Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chiến lược đầu tư không bao gồm Trung Quốc thắng lớn

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chiến lược gạt Trung Quốc ra khỏi các chỉ số chứng khoán theo dõi các thị trường mới nổi đang ngày càng gây sức hút lớn khi các nhà quản lý quỹ đầu tư cổ phiếu tìm cách giảm rủi ro ở một đất nước có chính sách khác biệt và đối mặt các căng thẳng địa chính trị.

Một nhà đầu tư theo dõi bảng giá chứng khoán điện tử tại một công ty môi giới chứng khoán ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Các chỉ số theo dõi chứng khoán không bao gồm Trung Quốc nở rộ

Các chỉ số theo dõi chứng khoán ở khu vực thị trường mới nổi không bao gồm Trung Quốc gần như không tồn tại trước năm 2015 nhưng bắt đầu nở rộ vào năm 2022 khi hiệu quả đầu tư cổ phiếu của Trung Quốc bị hoài nghi.

Theo dữ liệu của Bloomberg, có 12 chỉ số như vậy được ra mắt vào năm ngoái, bao gồm một chỉ số của Goldman Sachs Asset Management. 5 chỉ số khác đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2023, bao gồm 1 chỉ số của BlackRock, quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới, có trụ sở tại New York.

Xu hướng mới chớm nở nhấn mạnh niềm tin ngày càng tăng rằng thị trường Trung Quốc quá rộng lớn và phức tạp để có thể gộp chung với các nước khác. Cổ phiếu của các công ty Trung Quốc hiện chiếm 30% tỷ trọng của một chỉ số theo dõi các thị trường mới nổi của Công ty tài chính MSCI, nhà cung cấp các chỉ số theo dõi chứng khoán, trái phiếu và bất động sản. Tỷ trọng lớn như vậy gây bất lợi khi thị trường chứng khoán của Trung Quốc hoạt động kém hiệu quả so với chứng khoán toàn cầu trong năm thứ ba liên tiếp do căng thẳng với phương Tây, chiến dịch chấn chỉnh khu vực kinh tế tư nhân và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, cản trở tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.

“Mọi người phải đặt câu hỏi về những hậu quả tiềm ẩn nếu Trung Quốc tham gia vào một cuộc xung đột với các nơi khác trên thế giới. Trong trường hợp đó, điều gì sẽ xảy ra với các khoản đầu tư của bạn liên quan đến Trung Quốc? Đó là một câu hỏi chính đáng và ủng hộ một xu hướng lâu dài, xem Trung Quốc là một khoản phân bổ đầu tư riêng biệt”, Victor Zhang, Giám đốc đầu tư của American Century Investments (Mỹ), nói.

MSCI đã ra mắt chỉ số theo dõi chứng khoán của các thị trường mới nổi không bao gồm Trung Quốc năm 2017, nhưng chiến lược này thực sự thành công trong những năm gần đây sau các hạn chế hà khắc trong đại dịch Covid-19 của Trung Quốc và cú bật yếu ớt của kinh tế nước này sau khi mở cửa trở lại. Việc Bắc Kinh không triển khai các biện pháp kích thích lớn và những thách thức mang tính cấu trúc bao gồm dân số ngày càng thu giảm, đang khiến giới đầu tư có thêm lý do để tìm kiếm lợi nhuận ở nơi khác.

Chỉ số MSCI China, theo dõi các cổ phiếu tiêu biểu của doanh nghiệp Trung Quốc, giảm 8% trong năm nay, hướng tới năm giảm thứ ba liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số khác của MSCI theo dõi các thị trường mới nổi, không bao gồm các công ty Trung Quốc tăng 11% khi cơn bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI) nâng đỡ các thị trường thiên về công nghệ ở Hàn Quốc và Đài Loan, đồng thời cổ phiếu của Ấn Độ tăng lên mức cao kỷ lục.

“Rủi ro địa chính trị, rủi ro pháp lý và những lo ngại rộng rãi về khả năng đầu tư của cổ phiếu Trung Quốc là những động lực lớn, thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng đối với các sản phẩm chỉ số không bao gồm Trung Quốc”, Romina Graiver, chuyên gia danh mục đầu tư tại William Blair International, một trong những công ty đầu tiên tham gia chiến lược đầu tư cổ phiếu thị trường mới nổi không bao gồm Trung Quốc, nói.

Hạn chế tiếp xúc với tài sản của Trung Quốc

Tổng tài sản nắm giữ trong quỹ iShares MSCI Emerging Markets ex-China ETF, không bao gồm cổ phiếu Trung Quốc, thuộc BlackRock đã tăng lên khoảng 4,4 tỉ đô la Mỹ từ mức 165 triệu đô la vào cuối năm 2020. Để so sánh, giá trị thị trường của quỹ iShares MSCI China ETF (chuyên đầu tư cổ phiếu Trung Quốc) chỉ tăng 19% lên khoảng 8 tỉ đô la trong cùng kỳ.

Các nhà quản lý ở các công ty quản lý tài sản như Allianz Global Investors, AllianceBernstein và BNP Paribas Asset Management cho biết họ thấy sự quan tâm ngày càng tăng từ khách hàng đối với chiến lược đầu tư không bao gồm cổ phiếu Trung Quốc.

Điều đó không có nghĩa là giới đầu tư đang từ bỏ tiếp xúc với Trung Quốc. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là ngôi nhà của những gã khổng lồ công nghệ như Tencent và Alibaba Group, Trung Quốc là một thị trường quá lớn để không thể bỏ qua.

Các nhà quản lý tài sản đã ví sự thay đổi trên giống như những gì đã xảy ra với Mỹ và Nhật Bản cách đây nhiều thập niên, khi sức ảnh hưởng ngày càng tăng của họ đảm bảo một sự phân bổ đầu tư độc lập cho mỗi nước. Với 10 nghìn tỉ đô la vốn hóa thị trường chứng khoán, Trung Quốc có một loạt các công ty vẫn chưa được các nhà đầu tư nước ngoài tận dụng.

“Với tầm quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc xứng đáng được phân bổ trực tiếp. Những cân nhắc về kinh tế vĩ mô ngắn hạn, địa chính trị và tâm lý thị trường sẽ quyết định phần lớn dòng chảy vốn và bức tranh về hiệu suất, nhưng về lâu dài, Trung Quốc vẫn là sự lựa chọn đầu tư”, Christian Abuide, người đứng đầu bộ phận phân bổ tài sản của Lombard Odier, nói.

Một số nhà đầu tư cũng nói rằng sự sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc khiến các mức định giá cổ phiếu ở nước này trở nên hấp dẫn. Chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông, nơi có nhiều cổ phiếu của các công ty Trung Quốc đại lục, đang tiến đến gần thị trường giá xuống và đang giao dịch thấp hơn 10 lần so với ước tính thu nhập tương lai. Đây là một trong những chỉ số rẻ nhất trong số các thị trường lớn trên thế giới.

Loại bỏ cổ phiếu Trung Quốc sẽ cho phép các quỹ tập trung nhiều hơn vào các thị trường mới nổi khác ở châu Á, nơi dòng vốn nước ngoài đã mua ròng 25,4 tỉ đô la cổ phiếu trong năm nay, và có thể đạt mức mua ròng cao nhất kể từ từ năm 2016.

“Tác động từ sự chi phối quá lớn của cổ phiếu Trung Quốc trong các chỉ số toàn cầu có thể lấn át cơ hội ở các thị trường mới nổi khác”, Navin Hingorani, nhà quản lý danh mục đầu tư của Eastspring Investments, công ty đã ra mắt quỹ Global Emerging Markets ex-China Dynamic Fund dành cho các thị trường mới nổi toàn cầu, không bao gồm Trung Quốc, vào năm 2021, nói.

Phân tích của ngân hàng Morgan Stanley cho thấy các nhà quản lý quỹ đầu tư chủ động ở Mỹ và châu Âu đã giảm tỷ trọng nắm giữ của của họ đối với cổ phiếu Trung Quốc vào tháng 6.

Paras Gupta, người đứng đầu bộ phận quản lý danh mục đầu tư châu Á của Union Bancaire Privee UBP, cho biết khách hàng đang yêu cầu hạn chế tiếp xúc với tài sản Trung Quốc.

“Điều này nhấn mạnh một xu hướng rõ ràng rằng các nhà đầu tư đang tìm kiếm các lựa chọn đầu tư không có Trung Quốc trong không gian thị trường mới nổi rộng lớn hơn”, Gupta nói.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới