Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chế biến vỏ tôm mang lại tỉ đô, tại sao doanh nghiệp lại ‘chê’?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đầu, vỏ tôm sau khi xử lý có thể tạo ra sản phẩm chitosan mang lại giá trị cao gấp hàng chục lần so với sản phẩm chính là con tôm. Thế nhưng, mảng phụ phẩm lại không thu hút được các “đại gia” trong lĩnh vực này tham gia.

Đầu vỏ tôm có tiềm năng mang về tỉ đô la Mỹ. Anh minh hoạ: worldbiomarketinsights

Một kí lô gam tôm sau khi chế biến thành sản phẩm giá trị giá tăng có thể bán được với giá 20 đô la Mỹ/kg trong khi đó, chất chitosan sản xuất từ phụ phẩm vỏ tôm lại có thể bán đến 500 đô la Mỹ/kg. Điều này có nghĩa, sau khi xử lý, phụ phẩm tôm có thể mang lại giá trị cao gấp hàng chục lần so với sản phẩm chính.

Chitosan là chất được chiết suất từ chitin có trong vỏ tôm, có khả năng tạo thành màng mỏng, kết hợp với nước, chất béo, ion kim loại, có tính kháng khuẩn. Giá bán chitosan cao nhờ ứng dụng được trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong dược phẩm, mỹ phẩm.

Phụ phẩm tôm được chế biến công nghiệp không quá 30%

Tại hội thảo khởi động dự án cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, ông Đào Trọng Hiếu của Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2024, sản lượng tôm nước lợ cả nước đạt 1,1 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, về hệ thống cơ cở chế biến thủy sản nói chung, cả nước có khoảng 850 cơ sở quy mô công nghiệp, đủ điều kiện được cấp mã số xuất khẩu vào các thị trường và 3.530 cơ sở quy mô nhỏ và vừa, đang chế biến phục vụ tiêu thụ nội địa.

Riêng cơ sở chế biến tôm và vừa sản xuất tôm vừa sản xuất các loại thuỷ sản khác là 350 cơ sở, trong đó, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam bộ chiếm 85,4% cả nước.

Tôm đưa vào chế biến xuất khẩu, lượng phụ phẩm phát sinh nằm ở công đoạn ban đầu, tức từ khi tiếp nhận nguyên liệu đến lặt đầu, bóc vỏ gọi là “phụ phẩm 1”, hiện được các cơ sở thu gom khá triệt để. Trong khi đó, lượng “phụ phẩm 2”, tức nước thải từ hoạt động chế biến tôm, có chứa protein (đạm), thì chưa tận dụng được nguồn này.

Theo ông Hiếu, khi tôm nguyên liệu được doanh nghiệp chế biến thành các sản phẩm giá trị gia tăng cao càng nhiều, lượng phụ phẩm phát sinh sẽ càng lớn. “Thống kê tỷ lệ chế biến thô và chế biến tinh đối với tôm cho thấy, chế biến tinh đạt trên 60% trong khi sản phẩm chế biến chung của toàn ngành thủy sản chỉ khoảng 30-40%”, ông nói.

Bà Châu Thị Tuyết Hạnh của Cục thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, lượng phụ phẩm phát sinh từ các nhà máy chế biến hàng năm của ngành tôm là trên 500.000 tấn. Đó là chưa kể lượng vỏ tôm lột phát sinh khi nuôi.

Phụ phẩm đầu, vỏ tôm sau xử lý được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, nhất là ngành y dược. Trong đó, sau khi chiết suất thành chitosan có thể được thương mại với mức giá lên đến 500 đô la Mỹ/kg, tức cao gấp 25 lần so với sản phẩm tôm chế biến xuất khẩu đi các nước.

Rõ ràng, phụ phẩm ngành tôm đang có tiềm năng khá lớn, cả về số lượng phát sinh lẫn khả năng ứng dụng và giá trị mang lại nhưng thực tế việc tận dụng nguồn này chưa hiệu quả. Hiện tại, lượng phụ phẩm đưa vào chế biến quy mô công nghiệp chỉ khoảng 20-30%, tức đa phần vẫn thu gom nhỏ lẻ, xử lý thủ công làm phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi dạng tươi hoặc phơi khô thông thường.

Theo ông Hiếu, hai sản phẩm chính hiện nay chỉ có dịch tôm thuỷ phân (đạm tôm) và chitin, chưa làm được nhiều chitosan. Ngoài ra, chitin cũng chỉ ở dạng thô, ở công đoạn phơi khô và tách một số thành phần ban đầu.

Phụ phẩm ngành tôm được ứng dụng rất hạn hẹp, có đến 70% sử dụng trong chăn nuôi, số lượng sử dụng trong thực phẩm và y dược rất ít. Điều này đã khiến giá trị của phụ phẩm còn hạn chế, chỉ xấp xỉ 4.000 tỉ đồng nhưng nếu tận dụng tốt và được chế biến sâu thì có thể tạo ra giá trị hơn 25.000 tỉ đồng (tương đương 1 tỉ đô la Mỹ) mỗi năm.

Doanh nghiệp tập trung vào sản phẩm tôm đông lạnh và chế biến, ngại tham gia vào mảng phụ phẩm. Ảnh: Trung Chánh

Thu gom khó, chế biến không dễ

Rõ ràng, tiềm năng cũng như triển vọng phụ phẩm ngành tôm mang lại là rất lớn nhưng thực tế hiện nay, các “đại gia” tham gia vào chuỗi ngành hàng này đều không mặn mà ở phân khúc phụ phẩm. Vì sao?

Trao đổi với KTSG Online, ông Trình Trung Phi, Phó tổng giám đốc tôm thương phẩm của Tập đoàn thủy sản Việt Úc thừa nhận, ai cũng thấy giá trị phụ phẩm ngành tôm,nhưng biến thành sản phẩm có giá trị để thương mại là chuyện không đơn giản. “Phụ phẩm sử dụng cho thức ăn chăn nuôi vẫn có, nhưng xuất khẩu ra nước ngoài vẫn chưa dễ”, ông nói.

Để tạo ra sản phẩm có thể ứng dụng trong y dược, mang lại giá trị kinh tế cao, bên cạnh vấn đề thị trường tiêu thụ thì việc thu gom nguyên liệu đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng là một thách thức không nhỏ trong hiện thực hóa mục tiêu biến phụ phẩm thành “vàng”.

Ông Phi của Việt Úc cho rằng, việc chiết suất phụ phẩm tôm thành chitosan nếu làm không đúng sẽ phát sinh ô nhiễm, bởi việc xử lý phải dùng acid để trung hoà. "Chúng ta có công nghệ gì để xử lý, chứ không khéo chiết suất được cái A nhưng tàn phá cái B lớn hơn thì rất nguy hiểm”, ông bày tỏ lo ngại.

Trao đổi với KTSG Online về lý do “đại gia” tôm ngại tham gia vào mảng phụ phẩm, ông Hiếu thừa nhận, sản lượng phụ phẩm chung toàn ngành rất lớn, trên 500.000 tấn mỗi năm, nhưng lại nằm phân tán, khó khăn trong thu gom, chất lượng không đảm bảo.

Để chiết suất thành sản phẩm sử dụng trong thực phẩm hoặc ứng dụng trong y dược cần bảo quản lạnh khi thu gom. Thế nhưng, thực tế hiện nay, đầu vỏ tôm bỏ ra ngoài, bị phân huỷ, chưa kể để chế biến phải đủ số lượng để đầu tư nhà máy. Đây là điểm nghẽn khiến việ chế biến chưa phát triển được, ông Hiếu nhấn mạnh.

Rõ ràng, thực tế dù đầu, vỏ tôm gần như được tận dụng triệt để, nhưng chủ yếu do các cơ sở nhỏ lẻ thu gom ở khu vực lân cận, dùng làm thức ăn chăn nuôi, thiếu những mô hình lớn, đầu tư mạnh về công nghệ, thiết bị cho lĩnh vực này. “Đây là khó khăn lớn, cản trở sự phát triển các cơ sở phụ phẩm bài bản”, ông nhấn mạnh.

Ngoài vấn đề nêu trên, theo ông Hiếu, dù Việt Nam đã có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư như Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về liên kết chuỗi, các chính sách về hỗ trợ lãi suất hay Nghị quyết 48 năm 2009 về tổn thất sau thu hoạch… nhưng việc thiếu “cầu nối”, thiếu người hướng dẫn cũng cản trở sự phát triển của phụ phẩm ngành tôm.

Trong khi đó, ông Phi của Việt Úc đề xuất cần có nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới để thúc đẩy việc sản xuất và ứng dụng sản phẩm từ phụ phẩm, tạo ra giá trị lớn hơn. Đồng thời, cần có chính sách truyền thông để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm này, thu hút quan tâm của doanh nghiệp.

Ông Ngô Tiến Chương, Trưởng nhóm thuỷ sản của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cũng đồng quan điểm khi cho rằng, phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm hướng đến một ngành tôm sản xuất hiệu quả, bền vững cả về thu nhập lẫn bảo vệ môi trường.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục thủy sản đề xuất, cần nâng cao nhận thức sử dụng hiệu quả các tiềm năng ngành tôm để kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng được hiệu quả cho cả người nuôi và doanh nghiệp tham gia vào chuỗi ngành hàng này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới