Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chiến lược nào phát triển đồng bằng sông Cửu Long?

Võ Hùng Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(XUÂN KTSG) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ở giai đoạn suy giảm và câu hỏi đặt ra liệu ĐBSCL có thể bước vào chu kỳ mới tăng trưởng hay tiếp tục tình trạng suy giảm?

Cấu trúc nông nghiệp của ĐBSCL lâu nay vẫn dựa vào nông nghiệp là chính.
Trong ảnh: một đồng lúa ở Tam Nông, Đồng Tháp. Ảnh: HP

Tăng trưởng hay tiếp tục suy giảm?

Kinh tế của ĐBSCL đã có giai đoạn tăng trưởng rất cao trong các năm 2001-2010, sau đó chậm dần. Ba năm 2019-2021 là giai đoạn tuột dốc. Dịch Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp nhưng ngay cả khi chưa có dịch, sức bật kinh tế của vùng cũng đã suy giảm. Khi kinh tế tăng trưởng tốt thì di dân ra bên ngoài thấp, khi kinh tế suy giảm, di dân ra bên ngoài lớn hơn. ĐBSCL đang ở giai đoạn suy giảm và câu hỏi đặt ra liệu ĐBSCL có thể bước vào chu chu kỳ mới tăng trưởng hay tiếp tục tình trạng suy giảm?
Nhưng ĐBSCL cũng đang đứng trước những cơ hội lớn khi hệ thống giao thông mới hình thành, đầu tư nước ngoài đang được cải thiện khi xuất hiện lĩnh vực mới.

Bẫy lợi thế và khó khăn thách thức lớn của vùng

Những vấn đề được cho là có ảnh hưởng tác động lớn đến nền kinh tế của vùng lâu nay là cấu trúc kinh tế dựa vào nông nghiệp; hạ tầng giao thông lạc hậu; học vấn, đào tạo yếu kém và thể chế.

Tăng trưởng kinh tế và di cư thuần của ĐBSCL 2000-2021

Nguồn: Tác giả. Số liệu tổng hợp Niên giám thống kê Quốc gia và các tỉnh ĐBSCL.
Tăng trưởng tính theo phần trăm (%), di cư thuần, tỷ suất tính theo phần ngàn (‰).

Sự phát triển nông nghiệp là lợi thế tự nhiên của ĐBSCL. Nền tảng kinh tế của vùng dựa vào đó và nhờ đó đã giải quyết được bài toán khó về cái ăn, về an ninh lương thực. Nông nghiệp và cũng từ vùng này từng được xem là trụ đỡ mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn. Nhưng cũng từ đây ĐBSCL rơi vào cái bẫy của lợi thế, cái bóng của thành tích trong quá khứ.

Thể chế đã cản trở phát triển khi quy hoạch toàn bộ ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo, giải quyết bài toán an ninh lương thực. Các chính sách kiềm chế nghiêm ngặt với đất nông nghiệp, đất lúa là rào cản cho tính năng động kinh tế của vùng.

Nông nghiệp ảnh hưởng hầu hết suy nghĩ, hành động, từ phong cách làm việc đến suy nghĩ lựa chọn về học hành, đào tạo. Tư duy phát triển dựa trên lợi thế của nông nghiệp, bám vào nông nghiệp định hình quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng. Các kế hoạch phát triển chủ yếu dựa trên tầm nhìn của nông nghiệp, giải quyết vấn đề của nông nghiệp.

Muốn phát triển, muốn có được chu kỳ tăng trưởng mới ĐBSCL cần thoát ra khỏi cái bẫy của lợi thế nông nghiệp, cái bóng của quá khứ thành tích. Sự phát triển của ĐBSCL không chỉ từ nông nghiệp mà phải có nhiều thứ hơn cho nông nghiệp.

Hệ thống giao thông hạ tầng lạc hậu kéo dài, không thu hút được đầu tư, nền kinh tế không phát triển được.

Nguồn nhân lực chất lượng thấp và đang bị thách thức lớn khi dòng người di cư gia tăng. ĐBSCL có nhiều, rất nhiều trường đại học nhưng không có bứt phá nào trong đào tạo. Không có thay đổi nào trong bức tranh đào tạo của vùng trong nhiều thập kỷ.

Thể chế đã cản trở phát triển khi quy hoạch toàn bộ ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo, giải quyết bài toán an ninh lương thực. Các chính sách kiềm chế nghiêm ngặt với đất nông nghiệp, đất lúa là rào cản cho tính năng động kinh tế của vùng. Một nguồn lực rất lớn của hàng triệu nông hộ qua quyền tài sản liên quan đất đai bị kiềm chế. Rào cản về đất cũng hạn chế quyền tiếp cận vốn, nguồn lực quan trọng thúc đẩy đầu tư.

Giờ đây ĐBSCL đang đối mặt với dòng người di cư ra bên ngoài liên tục tăng lên hàng năm. Người nông dân không quan tâm đến những vấn đề cao siêu của những lợi thế tự nhiên, an ninh lương thực. Họ cần phải nuôi sống chính mình, gia đình của mình. Khi nền kinh tế địa phương không cho họ điều đó thì họ phải đi tìm nơi khác. Dòng di dân liên tục là lời nói đầy đủ nhất về thực tế kinh tế của vùng.

Cánh đồng Tà Pạ, An Giang. Ảnh: HP

Muốn phát triển, muốn có được chu kỳ tăng trưởng mới ĐBSCL cần thoát ra khỏi cái bẫy của lợi thế nông nghiệp, cái bóng của quá khứ thành tích. Sự phát triển của ĐBSCL không chỉ từ nông nghiệp mà phải có thêm nhiều ngành mới hỗ trợ cho nông nghiệp và ngoài nông nghiệp. Để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia những người làm ra nó cũng phải được giàu có, người làm nông nghiệp, ở nông thôn cũng có quyền tiếp cận vốn như người ở đô thị.

ĐBSCL còn phải đối mặt với những thách thức lớn do biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất gia tăng và mất dần lợi thế so sánh của nông nghiệp.

Biến đổi khí hậu và tác động của các đập nước trên thượng nguồn, suy giảm phù sa có những tác động khó lường nhất. Điều có thể xảy ra là ưu thế nông nghiệp của vùng không còn.

Ngay hiện tại thì lợi thế so sánh của nhiều ngành nông nghiệp của vùng đang giảm. Các chuỗi giá trị nông nghiệp lớn của vùng mang về hàng tỉ đô la Mỹ xuất khẩu mỗi năm đang vật lộn với bài toán nguyên liệu, con giống và chi phí sản xuất. Các nhà máy chế biến phải nhập khẩu nguyên liệu từ bên ngoài và nay họ phải tìm cách thích ứng chuỗi cung ứng với những yếu tố rủi ro lớn hơn từ bên ngoài.

Chi phí sản xuất tiếp tục gia tăng đẩy các chuỗi ngành xuất khẩu đối mặt với bài toán phức tạp. Giá xuất khẩu như là mức trần mà họ không tự định ra được. Cạnh tranh với giá thấp trong bối cảnh chi phí tăng cao thì không thể kéo dài.

Nếu chỉ loanh quanh với nông nghiệp, làm gì với nông nghiệp thì không gỡ được bài toán này. ĐBSCL cần phát triển thêm những ngành hỗ trợ nông nghiệp.

Những nhân tố định hình bức tranh kinh tế của vùng trong thập kỷ tới

Bốn nhân tố định hình bức tranh kinh tế của vùng trong thập kỷ tới là: hệ thống giao thông, kinh tế xanh, công nghệ - kỹ thuật số, và thể chế đất đai.

Các trục - tuyến cao tốc khi hình thành sẽ định hình lại toàn bộ không gian kinh tế của vùng. Những thay đổi sẽ diễn ra sau năm 2025 các khi tuyến cao tốc đã công bố được xây dựng. Kinh tế đô thị, công nghiệp chế biến, dịch vụ, thương mại có điều kiện phát triển, nông nghiệp được tái cấu trúc. Và giá đất sẽ tăng.

Kinh tế xanh thúc đẩy hình thành nhiều ngành mới trong vùng và đòi hỏi nền nông nghiệp phải có trách nhiệm. Năng lượng tái tạo với các dự án FDI gần đây là sự khởi đầu. ĐBSCL còn nhiều tiềm năng trong lĩnh vực mới này.

Ứng dụng công nghệ - kỹ thuật số đang hỗ trợ mạnh mẽ cho nông nghiệp. Tương lai đó là một chuỗi cung ứng dịch vụ trong kinh tế vùng mà nông nghiệp là điểm tựa ban đầu. Đáp ứng yêu cầu của kinh tế xanh, yêu cầu ứng dụng kỹ thuật số đòi hỏi người nông dân phải có nền tảng học vấn, có kiến thức để lĩnh hội.

Đất nông nghiệp, đất ở nông thôn tăng giá làm tăng giá trị tài sản của nhiều hộ nông nghiệp, làm tăng cơ hội đầu tư, kinh doanh, làm tăng sức mua thị trường. Giá đất tăng cũng làm tái phân bổ lại nguồn lực từ đất. Những loại cây trồng vật nuôi mang giá trị thấp có thể không còn. Toàn bộ chuỗi giá trị của một ngành có thể được nâng cấp lên phân khúc mới nhờ vào giá cả gia tăng, nhưng cũng có thể một số chuỗi mất đi nhường cho một số chuỗi mới, những ngành mới. Những thay đổi này sẽ tác động đến thay đổi nhận thức và hành động.

Những yếu tố trên đều dẫn đến đòi hỏi nguồn lực lao động phải được nâng cấp. Trong các vấn đề khó khăn, yếu kém cản ngại sự phát triển của vùng thì đào tạo và học vấn là yếu tố cản ngại lớn nhất cho tương lai. Nút thắt này phải từ các tỉnh trong vùng gỡ ra.

Những biến động khó lường về địa chính trị đặt ĐBSCL vào những lợi thế nhiều hơn là bất lợi. Nông nghiệp vẫn là lợi thế để tạo sức mạnh riêng của vùng và kinh tế cả nước. Để nuôi dưỡng những lợi thế này cần có những ngành hỗ trợ nông nghiệp và phát triển thương mại nông nghiệp. Cần Thơ là nơi tập trung các đầu mối giao thông đáp ứng được yêu cầu này. Sân bay quốc tế Cần Thơ nên định hướng gắn với giao thương nông nghiệp của cả nước.

Thể chế đất đai phải tạo lợi thế cho người làm nông nghiệp, cho kinh tế ở khu vực nông thôn. Chiến lược tốt hơn để ĐBSCL phát triển liên quan chặt chẽ với hệ thống giao thông, cải thiện tình trạng học hành, đào tạo và chất lượng của các trường đại học.

1 BÌNH LUẬN

  1. Nên tỉnh táo để nhìn rõ hai mặt của một vấn đề. Chạy đua tăng trưởng liên tục, sẽ là vắt kiệt, đi đến hủy hoại mọi nguồn tài nguyên và tài lực của đồng bằng SCL. Chấp nhận tinh trạng suy giảm, đôi khi cũng là điều tốt trên nhiều phương diện. Suy ra, chỉ có sắp xếp lại trật tự và chất lượng tăng trưởng kinh tế, hướng đến phát triển bền vững. Kiên quyết từ bỏ tư duy mê muội bệnh thành tích. Đó chính là mục tiêu phù hợp nhất cho vựa lúa lớn nhất cả nước lúc này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới