Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính sách bảo hộ có nguy cơ trở lại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính sách bảo hộ có nguy cơ trở lại

Ngày 2-2 tại London, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết sẽ gửi sang châu Âu các phái đoàn thương mại nhằm thúc đẩy mậu dịch toàn cầu.

(TBKTSG Online) – Đứng trước tình hình khủng hoảng, nhiều quốc gia có thể quay trở lại chính sách bảo hộ để trợ giúp các doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng điều đó sẽ dẫn đến những hệ quả tệ hại hơn.

Vào thời khủng hoảng, “mùi hương của chính sách bảo hộ đang lãng vãng”, chuyên gia kinh tế Binit Patel làm việc cho Goldman Sachs nhận xét. Dấu hiệu dễ thấy nhất là việc chính phủ Mỹ quyết định tăng 300% thuế nhập khẩu phômai roquefort của Pháp để trả đũa việc châu Âu không mở cửa thị trường cho thịt bò Mỹ có chứa hormone.

Nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt. Trước tình hình suy thoái, xu hướng “mạnh ai nấy lo” đang lan rộng: tăng thuế nhập khẩu xe hơi ở Nga hoặc thép ở Ấn Độ, hạn chế nhập khẩu ít nhất 500 mặt hàng ở Indonesia… Trong diễn văn nhậm chức vừa rồi, Tổng thống Obama cũng đã nhắc đến việc bảo vệ các ngành công nghiệp quan trọng.

Để nâng đỡ cho ngành luyện kim, Mỹ dự tính – thông qua điều khoản “Buy American” có trong kế hoạch tái thiết đang chờ Thượng viện thông qua – cấm mua thép ở nước ngoài phục vụ cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng sắp tới. Đây là một trong những biểu hiện co cụm nội địa được xem như một phần giải pháp đối phó khủng hoảng.

Ngay lập tức, Liên đoàn các doanh nghiệp sắt thép châu Âu, Eurofer đã lên tiếng báo động. Và ngay tại Mỹ, một số doanh nghiệp lớn (Boeing, Caterpillar hoặc General Electric) đang lo ngại chính sách bảo hộ này có thể khiến phát sinh những biện pháp trả đũa. Và họ đã không lầm, Liên minh châu Âu đã thông báo như vậy nếu Mỹ thông qua đạo luật cấm bán các sản phẩm châu Âu trên đất Mỹ.

Trả lời phỏng vấn của L’Express, Michel Fouquin, chuyên gia Pháp về thương mại quốc tế cho rằng việc trở lại chính sách bảo hộ sẽ là thảm họa, vì hệ quả trước mắt là nó sẽ làm giảm mậu dịch thế giới.

“Chính sách bảo hộ có thể hiệu quả nếu như quốc gia đó chỉ áp dụng một mình. Nhưng thực tế không bao giờ có trường hợp này, vì khi bị cấm nhập sản phẩm của mình thì quốc gia khác sẽ có biện pháp trả đũa ngay”, ông nói.

“Chính sách bảo hộ được phổ cập sẽ mang lại những hệ quả rất xấu. Hãy nghĩ rằng nếu cấm nhập quần áo của Trung Quốc vào châu Âu, có thể Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Rumani được hưởng lợi, nhưng người Trung Quốc sẽ tấn công hàng xa xỉ của Pháp”. Chuyên gia này cho rằng nếu chính sách bảo hộ được áp dụng phổ biến sẽ làm giảm phân nửa mậu dịch thế giới và làm tăng nặng suy thoái toàn cầu, đẩy giá hàng tiêu dùng lên cao và hủy hoại các ngành công nghiệp xuất khẩu. “Đó chính là điều đã xảy ra trong những năm 1930”, ông nói.

Davos đã nghiên cứu vấn đề rất hình thức

Nạn nhân đầu tiên sẽ là những nước nghèo nhất, như ngoại trưởng Brazil Celso Amorim và Thủ tướng Anh Gordon Brown đã nhấn mạnh tại Davos. Tại diễn đàn kinh tế thế giới này, chính sách bảo hộ là vấn đề trọng tâm của các cuộc tranh luận. Sau hội nghị, khoảng 20 bộ trưởng các nước đã công bố một tuyên bố chung cho rằng “những tiến bộ quan trọng đạt được trong năm 2008 đã cung cấp cơ sở vững chắc cho việc giải quyết nhanh những bất đồng còn tồn tại trong năm 2009”. Nhưng việc ngoại trưởng Mỹ vắng mặt (do chưa được chính phủ mới chỉ định) đã khiến kết quả này trở thành hình thức. Washington chỉ có đại diện là đại sứ bên cạnh WTO.

Ngày 15-11-2008 tại cuộc họp ở Washington, khi nhớ đến những tác hại tàn phá của cuộc khủng hoảng năm 1929, lãnh đạo của nhóm G20 đã cam kết trong vòng 12 tháng “không dựng hàng rào mới đối với đầu tư và kinh doanh sản phẩm và dịch vụ”. Tuy nhiên, WTO không cấm nâng thuế quan lên mức cao nhất được cho phép. Một số quốc gia đã vẫn còn khoảng chênh lệch này và đang sử dụng. 

Các kế hoạch tái thiết cũng dự kiến những khoản trợ giúp cho các lĩnh vực, đứng đầu là ngành sản xuất ô tô. “Vào thời khủng hoảng, các lĩnh vực công nghiệp đang gặp khó khăn và những lĩnh vực có đủ khả năng để được lắng nghe có thể nhận được hỗ trợ trực tiếp, dù người ta không biết liệu nó có ý nghĩa kinh tế hay không, hoặc liệu nó có phù hợp với lợi ích chung hay không”, giáo sư Pierre-Cyrille Hautcoeur thuộc Đại học Kinh tế Paris nói. Ông cũng lưu ý sự phân biệt của học thuyết Keynes giữa tái thiết ở mức độ lợi ích riêng – làm nhiễu loạn tính cạnh tranh – và hành động toàn cục theo nhu cầu. 

Nhưng hình thức lách luật nặng nhất làm người ta nhớ đến khủng hoảng năm 1929 là việc phá giá đồng tiền. Nhiều ngoại tệ đang bị thả nổi, nhưng giá trị của chúng còn phản ảnh chính sách lãi suất của ngân hàng trung ương, thậm chí những can thiệp trên thị trường. Một số đồng tiền khác, như nhân dân tệ của Trung Quốc, được ấn định tỷ giá trong hành lang giới hạn của chính phủ. Trong khi đó, các nguyên tắc lại thiếu vắng.

“WTO cấm và trừng phạt chính sách bảo hộ bằng thuế quan, nhưng lại không thể làm gì để chống lại chính sách bảo hộ tiền tệ. Từ khi kết thúc việc chuyển đổi đô la Mỹ sang vàng vào năm 1971, Quỹ Tiền tệ thế giới IMF không còn nói được gì về chuyện thao túng hối đoái của một số quốc gia”, nhà kinh tế Antoine Brunet giải thích.

Tỷ giá của nhân dân tệ được điều chỉnh để phục vụ xuất khẩu đang trong tầm ngắm, vì Mỹ cho rằng Trung Quốc thao túng đồng tiền của mình. Tại Trung Quốc, chi phí lao động thấp hơn châu Âu đến 80 lần, so với 30 lần của Ấn Độ, trong khi tình hình hai quốc gia này là như nhau, điều này làm người ta nghĩ đến vai trò của tỷ giá hối đoái. Từ tháng 7-2008, Trung Quốc đã ngừng biện pháp định giá lại nhân dân tệ trước đô la Mỹ được tiến hành vào năm 2005. Và người ta lo ngại sẽ tái diễn chuyện phá giá đồng tiền.

Phát biểu tại London ngày 2-2, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết Trung Quốc sẽ gửi sang châu Âu các phái đoàn thương mại nhằm thúc đẩy mậu dịch toàn cầu và hạn chế những cố gắng bảo hộ ở một số quốc gia thành viên.

MINH TRƯỜNG (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới