(KTSG Online) - Nhiều dự án làm đường cao tốc đang thiếu cát. Theo Bộ Giao thông Vận tải, trữ lượng vật liệu không thiếu nhưng công suất các mỏ đang khai thác không đáp ứng, thủ tục để gia hạn khai thác mỏ lại vướng. Liên quan đến tình trạng thiếu cát và vật liệu san lấp để làm cao tốc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa yêu cầu hai bộ liên quan báo cáo và đề xuất giải pháp cụ thể.
- Vật liệu xây dựng cao tốc tại Phú Yên giá cao, sản lượng thiếu
- TPHCM đề nghị 5 tỉnh hỗ trợ nguồn vật liệu cho dự án Vành đai 3
Văn phòng Chính phủ hôm 8-3 đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tình trạng thiếu cát, vật liệu san lấp cho các dự án đường cao tốc ở miền Trung và Tây Nam Bộ đồng thời đề xuất giải pháp cụ thể, theo TTXVN.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, 10 dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có nhu cầu khoảng 17,1 triệu m3 đá, 8,95 triệu m3 cát và khoảng 45,3 triệu m3 đất đắp nền. Tuy nhiên, khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án nên còn thiếu khoảng 7,5 triệu m3 đá, 3 triệu m3 cát và khoảng 1,9 triệu m3 đất đắp nền.
Tương tự, với cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, tổng nhu cầu khoảng 1,37 triệu m3 đá các loại và khoảng 1,7 triệu m3 đất đắp. Qua khảo sát, nguồn đá, đất đắp nền đường đã đủ cho hai dự án này. Riêng lượng cát đắp nền, khoảng 18,5 triệu m3 (phải thi công trong 18 tháng để chờ lún) vẫn thiếu.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trữ lượng vật liệu để làm đường cao tốc không thiếu nhưng cần sớm nâng công suất các mỏ đang khai thác và đẩy nhanh thủ tục để khai thác mỏ mới.
Cũng trong hôm qua (8-3), UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải quyết các mỏ vật liệu phục vụ đất đắp cho dự án cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây.
Trước đó, hôm 23-2, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết không thể gia hạn các giấy phép mỏ vật liệu đã hết hạn và đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận xem xét việc cấp lại giấy phép.
Tuy nhiên, nếu cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản (cấp giấy phép mới) nhà thầu cần phải thực hiện nhiều thủ tục như thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, bàn giao đất cho địa phương và hoàn thành nghĩa vụ liên quan khi giấy phép khai thác hết hạn. Sau đó, nhà thầu phải lập lại hồ sơ cấp phép khai thác mới gồm phê duyệt trữ lượng khoáng sản, môi trường, cấp mới hoặc gia hạn chủ trương đầu tư và thuê đất.
Trong khi đó, dự án phải đưa vào sử dụng chậm nhất vào ngày 30-4-2023 theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải nên việc thực hiện các hồ sơ, thủ tục để được cấp lại giấy phép theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường là không khả thi về tiến độ thực hiện.
Từ các nội dung vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải sớm báo cáo, đề xuất giải pháp cơ chế tháo gỡ để địa phương giải quyết cho các nhà thầu tiếp tục được khai thác phục vụ cho dự án.