(KTSG Online) – Một ngày làm việc của Lê Ngọc Biết luôn bắt đầu từ 2 giờ sáng, với điểm đến quen thuộc là chợ đầu mối Bình Điền, và thành quả thu về là những phần bỏ đi của cá do tiểu thương sơ chế vào đầu ngày. Công việc này đã được Ngọc Biết làm lâu nay để duy trì nguồn nguyên liệu vảy cá đều đặn trong 5 năm, từ khi anh khởi nghiệp với dự án sáng tạo vảy thành những bức tranh, hoa nghệ thuật.
- Làng công nghệ sinh thái kết nối, hỗ trợ khởi nghiệp xanh
- VinUni thành lập trung tâm khởi nghiệp E-Lab
Năm 2017, trong một lần chế biến cá do gia đình gửi từ miền quê Phú Yên vào, Ngọc Biết phát hiện vảy cá tươi dưới ánh nắng có thể tạo ra hiệu ứng lấp lánh. Từ đó, anh nảy ra ý tưởng làm tranh hình cá từ vảy cá. Đặc biệt với vảy cá chép, bức tranh sẽ có thêm ý nghĩa "cá chép hóa rồng", mang ý nghĩa may mắn theo quan niệm dân gian.
Nghĩ là làm, Ngọc Biết viết dự án, ghi tên dự thi các cuộc thi khởi nghiệp đang diễn ra sôi động lúc bấy giờ. Anh chia sẻ qua các cuộc thi, ban giám khảo đã hướng dẫn, chỉ cho anh các vấn đề hạn chế cũng như những yếu tố thiếu tính khả thi của sản phẩm, để anh tự tìm ra cgiải pháp khắc phục và đưa dòng tranh hoa vảy cá ra thị trường ngày hôm nay.
“Ban tổ chức cho rằng đây là ý tưởng táo bạo, nhưng điều khó thực hiện nhất vẫn là làm sao cho vảy cá mất đi mùi tanh mà vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên của nó sau khi dùng nhiều chất tẩy rửa mạnh. Tôi dành thời gian nghiên cứu tìm ra công nghệ rửa mùi tanh, tiếp tục đem đi tham dự nhiều sân chơi khởi nghiệp lớn nhỏ khác nhau, bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường”, Ngọc Biết chia sẻ.
Để biến vảy cá thành sản phẩm thủ công có tính thẩm mỹ, ứng dụng trang trí trong đời sống thực tế và kiếm được khách hàng chịu bỏ tiền ra mua, Ngọc Biết đi tiếp trên hành trình tìm ra cách nhuộm màu vảy cá sao cho tự nhiên và giữ được lâu nhất có thể. Anh kể mình đã thử qua rất nhiều cách lên màu khác nhau từ truyền thống đến hiện đại và tìm ra phương pháp nhuộm chưa từng nghe qua trước đây.
Anh cũng dùng vảy cá “hô biến” thành nhiều sản phẩm thủ công (handmade), đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm hoa như hoa hồng, hoa tu-líp. Ngoài cá chép, anh còn dùng thêm vảy của nhiều cá khác theo mùa để biến tấu linh hoạt.
Câu chuyện tìm ra công nghệ khử tanh, nhuộm màu vảy cá chưa hẳn là vấn đề khiến anh trăn trở nhiều mà bài toán khó lại chính là nguồn nguyên liệu. Sau một hai sản phẩm thành công ban đầu chào thị trường, lượng đơn tăng lên mỗi ngày cũng là lúc Ngọc Biết phải tìm nguồn nguyên liệu từ khắp nơi để duy trì việc gia công liên tục.
Anh nhớ lại những ngày len lỏi vào từng khu chợ, đến từng hàng cá để xem hàng và đặt hàng riêng loại phế phẩm này với giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng một kg. Ngọc Biết còn tìm đến nhiều nhà hàng lớn, chuyên có loại cá to, đẹp, hiếm để xin bộ vảy sau khi họ sơ chế thực phẩm.
“Nhiều người nghĩ việc tôi làm có chút kỳ lạ. Ai đời đi xin vảy cá về làm gì khi nó chỉ là thứ vứt đi ở chợ. Nên tôi gặp khó khăn lúc ngỏ ý muốn mua vì đa số họ cảm thấy mất công, phiền hà khi dành riêng. Nhiều lần cuối buổi tôi kiên trì đến xin cô chú một bọc toàn xà bần cá như mang, vảy, lòng cá, mấy đồ bỏ đi… riết cũng quen, nên giờ nguồn vảy cá từ các chợ tôi chủ động được, nhiều nhất là từ chợ đầu mối”, anh kể.
Hiện tại, Ngọc Biết còn liên hệ và đặt mua vảy cá từ các nước lân cận để tìm nguyên liệu vảy kích cỡ to, có hiệu ứng đẹp khi dùng trang trí. Trung bình mỗi ngày anh thu được từ 50kg đến 70kg vảy cá, những ngày may mắn có khi được cả trăm kg vật liệu. Sau khi thu hàng trực tiếp ở chợ, anh sẽ đem đến nhà một số chị em nội trợ nhận khoán để rửa, lọc riêng vảy cá không còn dính chất dơ, rồi đem về xử lý mùi tanh, tiến hành các bước nhuộm màu sau đó.
Đội ngũ của Ngọc Biết hiện có gần 80 thợ làm thủ công, hầu hết là những bạn trẻ khuyết tật được giới thiệu các trung tâm hỗ trợ khác nhau. Chàng trai Phú Yên mong muốn nhân rộng mô hình, ngày càng nhiều người biết đến sản phẩm làm từ vảy cá và tạo thêm công ăn việc làm, chủ động nguồn thu nhập tự do cho nhiều lao động khác nhau.