(KTSG Online) - Tỷ lệ chi phí logistics so với GDP quốc gia cao đang làm hạn chế sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Thực trạng này bắt nguồn từ cơ cấu nền kinh tế cũng như các lý do đến từ hiệu quả thấp của hoạt động logistics tại Việt Nam, quy mô hoạt động chưa tối ưu của doanh nghiệp dịch vụ trong ngành...
- Giải pháp tăng cường liên kết vùng, phát triển các tuyến hành lang logistics Đông – Tây
- Lựa chọn nào cho giấc mơ cường quốc logistics?
TTXVN dẫn lời ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, chi phí logistics đang ở mức cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi giá vận chuyển hàng hóa gần 2 năm qua liên tục tăng khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.
Không chỉ chi phí logistics tăng, thời gian vận chuyển hàng hóa cũng đang kéo dài thêm 1,5-2 lần so với thời điểm đầu năm 2020. Đơn cử trước đây, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng đường biển sang Mỹ mất từ 30-35 ngày nhưng hiện tăng lên 45-60 ngày. Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đơn hàng để bù cho khoảng thời gian vận chuyển có thể tăng thêm.
Theo ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA), tỷ lệ chi phí logistics cao trong tổng GDP đang làm hạn chế sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Thực trạng này bắt nguồn từ cơ cấu nền kinh tế cũng như các lý do đến từ hiệu quả thấp của hoạt động logistics tại Việt Nam, quy mô hoạt động chưa tối ưu của doanh nghiệp logistics...
Các thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho thấy tỷ lệ chi phí logistics so với GDP quốc gia của Việt Nam là 18% GDP, trong khi con số này ở các nền kinh tế phát triển chỉ 9-14%.
Chi phí logistics cao tại Việt Nam cũng có nguyên nhân đến từ quy hoạch logistics chưa được quan tâm đúng mức trong nhiều thập kỷ qua và cả những nguyên nhân đến từ thể chế chính sách, ông Nghĩa cho biết thêm.
Ông Lê Quang Trung (VLA) cũng phân tích, trong cơ cấu chi phí logistics, chi phí vận tải chiếm tỷ trọng rất lớn, trong đó chi phí xăng dầu chiếm 60-65% (chi phí xếp dỡ chiếm 21%, chi phí kho bãi chiếm 12%...). Do vậy, khi xăng dầu “leo thang”, chi phí logistics tại Việt Nam tăng mạnh. Ngoài chi phí xăng dầu, chi phí thuê container rỗng cũng tăng khiến không chỉ doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu chưa thể khôi phục, đại diện VLA cho rằng, giá cước vận chuyển sẽ chưa hạ nhiệt ngay lập tức. Hơn nữa, chi phí lưu kho bãi cũng tăng hơn 20% do nhu cầu lưu kho bãi tăng trong khi nguồn cung chưa đủ đáp ứng, nhân lực thiếu và giá bất động sản tăng cao.
Để giảm chi phí logistics nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, các đề xuất cho rằng cần cải thiện hệ thống giao thông chưa đồng bộ, thiếu tính liên hoàn hiện nay. Trong đó, cần phát huy được vai trò chủ đạo của đường sắt, đường thủy, đường biển - phương tiện vận tải có năng lực vận chuyển khối lượng lớn, tốc độ nhanh, chi phí thấp… Tập trung xây dựng hạ tầng kết nối giữa các phương thức vận chuyển, xây dựng điểm kết nối điểm trung chuyển để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp logistics, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM...