“Cầu thơm vừa đủ xài”
Nguyễn Vinh
Mâm ngũ quả "Cầu thơm vừa đủ xài" của người Sài Gòn. Ảnh: TL |
(TBKTSG Online) - Từ mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết của người Sài Gòn nói riêng, Nam Bộ nói chung, có thể thấy thứ triết lý sâu xa về vạn vật đã được “biến tấu” hay “diễn giải” theo cách riêng.
Ngũ quả, trong văn hóa Trung Hoa cổ đại, trước hết, là tượng trưng cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ - đó là năm nguyên tố tương sinh và tương khắc với nhau mà cấu thành nên vạn vật trong vũ trụ.
Người phương Đông xưa cũng quan niệm thiên - địa - nhân hợp nhất vừa trên khía cạnh vật lý lẫn tinh thần, nên mâm ngũ quả cũng có thể là biểu tượng cô đọng mà con người hướng đến vũ trụ bao la (đất trời) trong phút giao hòa của mùa xuân, cầu mong sự hài hòa đó sẽ đem lại sinh sôi, tốt lành.
Tuy nhiên, mỗi vùng miền, mỗi thời đại sẽ “dịch văn hóa” theo một cách riêng. Hay nói rõ hơn, cái quan niệm xuất phát từ trong thời kỳ nông nghiệp cổ xưa đó đã du hành vào trong thời đại hôm nay và “sống” ở mỗi vùng miền với một diện mạo khác biệt.
Điều thú vị ở đây, ngay trong việc chọn ngũ quả thể hiện lòng thành (với tổ tiên, thần thánh) và bày tỏ nguyện ước cho năm mới xem ra được đơn giản hóa ít nhiều, có hiện tượng chơi chữ đồng âm hoặc theo cảm nhận trực quan của người bình dân. Mâm ngũ quả người Sài Gòn thường có năm loại quả: mãng cầu, thơm, trái dừa non, đu đủ và xoài. Tên 5 loại quả đó ghép lại, theo giọng Nam là: cầu thơm dừa (vừa) đủ xoài (xài). Một vài nơi thay quả thơm bằng quả sung, thì ghép lại sẽ là: cầu sung vừa đủ xài. Chuyện vui, mâm ngũ quả ở miền Bắc hay miền Trung thường có nải chuối đặt dưới như một bàn tay, ôm trọn bốn thứ quả khác bên trên, về thị giác thì ổn, nhưng người miền Nam nói rằng, như vậy là chắc là “tiêu tùng”, vì chuối dễ đọc thành “chúi”. Hổng lẽ “cầu chúi vừa đủ xài”, “cầu xài vừa đủ… chúi” hay “cầu đủ chúi vừa xài”!? (Có lẽ thần thánh hay tổ tiên của người Nam Bộ thì… phải nói giọng Nam thì mới hiểu ước nguyện con cháu hậu duệ!)
Dạo gần đây, trên mâm ngũ quả xuất hiện nhiều loại quả mới và về theo thị giác là tốt cũng được nhiều người chọn, vì chúng chuyên chở nhiều ước nguyện tích cực. Ví dụ: trái phật thủ, có hình bàn tay Phật, cầu mong sự chở che bình an trong một đời sống nhiều bất an, trái thanh long với cầu mong thời vận tốt như rồng gặp mây trong bối cảnh kinh tế ảm đạm. Nghe nói, năm nay còn có cả loại dưa hấu có bản đồ chủ quyền biển đảo Việt Nam, chắc là cầu mong chuyện biển đảo ổn định, không bị nước láng giềng “trỗi dậy sinh sự” như năm qua…
Tóm lại, là một hình thức tín ngưỡng dân gian, nên cái câu chuyện mâm ngũ quả cũng chấp nhận sự phát sinh dị bản. Cái ẩn ngữ sâu xa triết lý nằm đâu đó trong lễ thức “xưa bày nay làm”, có khi người ta cũng chẳng bận lòng lắm về lai lịch của nó làm gì. Bản thân niềm tin an lạc khi thực hành nghi thức đặt một mâm ngũ quả tươi, thắp một nén hương và nghĩ đến những điều tốt đẹp cũng đã đem lại cho tâm hồn con người sự bình an, hy vọng và hướng thượng. Bấy nhiêu thôi đã đủ kích hoạt thứ sinh khí nội tại cho mỗi người có nguồn hứng khởi để xuất phát cho năm mới tốt lành.
Màu hoa quả tươi trên bàn thờ, mâm cúng cũng đem lại màu sắc thiên nhiên sung túc khỏe khoắn. Dù hiểu cách nào, quan niệm ra sao, dưới hệ quy chiếu vùng văn hóa hay ngôn ngữ vùng miền nào đi nữa, thì ý hướng về nguồn cội, ý thức hướng đến lao động tích cực và một khát vọng về một đời sống tốt lành bình an là điều ý nghĩa nhất phía sau mỗi mâm ngũ quả.
Và cuối cùng, giá trị của những nguyện ước chính là những nỗ lực biến nguyện ước trở thành thực tiễn.
Xem thêm: