Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chiến lược quốc gia về blockchain: Điểm tựa cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên số

Ths. Trần Quốc Thái - LS. Nguyễn Thị Kim Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong thời đại chuyển đổi số mạnh mẽ, công nghệ chuỗi khối (blockchain) không còn là khái niệm xa lạ mà đã trở thành công cụ chiến lược giúp doanh nghiệp tối ưu vận hành và tăng năng lực cạnh tranh. Ngày 22-10-2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1236/QĐ-TTg về “Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối”, đặt mục tiêu đưa blockchain thành nền tảng cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đến năm 2030. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt tiên phong ứng dụng công nghệ đột phá này.

Cuộc chơi mới, cơ hội mới

Điểm nổi bật của blockchain là tính phi tập trung và sổ cái phân tán, giúp giảm rủi ro, chi phí trung gian và mở đường cho các ứng dụng phi tập trung (dApps). Blockchain không chỉ định hình các xu hướng công nghệ như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) hay metaverse mà còn đóng vai trò “xương sống” trong quản lý tài sản kỹ thuật số. Theo dự báo, giá trị mà blockchain tạo ra trên metaverse có thể đạt tới 5.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030(1) - một cơ hội đầu tư đáng cân nhắc cho các doanh nghiệp.

Không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực công nghệ, blockchain đang thâm nhập vào nhiều ngành công nghiệp - dịch vụ, từ tài chính, logistics, y tế đến ngân hàng. Sự kết hợp giữa blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) giúp đảm bảo tính minh bạch, bảo mật cao trong dữ liệu, đồng thời tối ưu hóa quy trình vận hành. Công nghệ này còn hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trải nghiệm khách hàng qua các giải pháp đa kênh, kết nối liền mạch từ mạng xã hội, e-mail đến giao tiếp trực tiếp. Với sự phát triển của công nghệ di động 5G và hướng tới 6G, blockchain được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục tăng cường khả năng kết nối, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu trong kỷ nguyên Internet vạn vật (IoT).

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã chủ động đi đầu trong “cuộc đua” blockchain, tận dụng công nghệ này để thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới. Điển hình là Đức, với chiến lược blockchain từ năm 2019, đã khai thác tiềm năng công nghệ để hỗ trợ các mô hình tài chính sáng tạo, giúp doanh nghiệp vươn ra thị trường toàn cầu. Tại Ấn Độ, blockchain được triển khai từ năm 2021 vào các chuỗi cung ứng nông nghiệp, y tế và dược phẩm, mang lại sự minh bạch và hiện đại hóa hệ thống kinh tế. Trong khi đó, Hàn Quốc tập trung ứng dụng blockchain vào dịch vụ công và nhận dạng số nhằm tối ưu hóa quản lý và thúc đẩy nền kinh tế số. Trung Quốc lại coi blockchain là nền tảng để hiện đại hóa công nghiệp, xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, Liên minh châu Âu nổi bật với chiến lược blockchain toàn diện, không chỉ bảo vệ dữ liệu mà còn tạo dựng nền tảng kinh tế số bền vững, trở thành hình mẫu tiên phong trên trường quốc tế.

Với chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain mới được ban hành, Việt Nam cho thấy chúng ta không đứng ngoài cuộc. Đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp đón đầu xu hướng, tận dụng blockchain làm bệ phóng nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế.

Chiến lược quốc gia về blockchain: Động lực mới cho doanh nghiệp

Blockchain đang ngày càng khẳng định vai trò trong các lĩnh vực then chốt tại Việt Nam như giáo dục, nông nghiệp và tài chính nhờ tính minh bạch, bảo mật. Trong giáo dục, công nghệ này được ứng dụng để quản lý văn bằng, giúp đảm bảo minh bạch và giảm thiểu gian lận. Trong nông nghiệp, các giải pháp như Fruitchain và TraceVerified cho phép truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dùng về an toàn thực phẩm.

Ngành tài chính cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Các ngân hàng lớn như TPBank và VietinBank đã thử nghiệm thành công chuyển tiền liên ngân hàng qua blockchain, hay Vietcombank, HSBC Việt Nam, BIDV, HD Bank và MB đã tích hợp blockchain vào hệ thống ngân hàng số, nâng cao hiệu quả vận hành và tính bảo mật(2). Đáng chú ý, Việt Nam đang vươn lên trở thành điểm sáng blockchain trong khu vực, nhờ tỷ lệ người dùng tiền mã hóa cao cùng sự ra đời của những sản phẩm nổi bật như Axie Infinity hay TomoChain. Các ứng dụng blockchain trong gaming và metaverse đã giúp doanh nghiệp Việt ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ toàn cầu, mở ra cơ hội lớn cho sự bứt phá trong tương lai.

Trong thời đại số, blockchain không chỉ là một công nghệ mà còn trở thành động lực chiến lược cho sự phát triển kinh tế. Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ vai trò này và đang nỗ lực xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy ứng dụng blockchain. Mặc dù phải đối mặt với thách thức như thiếu hiểu biết về công nghệ, nguồn nhân lực hạn chế và rào cản pháp lý, Việt Nam vẫn sở hữu lợi thế lớn nhờ tỷ lệ người dùng Internet cao cùng lực lượng lao động trẻ, tạo ra cơ hội vàng cho sự bứt phá.

Với tầm nhìn đến năm 2030, chiến lược quốc gia về blockchain, ban hành ngày 22-10-2024, đặt mục tiêu xây dựng khung pháp lý thúc đẩy môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ này trong các lĩnh vực quan trọng như tài chính, y tế và dịch vụ công. Tuy nhiên, để tận dụng triệt để tiềm năng của blockchain, doanh nghiệp cần hiểu rõ các trụ cột chính của chiến lược và cách chúng tác động đến môi trường pháp lý.

Thứ nhất, phát triển môi trường đầu tư thân thiện. Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thiện dần khung pháp lý về blockchain, nhằm phát triển công nghệ này một cách an toàn, có trật tự, giảm thiểu rủi ro và tăng tính minh bạch trong ứng dụng blockchain. Điều này bao gồm việc ban hành quy định, chính sách và tiêu chuẩn về nền tảng, sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ blockchain, xây dựng khung thử nghiệm pháp lý có kiểm soát (sandbox) về blockchain trong lĩnh vực có tiềm năng như công nghệ tài chính, giao thông vận tải, hay khả năng đưa công nghệ blockchain vào danh mục ngành, nghề kinh doanh. Doanh nghiệp nên theo dõi sát sao tiến trình này để đảm bảo hoạt động tuân thủ các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân trong các hoạt động phát triển, triển khai, vận hành và bảo trì các ứng dụng blockchain.

Thứ hai, đảm bảo an ninh và bảo mật. Blockchain, với đặc tính minh bạch và khả năng chống gian lận, tạo cơ hội xây dựng lòng tin với khách hàng và đối tác. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn bảo mật thông tin an ninh mạng nghiêm ngặt mà Việt Nam hướng đến cũng đặt ra yêu cầu cao về việc tuân thủ pháp luật. Đặc biệt là vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân ngày càng được coi trọng với Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, hay gần đây là Thông tư 50/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 31-10-2024, đưa ra quy định bảo đảm an toàn, bảo mật dữ liệu khách hàng trong việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng. Sắp tới, nếu dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được Quốc hội thông qua cũng đặt ra các thủ tục về xử lý dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân mà tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan phải tiến hành, trách nhiệm để xảy ra vi phạm, và phát sinh chi phí tuân thủ quy trình xử lý dữ liệu cá nhân. Doanh nghiệp cần kịp thời cập nhật các quy định pháp lý về an ninh và bảo mật khi đầu tư vào blockchain để tránh rủi ro pháp lý và củng cố uy tín của doanh nghiệp.

Thứ ba, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Blockchain không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình mà còn mở ra các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt khi kết hợp với AI và dữ liệu lớn. Tuy nhiên, sự phát triển này đòi hỏi các quy định pháp lý về quản lý dữ liệu, quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng phải rõ ràng hơn. Doanh nghiệp cần chủ động cập nhật các quy định mới để định hướng chiến lược phát triển phù hợp.

Cuối cùng, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Các trung tâm ươm tạo và hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp do chính phủ đầu tư là cơ hội để doanh nghiệp kết nối, hợp tác và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý đăng ký bảo hộ sáng chế và nhãn hiệu sớm để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường ngày càng cạnh tranh.

Tóm lại, chiến lược quốc gia về blockchain không chỉ là lộ trình công nghệ mà còn định hình khung pháp lý thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Nếu tận dụng được, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật để vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước.

(1) https://www.mckinsey.com/~/media/mckinsey/business%20functions/marketing%20and%20sales/our%20insights/value%20creation%20in%20the%20metaverse/Value-creation-in-the-metaverse.pdf
(2) https://vnba.org.vn/vi/ung-dung-blockchain-trong-ngan-hang-11030.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới