Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chỉ có khôi phục sản xuất mới có thể kìm hãm dịch bệnh lây lan

Hồ Quốc Tuấn (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nội dung chính mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra khi kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vào ngày 6-9 là cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh; xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ diện rộng(1). Ở góc nhìn của một người làm phân tích kinh tế, tôi ủng hộ quan điểm này, bởi không có kinh tế thì không thể chống dịch, và Việt Nam đang đứng trước một thách thức lớn lao, đó là nguồn lực chi cho chống dịch đang gần cạn kiệt.

Tỉnh Long An đang tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị khôi phục sản xuất – kinh doanh, chia thành 3 giai đoạn cụ thể: giãn cách xã hội, sau giãn cách xã hội và bình thường mới. Ảnh minh họa: TTXVN

Trên thực tế, viện trợ quốc tế từ năm 2022 sẽ giảm đi trên toàn cầu(2). Lấy ví dụ, từ năm sau Anh sẽ bắt đầu cắt viện trợ quốc tế, đồng thời, ngân sách chi cho y tế đang tăng đột biến sẽ được “điều chỉnh” lại.

Không chỉ Anh mà Đức và Pháp cũng đang có một số chuyển động tương tự ở phía làm ngân sách. Còn Mỹ có là trường hợp ngoại lệ hay không thì phải xem gói 3,8 ngàn tỉ đô la được triển khai ra sao.

IMF đã bắn ra “viên đạn bạc” khi tung ra SDR (Special Drawing Rights – quyền rút vốn đặc biệt, là một dạng tiền dự trữ quốc tế do IMF tạo ra) để hỗ trợ cho các nước trong năm 2021 này thì vào năm sau cũng đã hết “đạn”.

Điều này cho thấy sang năm sau, Việt Nam sẽ không thể tiếp tục nhờ “viện trợ” máy thở, thuốc, vaccine như hiện nay nữa mà phải mua.

Muốn mua là phải có tiền, mà tiền là ngoại tệ thu về từ hoạt động giao thương với thế giới. Vì vậy, chúng ta phải mở lại sản xuất để có thể thu ngoại tệ về từ xuất khẩu. Có một cách khác là đi vay ngoại tệ, nhưng không khôi phục sản xuất mà đi vay thì các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như Moody’s, S&P và Fitch sẽ hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam.

Bên cạnh đó, sản xuất đi xuống cũng kéo theo nguồn ngân sách sẽ cạn kiệt. Kết quả là câu chuyện giảm lương nhân viên y tế và cắt giảm nguồn lực y tế sẽ là một rủi ro hiện hữu.

Hiện nay, chuỗi cung ứng toàn cầu còn đang tắc nghẽn, thị trường đang chứng kiến câu chuyện nguồn cung sản xuất gia công quay trở lại Trung Quốc, và nền kinh tế thứ hai thế giới này đang tìm kiếm các khu vực tại châu Phi để làm địa chỉ phân chia lại hợp đồng gia công.

Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục đóng cửa nền kinh tế thì các “công xưởng” sản xuất như Ấn Độ hoặc các đối thủ cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan và Campuchia sẽ nhận về thêm các hợp đồng gia công từ Mỹ và các hợp đồng được phân chia lại từ Trung Quốc và Đài Loan bằng cách gia tăng công suất.

Về dài hạn, Việt Nam có thể lấy được những hợp đồng mới do đà hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, thế nhưng, chúng ta đang cần có nguồn thu để “sống tiếp” trong giai đoạn 2022-2023 chứ không phải trong dài hạn.

Việt Nam mở cửa chậm thì sang năm 2022, người lao động có thể sẽ lâm vào tình trạng ngồi không, thiếu việc làm vì các đối tác quốc tế ký hợp đồng gia công với những thị trường nêu trên không phải theo thời hạn 5-6 tháng mà là 12-18 tháng, có khi là hợp đồng nhiều năm.

Nếu sản xuất tiếp tục đình trệ, các doanh nghiệp FDI có thể không dịch chuyển nhà xưởng đi ngay được nhưng có thể chuyển lợi nhuận về nước, chuyển tiền tích lũy (dự tính giải ngân dưới dạng đầu tư mới) dưới dạng primary income (thu nhập cơ bản).

Và với tình trạng sản xuất hiện tại, các bất động sản công nghiệp sẽ đi về đâu, và các ngân hàng cho vay sẽ ra sao nếu bất động sản công nghệp tiếp tục đóng cửa?

Trong hai năm qua, nhiều khoản hỗ trợ về vaccine, thiết bị y tế, thuốc, quà an sinh… do doanh nghiệp đóng góp. Nếu họ cứ tiếp tục đóng cửa không sản xuất, không kinh doanh thì nguồn lực họ còn bao nhiêu để tài trợ chống dịch?

Ngân sách nhà nước không thể gánh thay nhiệm vụ của ngân sách đến từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, bởi lẽ, chính năng lực hỗ trợ của ngân sách nhà nước đến từ sự đóng góp của sản xuất, kinh doanh mà ra.

Tóm lại, nếu không khôi phục lại hoạt động kinh tế sớm và hiệu quả, thực chất thì chúng ta cũng sẽ không thể chống dịch hay giãn cách xã hội tiếp được bao lâu nữa, vì nguồn lực sẽ cạn kiệt toàn diện.

Ở góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng giãn cách xã hội kéo dài là nguyên nhân sâu xa khiến chúng ta lâm vào tình hình như hiện tại, và nó được xem là giải pháp để ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm mới. Nhưng, nếu tham khảo câu chuyện chống dịch của Anh, có thể nhận thấy ngay từ đợt giãn cách trong đợt bùng phát dịch lần thứ hai hồi năm ngoái (tức là trước khi có vaccine ngừa Covid-19), Anh đã có thể giảm con số tử vong xuống thấp, mà vẫn đảm bảo có hoạt động sản xuất, có shipper chạy vòng vòng, tiệm ăn vẫn mở cửa để phục vụ mang đi (takeaway) và doanh nghiệp dù phải đóng cửa vẫn có tiền trả lương nhân viên (nếu trước đây đóng thuế đàng hoàng) để ngay sau dịch họ tái sản xuất, kinh doanh lại ngay được. Vậy mà Anh vẫn bị đứt gãy nguồn cung khi mở cửa lại.

Vì vậy, khôi phục lại sản xuất từ 15-9, theo quan điểm cá nhân tôi, không phải là sự nóng vội, mà là đã trễ, vì độ trễ cho khôi phục sản xuất có thể phải mất 2-3 tháng sau khi nền kinh tế bắt đầu mở lại. Mở lại kinh tế càng trễ, độ trễ cho sự khôi phục càng tăng lên, tổn thất nguồn lực cho chống dịch sẽ càng lớn.

Và khôi phục lại sản xuất không đồng nghĩa với việc phải mở bung cửa không giãn cách đâu. Ai ở nhà không đi làm vẫn “ở đâu ở yên đó” mà!

Ghi nhận của người viết trong tình hình hiện tại, do nhu cầu mở cửa lại kinh tế quá mạnh mẽ của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, trong khi Đông Nam Á đang bị trục trặc sản xuất, Trung Quốc vừa trải qua đợt phong tỏa thì Việt Nam vẫn còn nhiều thuận lợi khi mở lại sản xuất. Còn nếu để thêm 1-2 tháng nữa, người ta tìm ra giải pháp giải quyết nguồn cung rồi ta mới mở lại sản xuất thì sẽ mệt mỏi.

(*) Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên, Đại học Bristol, Anh

(1) https://thutuong.chinhphu.vn/

(2) https://www.bbc.co.uk/news/57362816https://www.theguardian.com/uk-news/2021/mar/03/nhs-social-care-and-most-vulnerable-betrayed-by-sunaks-budget

5 BÌNH LUẬN

  1. Tui đồng tình với ý kiến tác giả vì lợi thế về gia công thâm dụng lao động do dân số vàng mang lại không thể so sánh với India, Bangladesh, Sri Lanka; năng suất thì không thể so với Thailand, Malaysia, Indonesia, Philippines; triển vọng phục hồi được giá thấp hơn 60 lần so với Chima, India; không có công nghệ dân đầu và năng lực hấp thụ công nghệ còn thấp, rất gian nan đề tận dụng tối đa công nghệ kỹ thuật số do các nước phát triển mang lại. Mặt khác do trình độ CN lạc hậu và đa dạng về thể hệ và cách thức thu hút FDI khiến cho chúng ta phải lệ thuộc vào nhân công, năng suất, giá trị và đặc biệt là sự ổn định xã hội nếu phong tỏa lâu làm mất việc làm và nguồn dự trữ không chỉ trong dân mà cả trong ngăn sách do phải đảm bảo an sinh cứu trợ, hỗ trợ và nguồn thu giảm sút. Tất cả những lý do đó cho thấy mo của để đảm bảo ổn định vĩ mô là cấp thiết. Để hút lao động trở lại làm việc thì phải có chính sách và sự vận hành hiệu quả của các cơ quan công quyền điển hình như CIRD bởi vì khi giữ được mỗi quan hệ với người lao động thì mới biết được tâm tư nguyện vọng của họ mà ra chính sách. Theo tui thì chúng ta có thể: thứ nhất, xây cấp tốc nhà ở công nhân cùng hạ tầng XH khác theo mô hình đã chiến để đảm bảo 3T,4 xanh; thứ hai tặng 1 tháng lương nếu ai vào làm việc; thứ ba, chính quyền, CIRD phối hợp với DN, khu CN, hiệp hội và trung tâm dự báo nhân lực tổ chức truyền thông để thu hút người lao động, đồng thời tiêm ngừa ngay những ai đang ở quê đồng ý lên làm việc; thứ tư, tổ chức đưa đón nhân công và gia đình người lao động; thứ năm là chính quyền hỗ trợ nguồn lực để doanh nghiệp thực hiện bốn bước trên.

  2. Tôi đồng ý với tác giả bài viết. Trong ý nghĩ tôi cho rằng giãn cách xã hội đối với TPHCM và 19 tỉnh phía nam đã quá lâu, chính phủ cần phải có chiến lược mới để hướng chính quyền địa phương trên cả nước ý thức về tầm quan trọng của khôi phục kinh tế trong giai đoạn sau 15-9.
    Giãn cách 1 tháng đã là quá đủ, đằng này giãn cách từ 31-5 đến nay mọi nguồn lực kinh tế của người dân đã cạn kiệt. Gói hỗ trợ của Chính phủ rất cần thiết và cũng rất nỗ lực nhưng việc hỗ trợ cũng chỉ là việc cứu đói trong vài ngày 1 tuần lễ là cùng vì hiện nay với giá cả thực phẩm của những vùng bị phong tỏa theo chỉ thị 16 gần như tăng gấp 3 lần. Người hưởng lương hàng tháng cũng cảm thấy nghèo đi rất nhiều so với thời điểm bình thường do chi nhiều tiền nhưng chỉ mua được ít hàng hóa hơn… Người có thu nhập từ lao động tự do, người lao động thời vụ tiền dự trữ, tiết kiệm cũng đã cạn kiệt và nợ nần chồng chất. Người sản suất, nhất là nông dân không vận chuyển được sản phẩm đi bán do bị chốt chặn của địa phương này và địa phương khác trong cùng huyện, cùng tỉnh càng khó khăn hơn khi đưa hàng hóa ra khỏi tỉnh. Ban đầu thì chính sách đưa ra là mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” nhưng thực hiện theo Chỉ thị 16 của 19 tỉnh phía nam và TPHCM còn hơn ngăn sông cấm chợ, thật là khủng khiếp khi những người nghèo của xã hội rất khó khăn, còn những người thu nhập từ kinh doanh trước đây nay cũng tiêu điều.
    Có những chuyên gia về sức khỏe rất nổi tiếng cũng đã chỉ ra rằng những ca mắc sẽ tự khỏi trên 90% và thực tế có rất nhiều người nhiễm bệnh tự khỏi, vậy sao ngành y tế không quan tâm theo chiều hướng này để lo tập trung chữa bệnh cho những người bệnh nặng mà phải mất quá nhiều nhân lực, tiền bạc để truy vết F0, truy tìm F1, F2 rồi tập trung nuôi cho những người bị cách ly này đã rất tốn kém mà chẳng ích lợi gì, nhiều trường hợp không có bệnh vô cách ly trở thành bệnh. Vậy nên suy nghĩ lại chiến lược phòng dịch và nên mở cửa sớm để phục hồi kinh tế.

  3. Nếu sản xuất mà covid vẫn tiếp tục lây nhiễm trong doanh nghiệp thì cũng chẳng thực hiện tiếp được, tác giả không cho biết làm sao mà tránh được điều này?

    • Giờ giãn cách thì ca nhiễm vẫn cứ tăng thôi bạn. Một tuần nay ở TP. HCM ca nhiễm tăng mỗi ngày một nhiều hơn. Bây giờ, chúng ta cần sản xuất và tập trung vào giảm ca tử vong, không phải giảm số ca nhiễm. Tác giả có đề cập rất rõ trong bài:

      “Ở góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng giãn cách xã hội kéo dài là nguyên nhân sâu xa khiến chúng ta lâm vào tình hình như hiện tại, và nó được xem là giải pháp để ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm mới. Nhưng, nếu tham khảo câu chuyện chống dịch của Anh, có thể nhận thấy ngay từ đợt giãn cách trong đợt bùng phát dịch lần thứ hai hồi năm ngoái (tức là trước khi có vaccine ngừa Covid-19), Anh đã có thể giảm con số tử vong xuống thấp, mà vẫn đảm bảo có hoạt động sản xuất, có shipper chạy vòng vòng, tiệm ăn vẫn mở cửa để phục vụ mang đi (takeaway) và doanh nghiệp dù phải đóng cửa vẫn có tiền trả lương nhân viên (nếu trước đây đóng thuế đàng hoàng) để ngay sau dịch họ tái sản xuất, kinh doanh lại ngay được. Vậy mà Anh vẫn bị đứt gãy nguồn cung khi mở cửa lại.”

    • Giờ giãn cách thì ca nhiễm vẫn cứ tăng thôi bạn. Một tuần nay ở TP. HCM ca nhiễm tăng mỗi ngày một nhiều hơn. Bây giờ, chúng ta cần sản xuất và tập trung vào giảm ca tử vong, không phải giảm số ca nhiễm. Tác giả có đề cập rất rõ trong bài:

      “Ở góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng giãn cách xã hội kéo dài là nguyên nhân sâu xa khiến chúng ta lâm vào tình hình như hiện tại, và nó được xem là giải pháp để ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm mới. Nhưng, nếu tham khảo câu chuyện chống dịch của Anh, có thể nhận thấy ngay từ đợt giãn cách trong đợt bùng phát dịch lần thứ hai hồi năm ngoái (tức là trước khi có vaccine ngừa Covid-19), Anh đã có thể giảm con số tử vong xuống thấp, mà vẫn đảm bảo có hoạt động sản xuất, có shipper chạy vòng vòng, tiệm ăn vẫn mở cửa để phục vụ mang đi (takeaway) và doanh nghiệp dù phải đóng cửa vẫn có tiền trả lương nhân viên (nếu trước đây đóng thuế đàng hoàng) để ngay sau dịch họ tái sản xuất, kinh doanh lại ngay được. Vậy mà Anh vẫn bị đứt gãy nguồn cung khi mở cửa lại.”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới