Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chặng đường mới trên hành trình ‘phiêu lưu’ với nông nghiệp của các tỉ phú Việt

Việt Dũng

-

(KTSG Online) - Trong 10 năm qua, câu chuyện một số doanh nhân giàu nhất thị trường chứng khoán liên tục đổ tiền vào nông nghiệp đã khiến thị trường cổ phiếu đôi lúc bị ảnh hưởng từ những biến động của các đại nông trường. Sau một thời gian nỗ lực giải bài toán “trồng cây nào, nuôi con gì?”, đã có nhiều gương mặt rời đi, còn những người kiên trì ở lại cũng đã bước sang một giai đoạn mới.

Việc đầu tư vào nông nghiệp ở thời điểm cuối 2014 đầu 2015 được đánh giá thuận lợi như “diều gặp gió”, khi áp lực từ các hiệp định thương mại đã thúc đẩy chính sách của nhà nước hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp ngày một lớn. "Nông nghiệp thời tỉ phú" luôn có hai xu hướng chủ đạo chính là đầu tư cơ bản từ đầu và đi tắt thông qua mua bán và sáp nhập (M&A). Tuy nhiên, điểm chung nhất vẫn là bài toán tìm kiếm tăng trưởng của các đại gia này, khi lĩnh vực cốt lõi đã dần bão hòa. Thời gian qua đã có người đến, có kẻ đi và thị trường cũng có những bước tiến hóa nhất định.

Thời kỳ bất động sản rơi vào khủng hoảng 10 năm trước, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã tuyên bố rút khỏi thị trường và đầu tư vào nông nghiệp, nhằm tìm kiếm mức tăng trưởng bền vững hơn. Doanh nghiệp của bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch HĐQT HAGL) được xem là ông lớn đầu tiên trên sàn chứng khoán có những tuyên bố nghiêm túc với nông nghiệp.

Hầu như các thông tin về việc đầu tư vào nông nghiệp của HAGL đều mang những giá trị tích cực, mà điểm sáng được chú ý chính là đàn bò. Sự thay đổi đáng kinh ngạc của các ông lớn đi làm nông nghiệp như bầu Đức đó là thay đổi nhanh chóng quy mô canh tác lẫn trang trại.

Tuy nhiên, việc đổ vốn đến khoảng 18.000 tỉ đồng cùng một trải nghiệm 5 năm đầu tiên đi nuôi trồng của HAGL đã cho thấy làm nông nghiệp chuyên nghiệp trên quy mô lớn không hề đơn giản. Trong khoảng thời gian thực sự sống với nông nghiệp, HAGL cũng đã xoay vòng đủ cách để ổn định tình hình.

Tiếp sau HAGL, tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng tiến vào nông nghiệp khi xây dựng chuỗi khép kín trồng và tiêu thụ rau sạch. Tập đoàn này đầu tư vốn đến khoảng 2.000 tỉ đồng  vào VinECo cho tham vọng định vị lại thị trường rau sạch tại Việt Nam với đầu ra là chuỗi siêu thị Vinmart.

Trong gia đoạn này, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cũng nhảy sang mảng nông nghiệp, khi dành 300 tỉ đồng thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên với công suất 300.000 tấn/năm. Đây là bước khởi đầu để tập đoàn này bước vào công cuộc nuôi heo, bò và gà quy mô lớn như hiện nay.

Đàn bò của Thagrico trong chiến lược mở rộng vào nông nghiệp. Ảnh: DNCC

Đi sau đôi chút, nhưng không chọn khai khẩn từ đầu như Hòa Phát, HAGL, Vingroup… nhiều đại gia đã chọn “lối tắt”, bằng cách mua lại hoặc sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp trong lĩnh vực muốn nhắm tới. Massan và Pan Pacific đang là các đơn vị lựa chọn chiến thuật này một cách triệt để nhằm xâm nhập vào lĩnh vực nông nghiệp.

Những doanh nghiệp có vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán đều lựa chọn con đường bước vào mảng nông nghiệp theo cách của riêng mình. Nhưng điểm chung giữa họ chính là việc cùng nhau mở rộng quy mô nuôi trồng với nguồn lực tài chính dồi dào lẫn khả năng ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Tuy nhiên để đi đường dài với nông không đơn thuần là mở rộng quy mô, đầu tư dây chuyền máy móc mà còn phải có chiến lược thích hợp với thị trường. Tài chính trong nông nghiệp là quan trọng nhưng không phải là tất cả nếu họ bị động khi thị trường thiếu đi sự ổn đinh. Trong cuộc chơi này đã chứng kiến nhiều đại gia vấp ngã và rời đi.

Câu chuyện của HAGL đến nay vẫn luôn được xem là kinh điển trong xu hướng đầu tư nông nghiệp quy mô lớn của các đại gia. Đây là doanh nghiệp được cho là thẳng thắn nhất trong tuyên bố làm nông nghiệp . Nhưng hành trình trong giai đoạn đầu tiên của HAGL cho thấy con đường làm nông quy mô lớn không đơn giản chỉ có “gieo và gặt”.

Thực tế, từ 2008 HAGL đã trồng cao su tại Lào và được đánh giá là đầy cơ hội khi giá cao su thế giới thời điểm 2010-2011 neo cao. Nhưng tới 2013-2014, khi cây cao su tới tuổi cho mủ thì giá tụt dốc, doanh nghiệp lao đao. Để theo đuổi nông nghiệp, HAGL đành tạm gác mũi nhọn cao su, hướng qua mía đường, dầu cọ và nuôi bò.

Sau một gần một thập niên "nếm mật nằm gai" và trả giá bằng tài sản HAGL đã phần nào tìm thấy lời giải cho bài toán "nuôi con gì, trồng cây nào?". Ảnh minh họa: DNCC

Sau nhiều lần thất bại, doanh nghiệp cũng phải có giai đoạn bí mật “ủ mưu”, vì không chịu nổi áp lực từ cổ đông lẫn thị trường. Và giữa những khó khăn, hoài nghi, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL, mới “thành thật” về dự án trồng chanh dây, thanh long, chuối… xuất khẩu.

Tuy nhiên, chừng đó là vẫn chưa đủ để doanh nghiệp đi đến cuối hành trình. HAGL lại một lần nữa thu gọn cơ cấu sản phẩm và nhờ sự trợ giúp về vốn từ đối tác, qua việc bắt tay với Thaco. Việc cơ cấu lại doanh nghiệp, chấp nhận bán tài sản có giá trị hàng tỉ đô la đã giúp HAGL tiếp tục con đường của mình với nông nghiệp.

Chế biến sâu là chiến lược hoàn thiện chữ "F" cuối cùng trong mô hình sản xuất 3F của Masan Consumer. Ảnh: DNCC

Không theo đuổi đến cuối con đường như HAGL, một ông lớn khác là Vingroup đã dừng chân trên hành trình “làm nông” của mình bằng một thương vụ. Từ năm 2019, Tập đoàn Masan nhận chuyển nhượng VinEco và Vincommerce để tiếp tục hành trình mà Vingroup để lại cho đến nay.

Trước Vingroup cũng có nhiều doanh nghiệp bước chân vào cuộc “phiêu lưu”với nông nghiệp quy mô lớn như Gemadept, Quốc Cường Gia Lai. Cả từng có ý định gắn bó đường dài với cao su, nhưng diễn biến của thị trường gần đây và nguồn vốn không nhỏ phải đổ vào cao su đã buộc công ty nhìn nhận lại chiến lược của mình. Một đại gia phố núi khác cũng tuyên bố đổ vốn vào nông nghiệp là Đức Long Gia Lai với trồng bắp và nuôi bò sữa từ năm 2014 nhưng đến nay đàn bò vẫn chưa thấy về trang trại.

Câu chuyện đến và đi của nhiều đại gia kể trên có lẽ là những bài học điển hình để các doanh nghiệp bước vào nông nghiệp một cách căn cơ, có chiến lược dài hơi, hơn là việc tính toán theo phép cộng trừ cơ học.

10 năm trước, việc rót vốn vào nông nghiệp như một cuộc “dò đường” tìm kiếm tăng trưởng, và thực tế đã chứng minh cuộc chơi này không hề đơn giản, với hàng loạt thất bại. Song, dòng vốn hàng tỉ đô la vẫn liên tục được các doanh nghiệp lớn rót vào lĩnh vực này. Với những người kiên trì và trường vốn dường như đã sẵn sàng cho một cuộc chơi chuyên nghiệp hơn, và đích đến là hệ thống nông nghiệp công nghệ cao.

Sau một thập kỷ “nếm mật nằm gai” và trả giá bằng tài sản thì đến nay HAGL đã phần nào nhìn tỏ được con đường bằng hệ sinh thái nông nghiệp hướng kinh tế tuần hoàn. Dù chưa thoát hẳn các khoản lỗ nhưng dòng tiền đã ổn định và không mất thanh khoản như nhiều năm trước. Quan trọng nhất là bài toán “nuôi con gì, trồng cây gì?” đã bước đầu tìm được hướng ra.

Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Anova Feed của Nova Consumer. Ảnh: DNCC

Việc cho heo ăn chuối giúp HAGL tránh được bão giá thức ăn chăn nuôi và đặt tham vọng 1 triệu con vào năm 2022. Chia sẻ với cổ đông về những tham vọng trong mảng nuôi heo và trồng chuối, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cho biết nhờ việc cho heo ăn chuối và đạm thực vật nên chi phí nuôi chỉ 38.000 đồng/kg (chi phí thị trường 58.000 đồng/kg).  Đặt trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng tới 11 lần kể từ cuối năm 2020 đến nay thì con số này khiến nhiều người bất ngờ.

Theo chia sẻ của ông Đức một nửa số chuối tại HAGL thu hoạch (khoảng 200 nghìn tấn mỗi năm) không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Thay vì bỏ đi, số chuối này được sấy khô và nghiền thành bột và phối trộn với đạm thực vật làm thức ăn cho heo. Thành phần từ chuối chiếm 40% cấu thành thức ăn chăn nuôi.

Trong kế hoạch của bầu Đức thời gian tới không đơn thuần bán heo hơi mà mở rộng hệ sinh thái bao gồm lò mổ, các cửa hàng phân phối thịt và nhà máy chế biến xúc xích, dăm bông và các sản phẩm khác từ thịt heo.

Như vậy, thời gian tới khối lượng 1 triệu con heo của HAGL không đơn thuần là bán “thô” (tức heo hơi) mà sẽ đưa vào hệ sinh thái như một bài toán sống còn giúp doanh nghiệp "rũ bùn đứng dậy". Các sản phẩm thịt heo ăn chuối của HAGL đã ra mắt thị trường Đà Nẵng và bước đầu dược người tiêu dùng đón nhận.

Hay như chuyện Masan nhận chuyển nhượng công ty nông nghiệp và chuỗi bán lẻ của Vingroup không phải là một sự bắt đầu mới mà là tiếp nối hành trình với nông nghiệp của mình trước đó. Đây có thể là mảnh ghép hoàn hảo cho mô hình 3F (Feed – thức ăn chăn nuôi, Farm – nông trại, Food – thực phẩm) của đại gia hàng tiêu dùng này.

Vẫn là chiến lược M&A quen thuộc hệ sinh thái doanh nghiệp trong nông nghiệp của Masan hiện nay tương đối hoàn chỉnh từ thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến sâu và kênh phân phối… Đây là cơ sở để doanh nghiệp này hoàn thiện chữ "F" cuối cùng (sản phẩm chế biến sâu) trong mô hình 3F của mình.

Hệ sinh thái doanh nghiệp trong nông nghiệp của Masan hiện nay tương đối hoàn chỉnh từ thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến sâu và kênh phân phối. Ảnh minh họa: DNCC

Năm 2018, Masan ra mắt thịt mát có thương hiệu Meat Deli với nhà máy ở Hà Nam, đến năm 2020 mở rộng thêm với tổ hợp MEATDeli Sài Gòn với số vốn đầu tư 1.800 tỉ đồng. Công ty này cũng mua lại Công ty 3F Việt, doanh nghiệp nội địa cung cấp các sản phẩm thịt gia cầm hoạt động theo mô hình 3F và mới đây là công bố đầu tư trung tâm công nghiệp thực phẩm quy mô lớn ở Hậu Giang với số vốn 3.500 tỉ đồng. Chiến lược trong giai đoạn tiếp theo của Masan tương đối rõ ràng: sản phẩm chế biến sâu.

Khi lĩnh vực nông nghiệp đã phát triển lên một tầng nấc mới với những mô hình mới thì việc những “tay chơi” mới xuất hiên cũng là điều dễ hiểu. Nova Group cũng cho thấy tham vọng của mình trong nông nghiệp tương đối nghiêm túc với mảnh ghép Nova Consumer.

Masan giải bài toán phân phối cho hệ sinh thái nông nghiệp của mình bằng chuỗi bán lẻ tiếp quản từ Vingroup. Ảnh minh họa: DNCC

Nova Consumer được xem là người "mới nhưng mà cũ" bởi tiền thân là Anova Group, doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉ phú Bùi Thành Nhơn trong lĩnh vực thuốc thú ý.  Từ những trải nghiệm lịch sử cùng những bài học kinh nghiệm từ những người tiên phong làm quy mô lớn giúp Nova Consumer nhìn nhận một cách thấu đáo về đầu tư nông nghiệp. Với tiềm lực tài chính của mình Nova Consumer cũng mạnh tay đầu tư vào sản phẩm chế biến hơn sau kế hoạch phát triển kênh bán lẻ.

Cụ thể, sau thương vụ khép kín chuỗi 3F, Nova Consumer sẽ mở rộng quy mô trang trại heo trong quí 4 tới đây và mở rộng kênh bán lẻ. Trong đó, bao gồm việc đẩy mạnh kênh phân phối xuất khẩu, phát triển các sản phẩm mới và tiếp tục các hoạt động M&A.

Trang trại chăn nuôi thuộc Nova Consumer tại Hàm Tân, Bình Thuận. Ảnh: DNCC

Nhìn lại 10 năm của phong trào đầu tư nông nghiệp đã xuất hiện sự bỉ bai về trồi sụt cổ phiếu, những món nợ, tỷ lệ đóng góp bé nhỏ của nông nghiệp vào doanh thu, vài cuộc tháo chạy... Đến nay trong những cái tên đình đám “rẽ ngang” làm nông nghiệp vẫn còn đó HAGL, Hòa Phát, Masan, Thaco, SSI… bám trụ và sẵn sàng cho một chặng mới về nông nghiệp công nghệ cao.

Thực tế đã chỉ ra rằng làm nông không phải cứ gieo xuống là gặt được, không phải cứ mở rộng quy mô là mở rộng tăng trưởng. Tuy nhiên, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này từ các đại gia trên vẫn ngày một nhiều hơn, cho thấy để hiểu tường tận cần phải chấp nhận rủi ro để đi cùng nó. Khi thị trường thay đổi, họ cũng chấp nhận thay đổi để tìm ra hướng đi phù hợp và một chặng mới lại bắt đầu với những người cũ.

Nội dung: Việt Dũng - Đồ họa: Thu Trang - Hình ảnh: DNCC

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi thấy nông lâm nghiệp, đơn cử ngành tre Việt Nam rất tiềm năng, thấy có BWG của đầu tư Sao Thái Dương đang đầu tư khá bài bản nhưng cần có cơ chế hỗ trợ vốn xanh cho doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây