Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chính thức xét xử đại án Ngân hàng SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan hầu tòa

D. Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Phiên tòa tại TPHCM dự kiến kéo dài đến 2 tháng, xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm với những cáo buộc liên quan đến việc sử dụng ngân hàng SCB để rút tiền.

Ngày 5-3, Tòa án Nhân dân TPHCM bắt đầu xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với 3 tội danh là tham ô tài sản, đưa hối lộ, vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chúc tín dụng.

Ngoài bị cáo Trương Mỹ Lan, tòa còn xét xử 80 bị cáo khác trên tổng số 86 bị cáo (có 5 bị cáo đang bị truy nã). Trong đó ngoài nhóm bị cáo từ ngân hàng SCB, còn bao gồm cả một số cựu lãnh đạo từ cơ quan quản lý gồm Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước. Theo cập nhật của Thư ký phiên tòa, trong phiên xét xử sáng 5-3 có 79/86 bị cáo có mặt tại tòa. Trả lời tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan xác nhận đủ sức khỏe tham dự phiên xét xử hôm nay.

Vụ án tại ngân hàng SCB được xác định là có quy mô thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay. Ảnh: Lê Vũ

Theo đó, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.

Với sự tham gia của khoảng 200 luật sư, dự kiến tòa cũng sẽ triệu tập khoảng 2.400 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chia thành các nhóm. Trong đó gồm nhóm cán bộ nhân viên Ngân hàng SCB, nhóm người liên quan là các cá nhân đứng tên công ty, đứng tên các tài sản thế chấp tại SCB thực hiện việc nộp, rút tiền; các pháp nhân thuộc nhóm đứng tên vay tiền, nhận tiền tại Ngân hàng SCB (692 người); các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước và nhóm người liên quan khác.

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 29-4, cũng đồng thời được xem là “đại án” lớn nhất từ trước đến nay của ngành ngân hàng trên nhiều phương diện, về quy mô xét xử, số lượng cá nhân và pháp nhân có liên quan, số tiền thiệt hại và ảnh hưởng sâu rộng trong hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng SCB được hợp nhất dựa trên 3 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất.

Theo kết luận điều tra, sau khi hợp nhất (từ năm 2012 đến tháng 10-2022), bà Lan đã thâu tóm, nắm giữ thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần), qua đó thao túng toàn bộ hoạt động của ngân hàng.

Viện kiểm sát cáo buộc bà Trương Mỹ Lan là chủ mưu, sử dụng SCB để huy động vốn, sau đó chỉ đạo người tại ngân hàng và liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát lập hồ sơ để hợp thức hóa việc rút tiền ra khỏi ngân hàng dưới hình thức các khoản vay.

Theo sổ sách của Ngân hàng SCB tại thời điểm khởi tố vụ án (tính đến ngày 17-10-2022), tổng tiền huy động là 673.586 tỉ đồng, còn vốn chủ sở hữu là 21.036 tỉ đồng. Tuy nhiên, báo cáo kiểm toán độc lập ra soát lại (tháng 5-2023) thì vốn chủ sở hữu ở mức âm 443.769 tỉ đồng, lỗ lũy kế là 464.547 tỉ đồng.

Vụ việc của SCB cũng gây ra thiệt hại dây chuyền lớn trong ngành tài chính. Ngân hàng Nhà nước sau đó đã kiểm soát đặc biệt ngân hàng này để xử lý các vấn đề có liên quan.

So sánh với các đại án ngân hàng trước đây, đây là vụ án rất lớn, phức tạp trong bối cảnh thực trạng tài chính yếu kém của ngân hàng được che giấu qua nhiều năm. Ngoài quy mô rất lớn, vụ án còn tổng hợp nhiều vấn nạn hiện của ngành ngân hàng, chẳng hạn như câu chuyện sở hữu chéo, cho vay sân sau của các tập đoàn đứng sau tổ chức tín dụng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới