(KTSG) - Bão lũ ngoài xứ Bắc mùa thu này khiến nhiều người có những đêm mất ngủ, trong đó có thành phố phương Nam, dù xa xôi vạn dặm.
- Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM ủng hộ người dân vùng bão lũ
- Sau bão lũ, nhiều điểm du lịch ở miền Bắc đón khách trở lại
Khi bão vào đến, cây cối ngả nghiêng bật gốc. Rồi gió đi mưa đến, nẫu ruột nẫu gan khi thấy nơi này nơi kia trượt sạt, lở đất. Người thiệt mạng ra đi nhiều vì có thể vắng bóng cây bao năm qua, không có rễ cắm vào giữ đất. Nhìn cảnh tan hoang vì bão ào tới, mưa lũ ập về, nhiều lúc cứ tha thẩn ước gì ước gì…
Những mái nhà nép mình vào chân đồi vách núi trống huơ, nơi dòng chảy cuồn cuộn lũ xói vào. Vắng những rừng cây, quả nhiên cơn thịnh nộ của đất trời càng nghiệt ngã hơn. Đọc thông tin về làng Nủ, vốn bình yên bao ngày trước, nghĩ rằng có lẽ vùng đất này đẹp lắm khi ở trạng thái bình thường. Chưa bao giờ người ta ngờ tới có một ngày sạt lở gây tang thương đến vậy. Nhìn, mà không tin vào mắt mình bởi sự đặc tả của ống kính máy ảnh, máy quay gợi lên một cảm giác khác thường, lúc thâu nhận vào trong đó quá nhiều nước mắt.
Mùa mưa bão này ghi vào lịch sử khí tượng nhiều kỷ lục mới: bão có sức gió quá to, lượng mưa nhiều vùng quá lớn, cấp báo động mực nước sông dâng nhanh. Với địa hình sông núi đất nước mình, khó có thể chống đỡ nổi cùng lúc quá nhiều kỷ lục từ thiên nhiên như vậy. Chỉ còn cách thích ứng “sống chung”, cố gắng hết sức tránh né và khắc phục thật tốt hậu quả. Bởi mỗi khi thiên tai lớn quá mức phòng tránh đối với nhiều quốc gia, ấy là sự bất khả kháng. Huống chi, thời tiết ngày càng khắc nghiệt cực đoan, gay gắt hơn do biến đổi khí hậu!
Nhưng, thực tế diễn ra của thiên tai luôn đối diện và mâu thuẫn với tâm trạng con người. Khi nghe bão ập vào với sức gió quá lớn, lũ cuồn cuộn đổ về, hầu như ai cũng sốt sắng lo sợ và xem sự hoành hành của thiên nhiên đối với mọi sinh linh trên cõi đời này như vậy là “không thể chấp nhận được”. Chấp nhận sao nổi khi con người như chiếc lá trước giông bão. Chấp nhận sao nổi khi biết bao nhiêu công trình hạ tầng, nhà cửa bỗng nhiên bị lũ xoáy cuộn, vỡ vụn. Và bao nhiêu là cây, trước gió ấy chẳng thể vi vu du dương như trước. Nó như bị một nỗi căm giận nào dồn ép, bật ngược rồi ngã gục.
Đó là lúc cây không còn sức chống đỡ. Nhưng con người thì vẫn bên nhau để gắng sức tồn tại, đấu tranh với sự khắc nghiệt của thiên nhiên cho dù đến kiệt cùng, để sống.
Ý nghĩa của sự khác nhau ấy ập đến với tôi, khi nhìn thấy ánh sáng ấm áp của tình người. Ánh sáng ấy lan tỏa từ miền Bắc, đến miền Trung vào miền Nam. Hình ảnh hàng đoàn xe xuôi vạn lý chở theo bao thứ thực phẩm, lương thực, áo quần và vật dụng thiết yếu… nối đuôi nhau đến vùng bão lũ, cứ chập chờn lúc thức lúc ngủ. Bà con ở những xóm ấp xa xôi ở miền Trung gom góp rổ trứng, hũ muối sả, chiếc áo ấm, nổi lửa thức xuyên đêm nấu bánh tét giúp đồng bào lại như “thách thức” những cái kỷ lục khắc nghiệt ấy của thiên tai. Rất khó diễn tả hết bằng lời!
Buổi trưa. Tôi ngồi trước máy tính lướt xem tình hình mực nước của các con sông ngoài ấy lên xuống ra sao. Biểu đồ lên xuống của con nước, sự vững chãi chống đỡ ra sao của các con đê cây cầu… đôi lúc khiến trạng thái cơ thể lạ lắm. Hồi hộp rồi lóe chút vui mừng. Nín thở rồi vỡ òa tan dần lo lắng. Rồi tôi nhận cuộc điện thoại của một bạn trẻ, hỏi rằng có cách nào vận chuyển mấy ngàn chiếc áo phao ra cho bà con ở những vùng bị cô lập do lũ hay không. Chốc sau, hàng loạt tin nhắn hiện lên trên điện thoại. Hóa ra nhóm bạn trẻ ấy đã kết nối và tìm cách vận động một số lượng lớn áo phao trong mấy ngày qua, bây giờ tìm cách chuyển ra cho bà con.
Tôi liên hệ vài nơi và hướng dẫn cho nhóm trưởng cách thức tiếp nhận và phân phối. Thế rồi, suốt buổi tin nhắn vẫn ập đến từng loạt. Mạch đập nhân ái ấy vẫn dồn dập, khiến tôi hình dung như hàng triệu mạch máu li ti của tình nghĩa đồng bào vẫn chảy mãi trên cơ thể đất nước này.
Tự dưng tinh thần thấy nhẹ nhõm hơn một chút, và hy vọng!