Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chanthaburi – thành phố Ánh trăng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chanthaburi – thành phố Ánh trăng

Lâm Văn Sơn (*)

Những vũ điệu dân tộc chào mừng đoàn khảo sát du lịch đến Chanthaburi. Ảnh: Lâm Văn Sơn

(TBKTSG Online) – Hàng năm, ngành du lịch Thái Lan tổ chức nhiều chuyến khảo sát dành cho doanh nghiệp lữ hành các nước trên thế giới nhằm quảng bá và xúc tiến khai thác các điểm đến mới. Chuyến khảo sát điểm đến Chanthaburi lần này có gần 300 người làm việc trong lĩnh vực lữ hành đến từ các nước Myanmar, Lào, Việt Nam và một số doanh nghiệp lữ hành của Thái Lan.

Chuyến bay Thai Air Asia FD 3721 đưa chúng tôi đến sân bay Suvarnabhumi (Bangkok) lúc 11 giờ. Một vị đại diện của Hiệp hội Du lịch tỉnh Chanthaburi cùng một hướng dẫn viên kỳ cựu và mấy người nữa đã chờ sẵn, mời chúng tôi lên xe với những nụ cười thân thiện.

Bữa ăn trưa đầu tiên trên đất Thái, chúng tôi được đưa đến nhà hàng Royal Dragon, nơi có thể đón tiếp cùng lúc đến 5.000 thực khách với các thực đơn chủ lực là những món ăn Trung Hoa và phong cách phục vụ rất chuyên nghiệp. Nhân viên nhà hàng mặc trang phục theo kiểu người Hoa thời Mãn Thanh; họ đi lại nhanh nhẹn, tay bưng thức ăn luôn biểu diễn nhiều thao tác lạ mắt tạo không khí vui tươi giúp du khách quên đi những mệt mỏi sau một hành trình khá dài.

Thành phố ánh trăng

Sau khoảng hơn hai giờ đi xe từ Bangkok, chúng tôi đến Chanthaburi, một tỉnh nằm về phía đông nam Thái Lan, bên bờ vịnh Thái Lan và giáp biên giới với các tỉnh Battambang và Pailin của Campuchia.

Thành phố tỉnh lỵ cũng mang tên Chanthaburi hiện ra trước mắt chúng tôi là một đô thị nhỏ; đường phố, nhà cửa trong nội ô cũng có nét hao hao như ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Chanthaburi được biết đến nhiều nhờ có mỏ đá quí và là nơi có nhiều loại trái cây nhiệt đới nhất là sầu riêng, chôm chôm, măng cụt. Ngoài ra còn có cây cao su và tiêu.

Cái tên Chantha có nguồn từ Chandra – cổ ngữ tiếng Phạn – có nghĩa là “mặt trăng”, còn buri nghĩa là tỉnh. Như vậy, Chanthaburi mang ý nghĩa là “tỉnh Mặt trăng” và biểu tượng của Chanthaburi là “con thỏ”. Người dân địa phương thì nói rằng Chanthaburi là vùng đất sáng như mặt trăng vì vùng này có mỏ đá quí.

Đoàn khách khảo sát du lịch được các đại diện Hiệp hội Du lịch, các đơn vị lữ hành, khách sạn, khu resort, nhà hàng và cả đại diện các làng nghề truyền thống ở Chanthaburi tiếp đón với thái độ rất trọng thị và thân mật. Chúng tôi còn được thưởng thức các điệu múa hát dân tộc của tỉnh Chanthaburi.

Điểm đầu tiên đoàn chúng tôi tham quan là khu vực buôn bán đá quí nổi tiếng với hai loại đá ruby và đá đen trên hai con đường lớn là Sri Chan và Krachang ở Chanthaburi. Chiếc cầu đơn sơ trên dòng sông Chanthaburi nhỏ nhắn cũng được trang trí những chiếc đèn mang hình dạng những viên đá quí.

Cây cầu nhỏ bắc qua dòng sông Chanthaburi êm đềm được trang trí với những chiếc đèn lồng có dáng những viên đá quí. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Điểm đăc biệt ở đây là sau khi mua bán xong, nếu cần kiểm tra lại giá trị thực của sản phẩm đá quí, người mua dễ dàng thuê chuyên viên phân tích và giám định chất lượng. Những chuyên viên này là những nhà chuyên môn được cấp phép hoạt động. Thường thì bàn làm việc của họ ở trước những cửa hiệu bán đá quí. Sau khi giám định họ cấp giấy chứng nhận và chịu trách nhiệm việc kiểm tra của mình.

Đôi điều về quá khứ

Nói đến Thái Lan, ai cũng nghĩ ngay đến một xứ sở của chùa chiền và rất hiếm hoi mới thấy một ngôi thánh đường, nhà nguyện của các tôn giáo khác. Vì thế đứng trước ngôi nhà thờ Thiên Chúa ở Chanthaburi, chúng tôi thật sự ngạc nhiên thú vị và càng bất ngờ hơn khi được biết nhà thờ này do cộng đồng người Việt định cư nơi đây xây dựng cách nay đã 300 năm (và đã 5 lần trùng tu sau chiến tranh). Họ là những tín đồ Thiên Chúa giáo, vì chính sách cấm đạo ở Việt Nam lúc ấy đã bỏ quê hương sang đất Thái rồi định cư luôn ở Chanthburi. Chính từ sự kiện này đã trở thành nền móng cho sự phát triển Thiên Chúa giáo trên đất Thái.

Nhà thờ Chanthaburi là thánh đường Thiên Chúa giáo lớn nhất tại Thái Lan (bên phải), chung quanh là khu người Việt cư ngụ. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Vòm trần nhà có hình dạng đáy thuyền úp nhằm ghi nhớ việc những người Việt xây dựng nhà thờ này đã sang Chanthaburi bằng thuyền. Nhà thờ có pho tượng đức mẹ bằng bạc nạm 20.000 viên đá quí. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Ngôi nhà thờ dài 60m rộng 20m, kiến trúc theo kiểu Gothique của Pháp, trông giống nhà thờ Đức Bà ở TPHCM. Những cặp kiếng cửa tô điểm hình ảnh và hoa văn độc đáo nhập về từ Pháp. Trần nhà được mô phỏng hình dạng đáy thuyền để ghi nhớ việc người Việt đã đến Chanthaburi bằng thuyền của thời kỳ xa xưa đó. Bên trong nhà thờ có tượng đức mẹ Marie bằng bạc, được chạm 20.000 viên đá quí của Myamar và đá quí khai thác tại Chanthaburi. Chung quanh nhà thờ là các biệt thự xinh xắn và một ngôi làng của cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Chanthaburi.

Chanthaburi còn là nơi ghi dấu chiến công của vua Taksin, một ông vua có công trong việc đánh chiếm lại vùng đất này từ thời kỳ Pháp đô hộ Đông Dương và gầy dựng nên đất nước Thái Lan. Khi chúng tôi được đưa đến tham quan tượng đài vua Taksin, hãng taxi địa phương đã tổ chức một đoàn gồm vài chục chiếc xe chở đoàn khách rảo quanh thành phố như một hình thức quảng cáo ‘road show’.

Tượng đài vua Taksin người có công gầy dựng đất nước Thái Lan. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Rời tượng đài vua Taksin, chúng tôi viếng thăm cung Ban Suan Kaew của hoàng hậu Rambhai Barni, vợ vua Rama VII. Bà là người có công xây dựng và giúp người dân Chanthaburi trong nông nghiệp, xây dựng bệnh viện và phổ biến nghề dệt chiếu, vốn là nghề của người Việt mang sang thời kỳ bấy giờ.

Nét riêng của du lịch Chanthaburi

Hiện nay từ chính sách OTOP (On Tambon One Product – mỗi làng nghề một sản phẩm), người dân Chanthaburi đã kết hợp sản xuất các mặt hàng làm từ chiếu rất hấp dẫn và đa dạng, từ chiếu dùng để nằm đến chiếu mỹ nghệ như gối, hộp đựng khăn giấy, hình tượng cô gái Thái dùng trang trí … Nghề dệt chiếu do người Việt mang qua từ đời vua Rama thứ III (khoảng năm 1832) nghĩa là sau khi vua Rama II qua đời.

Chuyên nghiệp trong phát triển công nghiệp du lịch, Thái Lan luôn có sẵn nhiều hàng hóa du lịch và tràn ngập mọi nơi. Bất kỳ loại hình du lịch nào, địa phương nào cũng có sản phẩm riêng và dành sẵn cho mua sắm phù hợp.

Tại Chanthaburi, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và bánh mứt cũng hết sức phong phú. Người Thái ở đây thành lập các tổ hợp tác sản xuất và phân phối kết hợp nhiều ngành nghề như chế biến các loại kẹo từ thanh long, sầu riêng, dừa,…; các loại dầu cù là, dầu gió, dầu massage từ dược thảo; các loại mắm đặc trưng của địa phương… với giá cả thống nhất. Điều này giúp cho nhà sản xuất và nhà phân phối dễ dàng hợp tác và phát triển mà không gặp phải sự cạnh tranh nào khác.

Chùa Leng Hua Yi ở Chanthaburi xây theo kiến trúc Trung Hoa. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Tỉnh Chanthaburi cũng có nhiều chùa như chùa Phi Lom, chùa Chak Yai,… Đoàn chúng tôi được dịp ghé thăm chùa Mankorn Buppharam hay còn được biết đến như chùa Leng Hua Yi cách thành phố 12km. Chùa kiến trúc theo kiểu khảm, mái ngói và các nhà sư tu theo phái đại thừa.

Nằm bên bờ vịnh Thái Lan, Chanthaburi có nhiều bãi biển khá đẹp, hấp dẫn nhất là bãi biển Chao Lao. Với 2/3 diện tích là đồi núi, Chanthaburi có nhiều thác đẹp. Chúng tôi viếng thăm thác Phlio, một trong những thác nổi tiếng của vườn quốc gia Namtok Phlio, có diện tích khoảng 134,5 km2, cách thành phố 14km.

Ở đó, người ta bảo tồn cá Tor Soro – một loại cùng họ với cá chép (giống như cá chép đen). Loài cá này sinh sống ở Indonesia, Malaysia, Myanmar và Thái Lan. Khách du lịch có thể mua đậu đũa với giá 10 bath (tương đương 6.000 đồng) cho cá ăn để chụp ảnh và tắm cùng cá. Khu thác Phlio cũng là khu bảo tồn thiên nhiên mỗi năm đón khoảng 180.000 du khách. Ở khu vườn quốc gia này có nhiều loại tour hấp dẫn các du khách thích du lịch mạo hiểm, khám phá…

Khu vực bảo tồn cá Tor Soro. Khách du lịch cho cá ăn đậu đũa và chụp ảnh. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Trên đường từ bãi biển Chao Lao trở lại Chanthaburi chúng tôi có được bữa ăn trưa với toàn các món chế biến từ hủ tiếu, mì… Nhà hàng này giống như các quán café vườn ở Việt Nam, các món ăn rất hợp khẩu vị người Việt, rất ngon và du khách muốn ăn bao nhiêu tùy thích.

Chanthaburi còn có khu biểu diễn cá heo “Oasis Sea World” với nhiều màn trình diễn độc đáo. Mỗi show diễn kéo dài khoảng 1 giờ. Du khách có thể mua sắm quà lưu niệm từ hình ảnh cá heo như lọ muối tiêu, kẹp giấy, móc khóa, chuốt viết chì… tại đây.

Một trong những điểm dừng chân tiếp theo khá ấn tượng là Mae Wanna, nơi được bình chọn có nhà vệ sinh sạch và đẹp nhất Thái Lan. Điểm dừng chân này là một công viên cây xanh với lối đi theo kiểu vườn hoa. Nhà vệ sinh rất sạch sẽ, có dép cho du khách thay đổi để vào bên trong. Các thành phố du lịch thường giới thiệu các điểm du lịch đạt được tiêu chí “hạng nhất” ở tỉnh mình để thu hút sự quan tâm quyết định điểm đến tham quan du lịch của du khách.

Chúng tôi đến Chanthaburi lần này gặp dịp sinh nhật Hoàng hậu Sirikit. Khắp nơi đều treo ảnh, cờ màu xanh da trời có biểu tượng của hoàng hậu bên cạnh quốc kỳ Thái Lan. Ban tổ chức mời chúng tôi tham gia lễ phóng sinh cá ra biển để chúc phúc cho hoàng hậu. Cũng trong thời gian này, đoàn khảo sát còn được tham dự lễ hội “Chanthaburi 9 điều kỳ diệu” (Wandering Chanthaburi nine wonders).

Dân chúng dựng hình ảnh và treo cờ mừng sinh nhật Hoàng hậu Thái Lan. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Phát biểu tại “Thank you party”, ông Phó tỉnh trưởng tỉnh Chanthaburi đã ngỏ lời cảm ơn các đoàn khách và bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước cùng Chanthaburi hợp tác phát triển du lịch. Cũng trong buổi chia tay ấm cúng đó, đoàn Việt Nam cũng đã thể hiện tinh thần hợp tác hữu nghị với bè bạn bốn phương bằng bài hát “Nối vòng tay lớn” cùng các đồng nghiệp lữ hành Thái Lan và các nước bạn.

Làm nghề lữ hành đã lâu, cũng đã nhiều lần sang thăm Thái Lan, nhưng chuyến đi này cũng giúp chúng tôi hiểu thêm khá nhiều điều về đất nước và con người vùng vịnh Thái Lan. Khu vực này có thể phát triển tốt liên tuyến Việt Nam – Campuchia – Thái Lan theo đường bộ vùng vịnh Thái Lan trong tương lai không xa.

_____________________________________________________________________________

(*) Giám đốc Trung tâm Điều hành du lịch – Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ (Cantho Tourist)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới