầu mong, hay gợi lên một viễn cảnh viên mãn, tươi mới rất tự nhiên, như nắng rọi rực rỡ sau ngày mưa tầm tã ở Ngọ Môn của kinh thành Huế.

Tạm dứt về mưa Huế, là một không khí khác, bởi sau những cơn mưa dồn dập là chớm đông về, Huế lạnh. Một cái lạnh trùm lên trên dưới ngang dọc thân thể Huế. Lúc này, âm hưởng thời tiết chuyển Huế sang một cung trầm rất đẹp, dù có đôi chút… chênh chao. Một thành phố vốn có chiều sâu của tâm tưởng, tri thức ở miền Trung với hệ thống các trường đại học nổi tiếng nên Huế dung chứa rất nhiều sinh viên từ nhiều nơi hội tụ.

Huế lúc này đẫm trong cái lạnh là dáng nét thanh tân với áo len khăn choàng và nụ cười hít hà xen lẫn chút suy tư của các chàng trai cô gái trên những con đường dẫn về giảng đường đại học. Cảnh ấy, khi dạo bước qua những cây cầu cũ, mới của Huế nhìn thấy không hiếm. Có chăng lúc này, sẽ có tâm trạng bồi hồi hoài vọng day dứt cho những ai đã từng sống và học tập ở Huế có dịp trở lại, khi chợt thoảng nghe câu Nam Bình vẳng lên từ chiếc ghe nhỏ đang từ từ quạt mái chèo xuôi về Cồn Hến.

Mấy lần tôi trở về với thành phố này, có khi vừa rời đi thì mưa ngập mọi chốn. Có khi vừa đến thì đón những ngọn gió bấc tràn về phủ một làn sương mỏng lên mặt sông, thỉnh thoảng lại cuộn xoáy hơi rét phả lên những con đường. Lúc ấy, dường như rất khác với cái vị mát lạnh dịu dàng của làn gió thổi mùa hè, khi ấy dòng Hương ngời ngợi trong xanh, êm đềm lững lờ trôi về phía hạ lưu.

Bởi vì đã từng có mùa hè như vậy, trong làn gió ấy bên gốc phượng già tỏa bóng đầu cầu Trường Tiền, tôi hình dung mình đang thoảng nghe một chút hương của cỏ thạch xương bồ đâu đó. Như giai thoại nhiều người từng truyền tụng, rằng cái tên sông Hương là do kết tụ mùi thanh khiết của loài cỏ mọc nhiều ở phía thượng nguồn dòng sông, mà có.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới